Cần giữ lại quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân

'Không lẽ Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) khu vực là những cơ quan tư pháp duy nhất nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Vậy nếu dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo về quyền lợi của họ'?

Thảo luận tại hội trường sáng nay, 14-5, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

Cho ý kiến về bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, theo giải thích của Ban soạn thảo, có 2 lý do để bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

“Không lẽ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Vậy nếu dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ?” - đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) phát biểu thảo luận

Theo đại biểu, trước khi thông qua mô hình TAND, VKSND khu vực, Quốc hội cần xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với các cơ quan này.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, lập luận của Ban soạn thảo đánh đồng các hình thức giám sát khác nhau, trong khi chúng có ý nghĩa, vai trò và tính chất pháp lý khác nhau và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn, vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người chất vấn phải trả lời trực tiếp, phải chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình.

Đại biểu cho rằng, nếu không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp Hội đồng nhân dân để trả lời cụ thể từng vấn đề đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.

“Trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả để đại biểu HĐND và rộng hơn là cử tri, nhân dân địa phương yêu cầu thông tin trao đổi trực tiếp với Chánh án, Viện trưởng. Do đó, nhận định rằng HĐND vẫn giám sát được là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát.

Việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND là đi ngược lại với Nghị quyết 27 của Trung ương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền” - đại biểu nhấn mạnh.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó, luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-giu-lai-quyen-chat-van-cua-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-voi-chanh-an-toa-an-nhan-dan-vien-truong-vien-kiem-sat-nhan-dan-post611666.antd
Zalo