Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025
Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Chiều 30/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 với tỉ lệ 95,62% đại biểu tán thành.
Trình bày dự thảo nghị quyết trước khi thông qua, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung.
Chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, ông Tùng cho biết, Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Trong đó có việc nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm chất lượng; sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý là Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan báo chí; thực hiện có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng lưu ý, tiếp tục thực hiện các giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí…
Cùng với đó là phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.
Đồng thời, tăng cường đấu tranh, đàm phán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng.
Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện hiệu quả Luật Viễn thông, Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó chú ý đến việc từng bước ngầm hóa cáp viễn thông tại địa phương, ưu tiên ngầm hóa các tuyến truyền dẫn trục quan trọng; có chính sách hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…
Không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2025, Chính phủ phải ban hành Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng...
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Chính phủ phải nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp kinh doanh vàng; tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu vàng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Quốc hội giao Chính phủ chậm nhất tháng 6/2025 đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu, trong đó có việc xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng “tại chỗ” của các địa phương, đơn vị.
Cùng với đó là hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian, thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, kết nối với hệ thống dịch vụ công quốc gia, địa phương; chậm nhất quý 1 năm 2025, xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế...
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu ngành y tế chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật; xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đáng chú ý, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể...