Cấm rác thải nhựa dùng một lần: Câu chuyện không của riêng du lịch Thủ đô

Giảm phát thải nhựa sẽ bắt đầu từ đâu không còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Thủ đô, mà đây cũng là câu chuyện của chính chúng ta, mỗi người dân và mỗi du khách trên hành trình xê dịch của mình.

Tại Hà Nội, đồ nhựa sử dụng một lần sẽ không còn được dùng trong khách sạn, khu du lịch từ năm 2026; không còn túi nilon miễn phí từ năm 2027... Có thể nói, Thủ đô đang bước vào một lộ trình quyết liệt nhằm giảm phát thải nhựa, học tập kinh nghiệm mà các quốc gia trên thế giới đã triển khai hiệu quả nhiều năm qua.

Chính sách đã có nhưng giám sát và thực thi quy định sẽ phải bắt đầu từ đâu? Đây không chỉ là câu chuyện bảo vệ môi trường xanh, bền vững cho điểm đến, địa phương cùng việc định hình lại thói quen, ý thức tiêu dùng, mà còn là bài toán về kinh tế, xã hội cần giải quyết sao cho hài hòa.

Thế giới đã làm gì?

Báo cáo của World Bank năm 2022 cho thấy ước tính ở Việt Nam lượng rác thải nhựa xả ra môi trường là 1,8-2 triệu tấn/năm, tương đương mỗi người thải 18-20kg rác nhựa/năm. Thái Lan, một quốc gia có dân số ít hơn Việt Nam, con số này là 2 triệu tấn/năm và trung bình mỗi người dân thải 29kg rác nhựa/năm. Indonesia, một nước đông dân có lượng phát thải nhựa ước tính 6,8 triệu tấn/năm (trung bình khoảng 29kg/người/năm).

Ở đất nước Singapore nhỏ bé nhưng mật độ dân số rất cao, mặc dù lượng rác thải nhựa chỉ là 0,76 triệu tấn/năm, nhưng với dân số khiêm tốn 6 triệu người, trung bình lượng rác nhựa họ xả ra lên tới 130kg/người/năm. Con số cho thấy Singapore là quốc gia có lượng phát thải nhựa lớn nhất khu vực.

Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đã và đang gõ cửa nhiều quốc gia trên thế giới, buộc các chính phủ phải hành động sớm bằng các biện pháp mạnh tay từ cấm tuyệt đối đến đánh thuế cao, tái chế thông minh…

 Siêu thị tại châu Âu đã sử dụng rộng rãi túi phân hủy sinh học từ nhiều năm nay. (Nguồn: businessgreen)

Siêu thị tại châu Âu đã sử dụng rộng rãi túi phân hủy sinh học từ nhiều năm nay. (Nguồn: businessgreen)

Ở châu Âu, từ năm 2021, Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, dao kéo và hộp đựng thực phẩm. Pháp tiến xa hơn khi yêu cầu các cửa hàng thực phẩm nhanh chuyển sang bao bì tái chế hoặc phân hủy sinh học. Trong khi đó, Đức triển khai hệ thống hoàn tiền cho chai nhựa đã qua sử dụng, giúp nâng tỷ lệ tái chế lên hơn 90%.

Tại Mỹ và Canada, nhiều bang và thành phố đã ban hành lệnh cấm hoặc đánh thuế các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng vào cuộc mạnh mẽ khi các chuỗi siêu thị lớn cam kết loại bỏ nhựa khỏi quy trình đóng gói.

Tại châu Á, Hàn Quốc áp dụng các chính sách nghiêm ngặt về phân loại rác kết hợp chiến dịch giáo dục cộng đồng để nâng cao ý thức người dân. Nhật Bản có hệ thống tái chế khép kín, biến rác thải nhựa thành tài nguyên phục vụ sản xuất năng lượng. Ấn Độ đã cấm hoàn toàn nhựa dùng một lần trên toàn quốc, chọn thay thế bao bì có nguồn gốc thân thiện từ bã mía hoặc tinh bột sắn.

Ngay cả ở châu Phi, từ năm 2008, Rwanda đã trở thành quốc gia tiên phong cấm toàn diện sản xuất, nhập khẩu và sử dụng túi nilon cũng như các loại nhựa dùng một lần, nhằm tạo ra môi trường đô thị sạch sẽ và nói không với rác thải nhựa.

