Cần lắm những tấm lòng vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật
Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có 228 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 202 người trực tiếp và 26 người gián tiếp và 4.339 người khuyết tật đang hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin thành phố Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động, vận động các nguồn lực quan tâm chia sẻ với NNCĐDC và người khuyết tật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở mức nhất định. Và rất nhiều hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn nữa của cả cộng đồng.
Trong năm 2024, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Sóc Trăng đã thực hiện hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội chung sức đóng góp vật chất chăm lo, giúp đỡ cho NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm giúp họ vượt qua mặc cảm bệnh tật, sống lạc quan. Qua đó, có 4.144 phần quà được trao cho NNCĐDC, người khuyết tật thành phố Sóc Trăng, tổng trị giá trên 1,35 tỷ đồng. Trong đó, trên 1.800 phần quà, 6 chiếc xe lăn do Hội NNCĐDC/dioxin thành phố và các phường vận động, tổng trị giá 584 triệu đồng. Phần còn lại từ sự hỗ trợ vận động của Tỉnh hội và kết hợp các ban, ngành vận động các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm.
Tuy nhiên, sự quan tâm này chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, còn về lâu dài cần có sự tạo điều kiện để gia đình có NNCĐDC và người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn. Như trường hợp em Trương Thị Trúc Như, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, là NNCĐDC, đã bước sang tuổi 35 nhưng em không biết nói, không đi đứng được, vệ sinh tại chỗ, phải có người chăm sóc. Hiện em sống với mẹ (bà Nguyễn Thị Lê), nhưng mẹ em đã gần 60 tuổi, mang trong người nhiều chứng bệnh. Hai mẹ con sống nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, khi cho gạo, khi cho mì, có khi là nhu yếu phẩm.
Bà Lê bày tỏ với lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin thành phố: “Tôi mong muốn được hỗ trợ vốn để mua chiếc xe bán nước mía đặt trước nhà, kiếm đồng vô đồng ra. Mỗi ngày bán lời vài chục ngàn cũng được, tôi dành dụm để lo trị bệnh. Chứ giờ tôi chỉ ở nhà chăm sóc con, không đi làm thuê, làm mướn gì được”.
Nói về chất độc da cam, ông Phạm Văn Hùng, Phường 8, thành phố Sóc Trăng chia sẻ:
Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1966. Lúc đó, tôi cũng không biết về chất độc do Mỹ rải xuống là gì. Năm 1967, tôi bị dính chất độc vào mắt, mắt tôi sưng. Nhiễm chất độc da cam khiến cho mắt tôi bị mờ, dần dần ảnh hưởng đến tim mạch, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Di chứng chất độc da cam ở Việt Nam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Đồng nghĩa nỗi đau da cam cứ tiếp tục kéo dài. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa, có chính sách hỗ trợ cho con em của NNCĐDC bị ảnh hưởng. Vì đa số những trường hợp này đời sống vô cùng khó khăn.
Các NNCĐDC còn sống đang vật lộn với những khó khăn về đời sống, bệnh tật hiểm nghèo. Như trường hợp của gia đình chị Trịnh Thị Ngọc Hiếu, Phường 8, thành phố Sóc Trăng. Gia đình có 4 thành viên nhưng tất cả đều có bệnh tật. Chồng chị bị nhiễm chất độc hóa học, bị khuyết tật ở chân, còn chị bị khuyết tật giọng nói. Chị sinh 2 người con trai, 1 em bị tâm thần, 1 em khuyết tật về vận động. Không ruộng đất, không có nghề nghiệp, cả gia đình chị trông chờ người thân, mạnh thường quân giúp đỡ. Chị Hiếu nhìn 2 người con rơm rớm nước mắt: “Muốn mua cái gì bồi bổ cho 2 con cũng không có tiền mà mua. Muốn cho con đi học mà cũng đành bất lực. Từ lúc em sinh ra tới giờ, cái nghèo cứ đeo bám”.
Về hỗ trợ sinh kế, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Sóc Trăng có tổ hùn vốn với 21 thành viên, mỗi thành viên từ 3 - 6 tháng nhận xoay vòng từ 3 triệu - 4,6 triệu đồng (trong đó có 1 triệu đồng do Thành hội hỗ trợ). Điều này đã giải quyết cho hội viên có vốn sản xuất để mua bán nhỏ, chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Hội còn hướng dẫn hội viên, gia đình hội viên làm hồ sơ hỗ trợ vốn sinh kế từ nguồn quỹ của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Sóc Trăng và từ nguồn vốn của bà Trần Tố Nga. Tuy nhiên số tiền vốn không nhiều, số trường hợp được tiếp cận vốn cũng ít so với tổng số lượng hội viên của hội.
Theo ông Nguyễn Huy Thưởng - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Sóc Trăng:
Đa số gia đình NNCĐDC, người khuyết tật đều nghèo khó. Không chỉ thiếu trước hụt sau mà họ còn đối mặt với bệnh tật kéo dài, tốn nhiều chi phí điều trị. Các sự hỗ trợ của các cấp hội chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, còn về lâu dài thì chưa được. Vì vậy, các cấp hội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xã hội hiểu sâu hơn về tác hại của chất độc da cam/dioxin. Kêu gọi cộng đồng cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Các cấp hội cũng huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ vốn sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật.
Ngoài ra, giúp các gia đình có đủ điều kiện thụ hưởng được hưởng chế độ, chính sách bảo trợ xã hội… Điều đó sẽ góp phần làm vơi đi khó khăn của các gia đình và là sự động viên tinh thần để những trường hợp này phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ. Vì vậy rất cần sự chung sức của cả cộng đồng vì NNCĐDC và người khuyết tật.