Tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Mông Cổ chính thức ghi danh "Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" vào danh mục Ký ức thế giới với số phiếu 23/23 nước tham gia. (Ảnh: LC)
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đây là di sản thứ 8 của Thừa Thiên - Huế được công nhận di sản thế giới. Trước đó vào năm 2012, Cửu đỉnh cũng được Thủ tướng công nhận là Bảo vật Quốc gia. (Ảnh: LC)
Cửu đỉnh trong Hoàng cung Huế (Đại nội) do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu (Nơi thờ các vị vua nhà Nguyễn). Mục đích nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. (Ảnh: LH)
Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh Huế được vinh danh là di sản tư liệu thế giới vì các hình tượng trên chín đỉnh như một bộ "Địa dư chí" được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta thế kỷ XIX, tuy không nhiều nhưng điển hình và bao hàm rất đầy đủ. (Ảnh: LH)
162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề trên Cửu đỉnh chứa đựng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau. Điều này đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia.
Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên - Huế: "Các hình trên cửu đỉnh tuy để trang trí nhưng không lặp lại. Mỗi hình như một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian tạo lên một nhịp điệu uyển chuyển". (Ảnh: LC)
Ngoài hình ảnh rồng xuất hiện trên Cao đỉnh, biểu tượng của hoàng đế thì trên các đỉnh còn có những hình ảnh vừa mang tính biểu tượng, vừa mang tính tiêu biểu cho lực lượng siêu nhiên trong vũ trụ, chi phối cuộc sống con người: Mặt trời, mặt trăng, mây, các vì sao.. Hay các loài cây, con thú, sản vật của đất nước... (Ảnh: LC)
Các nhà nghiên cứu nhận định, các hình ảnh được lựa chọn để đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể coi là bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam. Là di sản quý giá, nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt. (Ảnh: LC)
Ngày nay, Cửu đỉnh luôn là điểm dừng chân của du khách khi tham quan Thế miếu trong Đại nội Huế. Bảo vật này có thể nói là tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn. (Ảnh: LH)
Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Đây là cơ sở thực tiễn để Bộ kiến nghị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh Hoàng cung Huế được công nhận là di sản tư liệu thế giới là kết quả cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng. Việc Thừa Thiên - Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ là nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế. Từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.