Cải thiện môi trường kinh doanh cho HTX nông nghiệp

Hiện nay, việc cải thiện môi trường kinh doanh phần lớn vẫn tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, còn khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức hoặc quan tâm nhưng chưa đúng bản chất của mô hình kinh tế tập thể. Điều này dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển từ thực tiễn của các HTX và thiếu chính sách, cơ chế đặc thù cho khu vực kinh tế tập thể.

Ông Trần Bá Bình, Giám đốc HTX dịch vụ môi trường Tân Phong (Vĩnh Phúc) cho biết, để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường, HTX có dự định lắp đặt 1 dây chuyền tái chế toàn bộ túi nilon, rác nhựa thành hạt nhựa. Tuy nhiên, việc này liên quan đến vấn đề đất đai làm nhà xưởng, HTX đã đề nghị nhưng chưa được chính quyền địa phương chấp thuận.

Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù

Theo ông Phạm Thành Trăm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, việc triển khai cơ chế của Nhà nước trong hỗ trợ HTX hiện vẫn còn vướng mắc nhiều vấn đề. Có những chương trình, dự án khi triển khai đòi hỏi HTX phải có tài sản đảm bảo, trong khi năng lực nội tại của HTX còn yếu nên khó tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.

Có thể thấy, môi trường sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều bất cập từ nội tại HTX đến các yếu tố khách quan. Một số định hướng, giải pháp cụ thể cho kinh tế tập thể, HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển còn chung chung, có khi bị chồng chéo và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, có những địa phương can thiệp quá sâu vào công tác quản trị nhân sự, phương án tổ chức sản xuất của HTX. Nhiều cơ chế được bàn thảo để hỗ trợ cho các HTX thường bị so sánh với doanh nghiệp nên đến nay dường như vẫn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Cắt giảm thủ tục hành chính cũng là một trong những giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các HTX.

Cắt giảm thủ tục hành chính cũng là một trong những giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các HTX.

Tại Hội thảo "Tham vấn, giới thiệu về đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp” tổ chức ngày 26/11, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, môi trường kinh doanh đối với kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp vốn là vấn đề khó xác định. Bởi nó không giống môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, mà mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mô hình HTX lại có những nét khác nhau. Và mô hình kinh tế tập thể, HTX cũng có những nét khác biệt so với doanh nghiệp.

Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định HTX khác hẳn với doanh nghiệp khi hoạt động với nguyên tắc đối nhân. Kinh tế tập thể hoạt động không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp...

Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, lấy thặng dư làm thước đo phát triển, quyền lực và giá trị biểu quyết phụ thuộc vào số vốn góp vào doanh nghiệp.

Đưa HTX bắt nhịp cùng thời đại

Theo PGS.TS. Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn xem xét môi trường kinh doanh đối HTX nông nghiệp phải xem xét yếu tố bên trong (khâu đầu vào, quá trình sản xuất, kinh doanh nội tại của HTX...) và môi trường bên ngoài (khâu thị trường, các giao dịch bên ngoài,...).

Do đó, khi muốn môi trường kinh doanh bên trong của HTX ở mức cao và hiệu quả thì cơ quan quản lý ở các địa phương cần tạo điều kiện để HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động thuận lợi, từ đó thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển. Các khâu tư vấn, giám sát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng sẽ là lực đẩy giúp môi trường kinh doanh của HTX được tốt hơn.

Còn đối với môi trường bên ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương ở cấp tỉnh, thành cần xây dựng, vận hành những cơ chế, chính sách phù hợp với bản chất của mô hình HTX.

Nghị quyết số 20 đã chỉ rõ các giá trị, bản chất và nguyên tắc của kinh tế tập thể, HTX. Do vậy, các cấp phải căn cứ vào các giá trị, bản chất và nguyên tắc của mô hình này để đánh giá về hoạt động của HTX. Từ đó, các cơ quan quản lý có nhìn nhận đúng về HTX và tạo ra các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ thành phần kinh tế quan trọng này có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để phát triển.

Luật HTX năm 2023 được đánh giá là một trong những khung khổ pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện cũng như thúc đẩy môi trường sản xuất kinh doanh của các HTX. Việc Liên minh HTX Việt Nam và các cơ quan liên quan đang tích cực phổ biến, tuyên truyền về Luật HTX năm 2023 sẽ giúp các HTX giảm thời gian, giảm chi phí, rút ngắn khoảng cách trong tiếp cận chính sách của Nhà nước, từ đó có hướng đầu tư phù hợp.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng bộ chỉ tiêu, chỉ số và tiến hành thử nghiệm, đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và giúp các địa phương có lộ trình cụ thể trong định hướng, hỗ trợ HTX giảm bớt những khó khăn.

Đặc trưng của môi trường kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp khác với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nhờ bản chất phục vụ thành viên của HTX.

Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp cũng cần được nghiên cứu kỹ để thể hiện đúng bản chất của khu vực kinh tế tập thể và phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh và tạo nền tảng để HTX nông nghiệp bứt phá.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-cho-htx-nong-nghiep-1103845.html
Zalo