Cán bộ đối phó, bao che vi phạm... sẽ bị tăng nặng mức kỷ luật

Cán bộ, công chức đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kiểm điểm nhưng không thực hiện, không sửa chữa khuyết điểm, vi phạm; đối phó, quanh co, cản trở quá trình kiểm tra, giám sát... là những tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý vi phạm.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 172/2025 quy định chi tiết về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Ba trường hợp chưa xem xét kỷ luật

Nghị định này nêu rõ ba trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Cụ thể, cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Trường hợp thứ hai, cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

 Chính phủ có quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Ảnh: THUẬN VĂN

Chính phủ có quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Ảnh: THUẬN VĂN

Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp loại trừ kỷ luật; miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật. Trong đó, các trường hợp loại trừ kỷ luật được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được miễn kỷ luật. Gồm được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm; phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2025;

Ngoài ra, còn có trường hợp được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định. Đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có gây ra thiệt hại vì lý do khách quan.

Cán bộ thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhưng có thiệt hại xảy ra; có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời cũng thuộc trường hợp được miễn kỷ luật.

Đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo... sẽ bị tăng nặng kỷ luật

Các trường hợp vi phạm được giảm nhẹ mức kỷ luật, gồm chủ động báo cáo vi phạm, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Chủ động cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm; Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì bị tăng nặng mức kỷ luật. Cụ thể, đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kiểm điểm nhưng không thực hiện, không sửa chữa khuyết điểm, vi phạm.

Không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm, hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả hoặc khắc phục không đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà có.

Những công chức đối phó, quanh co, cản trở quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; bao che cho người vi phạm; đe dọa, trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo, người làm chứng, người cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm, cũng bị áp dụng kỷ luật tăng nặng.

Một số hành vi khác cũng áp dụng tăng nặng mức kỷ luật là vi phạm có tổ chức, là người chủ mưu; cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm…

Hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức

Nghị định 172 đã quy định về các hình thức kỷ luật với cán bộ, công chức vi phạm.

Với cán bộ: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm.

Với công chức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/can-bo-doi-pho-bao-che-vi-pham-se-bi-tang-nang-muc-ky-luat-post858455.html
Zalo