Cán bộ y tế vùng biên hỗ trợ thai phụ người Lào 'vượt cạn' giữa rừng

Thai phụ người Lào được đưa đến trạm y tế vùng biên Việt Nam nhờ giúp đỡ khi có dấu hiệu bất thường. Quá trình chuyển tuyến, thai phụ này chuyển dạ. Cán bộ y tế hỗ trợ người phụ nữ sinh con giữa rừng.

Ngày 17/7, bác sĩ Phan Văn Huệ, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch, tỉnh Quảng Trị cho biết, cán bộ của trạm vừa có ca đỡ đẻ đặc biệt giữa rừng cho một thai phụ người Lào đang trên đường chuyển tuyến lên bệnh viện.

Mẹ con sản phụ người Lào được cán bộ y tế vùng biên Việt Nam hỗ trợ.

Mẹ con sản phụ người Lào được cán bộ y tế vùng biên Việt Nam hỗ trợ.

Trước đó, chị Mang Xon (SN 2000, trú tại bản Noỏng Mạ, huyện Bua Lạ Pha, tỉnh Khăm Muồn, Lào) được đưa đến Trạm Y tế xã Thượng Trạch sau gần 2 ngày có dấu hiệu bất thường thai kỳ.

Đây là lần sinh con thứ 5 của chị Mang Xon. Chị Xon mang thai liên tục trong thời gian ngắn, có tiền sử khó sinh ở lần mang thai trước. Người nhà chị Xon cho biết, do điều kiện y tế tại bản Noỏng Mạ còn hạn chế nên khi có dấu hiệu bất thường được đưa tới Trạm Y tế xã Thượng Trạch (đơn vị y tế gần nhất phía Việt Nam) để được thăm khám.

Hộ sinh Nguyễn Thị Nga cho biết, khi kiểm tra phát hiện thai phụ có sức khỏe yếu, tim thai không ổn định nên kíp trực quyết định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

"Do khó khăn về đường xá, phương tiện nên chúng tôi yêu cầu sự hỗ trợ của UBND xã Thượng Trạch. Phía xã sau đó thuê xe ô tô chở thai phụ băng rừng về viện, tôi chuẩn bị thuốc và trang thiết bị y tế cùng về theo", hộ sinh Nga thông tin

Khi di chuyển quãng đường cách trạm y tế khoảng 10km, thai phụ bất ngờ trở dạ và sinh con.

"Nếu di chuyển theo tuyến đường 20 – Quyết Thắng len dưới vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phải mất hơn 2 tiếng mới về tới bệnh viện. Trên đường xuống, thai phụ này trở dạ sinh. Lúc đó giữa rừng, không có sóng điện thoại để gọi hỗ trợ, tôi cùng mọi người chỉ biết sử dụng trang thiết bị có sẵn cùng kinh nghiệm để giúp mẹ con sản phụ", hộ sinh Nga nhớ lại.

Quá trình vượt cạn giữa rừng của sản phụ người Lào cũng không dễ dàng. Khi cháu bé được sinh ra sức khỏe rất yếu, người mẹ có dấu hiệu băng huyết hậu sản. Cán bộ y tế tiến hành sơ cấp cứu cho bệnh nhi, chuyền dịch, tiêm thuốc cho sản phụ.

"Cháu bé sinh ra rất yếu, mẹ cháu có dấu hiệu băng huyết phải tận dụng thuốc, trang thiết bị y tế mang theo để cứu chữa. Khi cháu bé khóc được là chúng tôi nhẹ cả người. Mẹ con sản phụ ổn định, chúng tôi quyết định đưa trở lại trạm để điều trị, theo dõi", hộ sinh Nga chia sẻ.

Hiện sức khỏe mẹ con chị Xon ổn định, tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Trạm Y tế. Đại diện chính quyền xã Thượng Trạch thăm hỏi, hỗ trợ sản phụ và biểu dương tinh thần trách nhiệm, phản ứng kịp thời của đội ngũ y tế địa phương.

Trạm Y tế xã Thượng Trạch, tỉnh Quảng Trị đóng trên địa bàn biên giới ở vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Y bác sĩ tại trạm có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho bà con nhân dân tại hàng chục bản làng với phần lớn cư dân là đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru – Vân Kiều) và Arem (dân tộc Chứt).

Các bản làng nơi đây phân bố rải rác trên khắp dải biên giới. Bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 30km. Hệ thống giao thông chưa được đầu tư toàn diện nên việc di chuyển gặp vô vàn khó khăn.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-bo-y-te-vung-bien-ho-tro-thai-phu-nguoi-lao-vuot-can-giua-rung-169250717184929054.htm
Zalo