Cấm xe máy chạy bằng xăng trong vành đai 1: Cần sớm có chính sách hỗ trợ chuyển đổi
Để triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng, cần sớm có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi, cả về tài chính, kỹ thuật và truyền thông.
Những ngày qua, cụm từ “Chuyển đổi giao thông xanh” được nhắc đến với tần suất dày đặc. Không chỉ là một khẩu hiệu, định hướng này đã trở thành mệnh lệnh chính trị được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 20 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chỉ thị này xác lập lộ trình, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh vai trò then chốt của việc cải cách hệ thống giao thông vận tải, nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội.
Thực tế tại Hà Nội và nhiều đô thị cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí, nước thải, chất thải rắn… ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. Các chỉ số đo bụi mịn tại Hà Nội nhiều ngày vượt ngưỡng khuyến cáo, trở thành một trong những nguyên nhân chính đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu, nhất là xe máy, gây ra khoảng 60% ô nhiễm không khí. Ảnh: Đình Hiếu
Chính vì vậy, theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc triển khai chỉ thị 20 là nhiệm vụ không thể trì hoãn. “Chúng ta phải đồng lòng, hiệp lực để bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là sức khỏe người dân Thủ đô”, ông nhấn mạnh.
Hà Nội xác định giao thông là lĩnh vực cần hành động trước. Một trong những trọng tâm của Chỉ thị 20 là xác định rõ đối tượng cần chuyển đổi, đó là các phương tiện giao thông vận tải cá nhân chạy bằng xăng, dầu. Từ đó, thành phố sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt trong khu vực vành đai 1.
Kinh nghiệm của các nước
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: "Chỉ thị 20 thể hiện sự quyết liệt và đồng bộ của Chính phủ. Tôi đã đọc rất kỹ văn bản và nhận thấy sự bài bản trong từng nhiệm vụ và thời hạn cụ thể, kể cả trong năm 2025".

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Ảnh: VGP
Vào đầu thập niên 2000, Bắc Kinh từng được biết đến là "thủ đô khói bụi của thế giới" với hơn 2,6 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí vào năm 2005, theo The Guardian (nhật báo ở Vương quốc Anh).
Dẫn lại câu chuyện của Bắc Kinh, ông Tùng chỉ ra rằng nhờ chuyển đổi phương tiện công cộng sang xe điện, chính quyền thành phố này đã cải thiện mạnh mẽ chất lượng không khí chỉ trong vài năm.
“Họ làm rất quyết liệt, từ vùng lõi trước rồi mở rộng dần. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ được công khai, minh bạch, triển khai nhanh chóng trên cả nền tảng số. Đó là điều chúng ta cần học hỏi”, ông Tùng nói.
Không chỉ Bắc Kinh, Bangkok và Jakarta cũng đang thực hiện các chính sách tương tự, và để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Từ đó, Việt Nam cần vừa khuyến khích, vừa áp dụng các biện pháp hạn chế có lộ trình, đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng sạc điện, phương tiện công cộng và các cơ chế tài chính khuyến khích người dân chuyển đổi.
Theo đại diện UBND TP Hà Nội, thành phố sẽ triển khai các chính sách theo hướng phân vùng: Trước mắt là vành đai 1, sau đó mở rộng ra vành đai 2, và toàn bộ đô thị từ năm 2026 đến 2030. Đặc biệt, Hà Nội kêu gọi doanh nghiệp xe điện hỗ trợ người dân đổi xe, giảm giá bán.
Thành phố cũng lên kế hoạch ưu đãi với người dân mua xe sử dụng nguyên liệu xanh về giá, lệ phí trước bạ, đăng ký xe và các hạ tầng hỗ trợ.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, Chỉ thị 20 giao nhiều nhiệm vụ then chốt cho các bộ, ngành.
“Theo đánh giá trung bình năm về bụi mịn tại Hà Nội là 47 µg/m³ thì trong 5 năm tới, phải giảm 20%. Muốn giảm được bụi mịn, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cộng đồng người dân, doanh nghiệp chung tay, cùng một loạt giải pháp khác”, ông Thức cho hay.
Không còn đường lùi
Ở góc độ chuyên gia, TS. Hoàng Dương Tùng nhận định, Việt Nam không nên tiếp tục tranh luận về việc xe máy có phải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm hay không.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên băn khoăn là xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Bây giờ đòi hỏi có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20. Tôi thấy rất mừng vì vừa rồi Hà Nội đã nhanh chóng có những hành động triển khai như vậy, đã thành lập ngay Ban tư vấn, chỉ đạo. Những biện pháp như thế là rất kịp thời”, ông Tùng đánh giá.
Hà Nội có lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3. Chỉ thị 20 của Thủ tướng
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi giao thông xanh không chỉ là nghĩa vụ với môi trường, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển đô thị hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế. Xe điện, giao thông công cộng sạch và tiện nghi sẽ trở thành tiêu chuẩn sống mới của đô thị văn minh, điều mà các thành phố như Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc.
Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành sớm và minh bạch các chính sách hỗ trợ chuyển đổi là yếu tố quyết định sự thành công. Các chính sách này cần bao gồm cả tài chính (hỗ trợ mua xe điện, miễn giảm phí đăng ký), kỹ thuật (xây dựng mạng lưới trạm sạc, bảo trì), và truyền thông (tuyên truyền thay đổi thói quen của người dân).
Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, nơi nào minh bạch thông tin, công bố sớm và dễ tiếp cận, nơi đó người dân ủng hộ và tham gia mạnh mẽ. Vì thế, việc sử dụng nền tảng số như app, cổng dịch vụ công… để hướng dẫn người dân trong quá trình chuyển đổi cần được triển khai đồng thời.
Giao thông xanh không còn là sự lựa chọn, mà là con đường để bảo vệ môi trường sống. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần được xác lập trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng:
“Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.