Cải thiện tình trạng ngập nước ở tỉnh lỵ Thanh Hóa

Trong bão số 3 và hoàn lưu sau bão, tỉnh lỵ Thanh Hóa có tổng lượng mưa từ ngày 21 đến sáng 23/7 phổ biến ở đồng bằng từ 200 đến 400mm. Nhiều tuyến đường đô thị, khu dân cư bị ngập nước sâu, gây ách tắc giao thông, xáo trộn sinh hoạt, đời sống nhân dân.

Điểm ngập nước phía bắc cầu vượt Phú Sơn chiều 22/7.

Điểm ngập nước phía bắc cầu vượt Phú Sơn chiều 22/7.

Tại nút giao phía tây, đầu cầu vượt đường sắt Phú Sơn, thuộc phường Hạc Thành, nước ngập sâu mặt đường đô thị khiến người, phương tiện tham gia giao thông di chuyển khó khăn, buộc phải lưu thông, đi ngược qua cầu trong một làn đường phía bắc.

Đại lộ Đông-Tây thuộc khu vực phường Tân Sơn cũ cũng bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Khu đô thị An Hưng, phường Đông Quang; phố Tây Sơn 3, chợ Đông Vệ, khu chung cư Đông Phát của phường Hạc Thành; nhiều điểm đường giao thông, khu dân cư, công sở ở các phường cũng bị nước ngập nặng, tiêu thoát nước rất chậm.

Dây chuyền vận hành, các máy bơm cao áp, máy sục rửa tại Nhà máy nước Mật Sơn rơi vào tình trạng báo động. Doanh nghiệp phải tháo máy, chuyển lên nơi khô ráo, tạm ngưng vận hành, cấp nước sạch cho khách hàng. Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa đã vận hành tối đa công suất xử lý, cung ứng nước sạch từ Nhà máy nước tại Hàm Rồng và Quảng Thịnh; nỗ lực khắc phục, đưa Nhà máy nước Mật Sơn vào hoạt động, sớm cấp nước sạch trở lại, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

 Công an lội nước tiếp cận khu dân cư ở phường Quảng Phú.

Công an lội nước tiếp cận khu dân cư ở phường Quảng Phú.

Trước hiện trạng ngập nước ở đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa phân tích: Hiện hệ thống tiêu cho khu vực tỉnh lỵ chủ yếu thoát nước qua ba tuyến kênh, cống tiêu tự chảy ở Bến Ngự, Quảng Châu, cống Sông Đơ. Để tiêu thoát nước cho đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa cần đầu tư xây dựng các trạm bơm động cơ, bảo đảm vận hành bơm tiêu chủ động. Thêm nữa, cần quan tâm, đầu tư hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ cho Khu kinh tế Nghi Sơn, bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục của các nhà máy khu vực này, cũng như các hoạt động, ổn định đời sống dân sinh vùng phía nam tỉnh Thanh Hóa.

 Quang cảnh phiên họp thường kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tháng 7/2025.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tháng 7/2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn thống nhất với đề nghị trên và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát, đánh giá, cần thiết đề xuất bổ sung thêm các trạm bơm động lực cho các địa phương, trang cấp thêm thiết bị cần thiết cho lực lượng “4 tại chỗ”.

Cùng với việc chỉ đạo, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phòng tránh sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, ngoài hệ thống cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét hiện có, cần nghiên cứu, đề xuất, mua sắm thiết bị quan sát, phát hiện các nguy cơ, ẩn họa, nhất là khả năng xảy ra sạt lở đất, đá từ trên cao.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cai-thien-tinh-trang-ngap-nuoc-o-tinh-ly-thanh-hoa-post896126.html
Zalo