Cần bịt lỗ hổng trong quản lý thuốc giả, thực phẩm giả
Thực trạng thuốc giả, thực phẩm giả kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật đang gây nhức nhối trên thị trường, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, cơ chế hậu kiểm hiện còn nhiều bất cập, quy định chưa đồng bộ khiến lực lượng chức năng chưa thể xử lý triệt để, doanh nghiệp vi phạm lại dễ dàng tái phạm.

Thuốc và thực phẩm chức năng bị đổ bỏ ven đường tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều lỗ hổng trong hậu kiểm
Từ khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã chuyển nhiều loại dược phẩm, thực phẩm từ khâu tiền kiểm sang hậu kiểm với kỳ vọng giúp cơ quan chức năng giảm gánh nặng hành chính và tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp. Thực tế, một số nhóm sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, dược liệu,… nếu vận dụng cơ chế hậu kiểm thuần túy lại bộc lộ nhiều rủi ro.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt nêu dẫn chứng: Một cơ sở được cấp phép kinh doanh tại thành phố nhưng nguồn hàng đến từ khắp cả nước và phân phối đi toàn quốc thì khâu hậu kiểm sản phẩm như thế nào, khâu thu hồi hay truy xuất ra sao?
Bên cạnh đó, việc lấy mẫu kiểm nghiệm, khâu then chốt trong hậu kiểm cũng gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí thực hiện và năng lực không đồng đều của các trung tâm kiểm nghiệm. Qua khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về chống thuốc giả, thực phẩm giả, bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chỉ ra những tồn tại cố hữu hiện nay là nhiều sản phẩm sau công bố không được kiểm định, trong khi quảng cáo quá công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Nhất là vi phạm trên nền tảng số đến nay vẫn khó kiểm soát.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm qua, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm thành phố lấy 774 mẫu dược phẩm và 310 mẫu thực phẩm đi kiểm tra, qua đó phát hiện 20 mẫu dược phẩm không đạt (chiếm 2,58%), 52 mẫu thực phẩm không đạt (chiếm 16,77%). Dù có chuyển biến nhưng con số này chưa tương xứng với quy mô thực tế thị trường và số lượng sản phẩm đã công bố, lưu hành. Sở Y tế đã xử phạt hành chính 36 cơ sở kinh doanh dược với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá 9 vụ vi phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm giả, trong đó có vụ thu giữ hơn 1.164 thùng thuốc thành phẩm, 1.600kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng trăm vật chứng liên quan. Tuy nhiên so với quy mô của đô thị gần 14 triệu dân và là trung tâm phân phối dược lớn cả nước, những kết quả đấu tranh còn quá nhỏ.
Cần giải pháp mạnh
Một trong những thách thức lớn hiện nay trong công tác đấu tranh với thuốc, thực phẩm giả được ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đó là tình trạng quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nền tảng livestream với sự tham gia của người nổi tiếng. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết: Trong thực tế, việc kiểm soát quảng cáo thuốc, thực phẩm nhất là trên các nền tảng số còn gặp khó bởi các đối tượng thường sử dụng tài khoản ẩn danh, thay đổi địa chỉ liên tục, sử dụng hình thức livestream bán hàng hoặc thuê người nổi tiếng để quảng cáo. Hình thức quảng cáo thuốc, thực phẩm không phép gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng, đồng thời là một trong những kênh phổ biến để thuốc giả, thực phẩm giả và thuốc chưa được kiểm chứng len lỏi vào thị trường.
Mặc dù hệ thống quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh và lưu hành hàng giả đã khá đầy đủ, song các chế tài xử phạt hành chính trong một số trường hợp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là những hành vi cố ý vi phạm hoặc tái phạm. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, y tế, an toàn thực phẩm còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất trong hành động đã ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh với hàng giả.
Nhìn nhận từ thực tiễn công tác kiểm soát hàng hóa thị trường, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: Cần sớm có định nghĩa rõ ràng các khái niệm như “thuốc giả”, “sữa giả”, “thực phẩm chức năng giả”,... để làm căn cứ xử lý, vì thực tế một sản phẩm chỉ cần thêm vào một vài vi chất hay hàm lượng khác thì đã trở thành thực phẩm chức năng.
Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Hải kiến nghị, cần bổ sung rõ vai trò của sở vào Luật An toàn thực phẩm để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng thời cần xây dựng thêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thực phẩm giúp cho việc kiểm tra đúng đối tượng hơn.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, việc vận hành mô hình chính quyền 2 cấp chính là điểm cộng cho công tác kiểm tra, giám sát cơ sở y tế khi cấp phường, xã được chủ động thành lập đoàn kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý vi phạm về thuốc giả, thực phẩm giả ngay từ ban đầu. Đây là điều cần được các địa phương phát huy.
Theo đại diện ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để kiểm soát hiệu quả hàng giả trong lĩnh vực y tế, thành phố đã có kiến nghị gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt. Đồng thời bổ sung mức xử phạt đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.