Năm 2017, Kenya cũng áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt với mức phạt cao đối với hành vi sử dụng hoặc sản xuất túi nhựa. Việc nhập khẩu hoặc bán túi nilon tại đất nước này có thể khiến người vi phạm bị phạt tới 40.000 USD hoặc ngồi tù lên tới 4 năm; sử dụng túi nilon bị cấm cũng khiến người vi phạm bị phạt hơn 500 USD hoặc ngồi tù một năm.

 Báo động tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong mỗi bữa ăn nhanh. (Ảnh minh họa: AFP)

Báo động tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong mỗi bữa ăn nhanh. (Ảnh minh họa: AFP)

Trở lại với Việt Nam, thống kế cho thấy lượng phát thải nhựa mặc dù đang ở mức trung bình so với thế giới, nhưng các chuyên gia chỉ rõ vấn đề đáng lo ngại chính là thói quen sử dụng đồ nhựa một lần có xu hướng gia tăng đáng báo động từ thói quen tiêu dùng ở các hàng quán ven đường, chợ truyền thống và đặc biệt là bộ phận giới trẻ “nghiện” trà sữa, nước uống “take away”… Đó cũng là lý do chính quyền Hà Nội sẽ có hành động dứt khoát và mạnh mẽ hơn.

Câu chuyện của Hà Nội…

Tuần qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định hàng loạt các biện pháp nhằm giảm rác thải nhựa. Quy định này khiến liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay các trang mạng xã hội…, dư luận lại “nóng” vấn đề giảm phát thải nhựa, giảm đồ nhựa dùng một lần.

Đây không phải là địa phương đầu tiên của Việt Nam có chủ trương này. Tuy nhiên, với một Nghị quyết cùng lộ trình rất cụ thể bao trùm tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt tại thành phố thì chính quyền Thủ đô đã cho thấy sự quyết liệt trong bảo vệ môi trường sống và hướng đến phát triển đô thị xanh, bền vững.

Và để thực thi, chắc chắn hàng triệu người dân, du khách sẽ phải thay đổi thói quen tiêu dùng theo lộ trình của Nghị quyết: Giai đoạn 1, năm 2026 chỉ cấm sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch và khách sạn; giai đoạn hai, từ năm 2027, bắt đầu không phát miễn phí túi nilon dùng một lần; giai đoạn ba, từ năm 2028 cấm hoàn toàn việc lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm túi nilon và hộp xốp khó phân hủy, trừ các sản phẩm có bao bì bắt buộc sử dụng loại vật liệu này.

Đánh giá về tính khả thi của lộ trình, Tiến sỹ Ngô Thị Thúy Hường (Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Phenikaa) cho rằng như vậy là phù hợp cho các doanh nghiệp có thể chuyển đổi dần sang sử dụng các sản phẩm thay thế; người dân cũng có thời gian làm quen và thích nghi.

 Không khó để bắt gặp đồ dùng nhựa một lần tại các sự kiện văn hóa, du lịch của Hà Nội. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Không khó để bắt gặp đồ dùng nhựa một lần tại các sự kiện văn hóa, du lịch của Hà Nội. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, quan trọng hơn cả là chúng ta có thời gian để chuẩn bị nguồn lực cho việc sản xuất các sản phẩm thay thế với 5 tiêu chí: “An toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; dễ phân hủy chỉ trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng; giá thành cao hơn sản phẩm nhựa trong khoảng từ 30%-50% là có thể chấp nhận; phải có những ưu điểm, ưu thế tương đương như tính năng của sản phẩm nhựa; luôn đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thay thế.”

Sẽ bắt đầu từ đâu?

Mặc dù lộ trình theo Nghị quyết được các chuyên gia nhận định phù hợp, nhưng đây cũng là thách thức, bởi mục tiêu thay đổi thói quen của hàng triệu người chứ không chỉ nhóm nhỏ. Vậy thay đổi cần bắt đầu từ đâu?

