Cần giải pháp mạnh để 'chặn' tội phạm công nghệ cao

Thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 tại phiên họp của Quốc hội ngày 26/11, nhiều đại biểu quan tâm tới tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao và cho rằng cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng chống loại tội phạm này.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. "Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội của nước ta. Có thể nói, sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin mạng viễn thông nói riêng đã trở thành một môi trường cho tội phạm mới", Đại biểu nêu vấn đề.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, bị mua bán vẫn đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên không gian mạng, gây nhiều hậu quả khó lường.

Do đó, Đại biểu kỳ vọng vào sự ra đời của Luật Dữ liệu sẽ hạn chế được tình trạng này. Đồng thời kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này để thông tin của mỗi cá nhân sẽ bảo vệ, nhất là trên không gian mạng.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn về các nguồn lực cho các lực lượng tham gia làm công tác đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình cho người dân, đề xuất ban hành chế định nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác này.

Làm rõ về nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho hay, nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và cấp bách, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, sự chủ động, phối hợp hiệp đồng của các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng thông tin thêm, Bộ Công an đang tiếp tục kiến nghị xây dựng các quy phạm pháp luật để quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả hơn những hoạt động lợi dụng không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024. Theo đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/can-giai-phap-manh-de-chan-toi-pham-cong-nghe-cao.html
Zalo