Cần có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới. Dự án Luật này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Hình minh họa

Hình minh họa

Cần có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Góp ý vào dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 7, ĐBQH Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa để nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến văn hóa.

Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc do Luật hiện hành quy định và các vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đáp ứng với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên về việc bảo tồn các di sản văn hóa.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã cơ bản phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…

Đồng thời, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan; phù hợp với các Công ước của UNESCO như: Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972; Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003…

Đi vào vấn đề cụ thể, ĐBQH Trần Văn Tiến cho rằng cần có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa bởi Quỹ này là nguyện vọng của những người làm văn hóa. Theo dự thảo Luật, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài... Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách và ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Để đạt hiệu quả như mong muốn, đại biểu cho rằng cần phải đánh giá kỹ về tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ và có các quy định cụ thể, phù hợp để bảo đảm hoạt động của Quỹ công khai, minh bạch. Đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù để quản lý tài chính về thu chi, như: phí, lệ phí, kinh phí hỗ trợ, việc duy tu, sửa chữa… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bổ sung 2 loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam và ngữ văn dân gian

ĐBQH Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, mỗi quốc gia đều xây dựng cho riêng mình một thương hiệu, thương hiệu đó là hình ảnh và dấu ấn của một quốc gia đó được cộng đồng trong và ngoài nước ghi nhận, đó còn gọi là sức mạnh mềm. Khi sức mạnh mềm của quốc gia được lan tỏa ra cộng đồng quốc tế càng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội cho quốc gia đó.

Việt Nam với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng với kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo với bề dày lịch sử trên 4.000 năm, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới.

Đóng góp vào dự thảo Luật, tại Điều 9 các loại hình di sản văn hóa phi vật thể gồm 6 loại hình cụ thể, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung 2 loại hình, đó là tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam và ngữ văn dân gian.

Theo đại biểu, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 đã quy định "ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước". Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tiếng nói, chữ viết, 54 dân tộc Việt Nam được xếp theo ban ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái, Mông - Dao, Mông - Khmer, Nam Đảo, Tạng - Miến, Hán và Kadai.

"Qua tìm hiểu tôi được biết, đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trong cả nước đến nay vẫn bảo tồn tốt tiếng nói, chữ viết của tộc mình. Cụ thể, về tiếng nói của đồng bào dân tộc Khmer sống ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, tập trung nhiều nhất ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang; đối với đồng bào dân tộc Hoa sống ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sóc Trăng; đối với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ sống ở các địa phương, trong đó có tỉnh Cao Bằng.

Về chữ viết, Khmer ngữ, Hán ngữ được dạy trong các trường phổ thông cho ngành giáo dục quản lý, ở các chùa cho các vị sư Nam tông tự quản và ở các trường dân lập khác. Đặc biệt Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ được thành lập từ năm 1994 ở tỉnh Sóc Trăng, đây là nơi đào tạo đội ngũ sư sãi người Khmer của các tỉnh trong khu vực Nam Bộ; còn ở Cao Bằng chữ Nôm Tày và chữ Nôm Dao đã được các bậc trí thức sử dụng để ghi chép mọi thứ, từ lịch sử đến bài hát và văn thơ, đặc biệt là những người trên 70 tuổi vẫn giữ được nhiều cuốn sách cổ do ông cha để lại" - đại biểu nêu dẫn chứng.

Cũng theo nữ đại biểu, về ngữ văn dân gian, gồm các câu truyện truyền thuyết, giai thoại lịch sử, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ và các bài hát dân ca, hò vè, câu đố và những biểu đạt văn hóa tương đồng khác được truyền miệng qua nhiều thế hệ, phản ánh văn hóa, tập quán, tín ngưỡng và nhận thức của cộng đồng, chứa đựng những ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu thương con người, tinh thần đấu tranh, khao khát bảo vệ quê hương, niềm tin chính nghĩa luôn chiến thắng là những bài học bồi dưỡng con người hướng tới chân- thiện-mỹ.

"54 dân tộc anh em cùng sống trên đất nước Việt Nam, mỗi tộc người lại có cho riêng mình một kho tàng văn học dân gian và tiếng nói, chữ viết, từ đó làm phong phú và giàu đẹp, thêm vốn tri thức của toàn dân tộc Việt" - đại biểu nói và cho rằng, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam và ngữ văn dân gian rất cần được bổ sung vào Điều 9 trong dự thảo luật này. Nếu không thì các giá trị tiêu biểu của 2 loại hình trên đang đứng trước nguy cơ mai một, biến mất hoặc biến dạng trước tiến trình đô thị hóa hội nhập quốc tế.

Cần có cơ chế chính sách quảng bá hình ảnh, sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của thành phố sáng tạo

Góp ý vào Điều 87 tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa, đại biểu cho biết, Giải thưởng mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu được UNESCO vinh danh là thành viên với 294 thành phố của các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam có 5 thành phố là thành viên, gồm Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Còn Giải thưởng mạng lưới các thành phố sáng tạo được UNESCO vinh danh là thành viên với 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia trên thế giới có sự phát triển trên sự sáng tạo ở 7 lĩnh vực.

Trong số 10 thành phố Đông Nam Á là thành viên thì Việt Nam chúng ta có 3 thành phố, đó là thành phố Hà Nội, là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, được công nhận vào năm 2019; thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công về nghệ thuật dân gian, được công nhận vào năm 2023; Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, được công nhận vào năm 2023. Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để khuyến khích cho những nỗ lực vượt bậc của các thành phố đã được vinh danh là thành viên của mạng lưới học tập sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu, thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập và phong trào thi đua cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời với mô hình trường học hạnh phúc. Đặc biệt, xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích người học. Đây được xem là cơ sở rất quan trọng để xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Thứ hai là cần có cơ chế chính sách quảng bá hình ảnh, sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của thành phố sáng tạo trong tiến trình phát triển để tạo thêm động lực đến các thành phố khác trong cả nước phấn đấu đạt các tiêu chí của UNESCO, tiếp tục được vinh danh, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam quảng bá đến bạn bè quốc tế./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-co-quy-bao-ton-di-san-van-hoa-20240702155158857.htm
Zalo