“Chúng ta phải tích cực tăng cường truyền thông. Vấn đề cốt lõi là giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân, không chỉ những người lớn tuổi mà là các thế hệ từ bậc mẫu giáo đến bậc phổ thông cho đến đại học. Ngoài ra, cần phải chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thay thế. Nếu tích cực trong 3-4 năm, Hà Nội có thể đủ thời gian theo lộ trình đó,” Tiến sỹ Ngô Thị Thúy Hường nói.

Chính phủ và các cơ quan quản lý hữu quan cũng cần tính đến việc tăng cường nghiên cứu công nghệ tiên tiến trong xử lý, tái chế rác thải nhựa hiệu quả hơn. Thậm chí, đẩy nhanh tiến trình bằng cách bắt tay với đối tác từ các nước phát triển để chuyển giao kỹ thuật; tham gia vào các diễn đàn kinh tế tuần hoàn nhằm sớm tạo ra các sản phẩm nhựa tái chế đạt chuẩn và an toàn.

 Du khách tham gia tour chạy bộ nhặt rác, bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du khách tham gia tour chạy bộ nhặt rác, bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trong khi đó, nhà sáng lập DiDi Travel, ông Bùi Trí Nhã cho rằng nền tảng của sự thay đổi là tuyên truyền và khuyến khích. Song chính quyền vẫn cần có “cây gậy” để các quy định đi vào thực tiễn, dựa trên các nguyên tắc có thể chấp nhận được. Ví dụ, nếu ai vi phạm lần thứ nhất thì nhắc nhở, cảnh cáo, lần thứ 2 có thể xử phạt nhẹ, còn nếu đã vi phạm lần thứ ba chắc chắn không thể nương nhẹ.

Câu chuyện tiến tới cấm rác thải nhựa cho các sản phẩm dùng một lần ở Hà Nội chính là việc thay đổi một thói quen. Và để mỗi người dân, du khách không cảm thấy “bị ép buộc,” cần tạo cho họ động lực tự thân bằng cách giáo dục và nâng cao nhận thức về mối nguy tiềm ẩn đến từ rác thải nhựa, đặc biệt sản phẩm nhựa dùng một lần.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các hạt vi nhựa mang theo chất độc, lan truyền qua chuỗi thức ăn sẽ tích tụ, gây ảnh hưởng và dần “ăn mòn” sức khỏe con người. “Chỉ khi nhận thức rõ hiểm họa từ thói quen tiêu dùng cũ, người dân sẽ tự khắc thay đổi hành vi mà không cần đến quy định hay xử phạt, sự giám sát của chế tài,” ông Bùi Trí Nhã nhấn mạnh.

Sản phẩm nhựa dùng một lần rất tiện, giá thành lại rẻ nhưng hệ lụy thì khôn lường. Bởi mỗi chiếc túi nilon, cốc nhựa, bao bì nhựa dùng một lần… xả ra môi trường sẽ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong nhiều trăm năm.

Thói quen tiêu dùng vô thức nhưng để lại hậu họa lâu dài cho môi trường, cho sức khỏe của bản thân, và cho cả nền kinh tế. Vì thế, giảm phát thải nhựa vừa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhưng đồng thời cũng là câu chuyện của chính chúng ta, mỗi người dân và mỗi du khách trên hành trình xê dịch của mình./.

 Đại sứ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2025 cùng khay bánh làm từ vật liệu thân thiện môi trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại sứ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2025 cùng khay bánh làm từ vật liệu thân thiện môi trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không được phép sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm và các bao bì chứa kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể.

Từ ngày 1/1/2017, các chợ, cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Cùng thời điểm, các đơn vị bán hàng trực tuyến phải có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng vật liệu nhựa để đóng gói, vận chuyển và phải thu hồi nhằm tránh thất thoát ra môi trường.

Từ ngày 1/1/2028, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được phép lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm túi nilon và hộp xốp khó phân hủy, trừ các sản phẩm có bao bì bắt buộc sử dụng loại vật liệu này.

Với khối doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sản xuất, sử dụng nhựa PE, PP làm bao bì, Nghị quyết yêu cầu phải áp dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế kể từ ngày 1/1/2028...

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cam-rac-thai-nhua-dung-1-lan-cau-chuyen-khong-cua-rieng-du-lich-thu-do-post1049701.vnp
Zalo