Cái khó của nghề 'thợ săn đầu người' ở TP.HCM
Nghề 'săn đầu người' cho công ty nước ngoài nở rộ ở Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc, Australia tuyển nhân sự remote. Nhưng rào cản bảo hiểm, thuế và kỹ năng vẫn hiện hữu.

Nhân sự làm việc từ xa nhận được mức thu nhập hấp dẫn, môi trường linh động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Hồng Hà (27 tuổi, quận 4, TP.HCM), chuyên viên tuyển dụng nhân sự tại thị trường Việt Nam cho một số doanh nghiệp ở Mỹ, ghi nhận xu hướng làm việc từ xa cho công ty nước ngoài bắt đầu gia tăng từ đại dịch Covid-19.
Theo cô, thói quen làm việc tại nhà khiến một bộ phận nhân sự ngại trở lại văn phòng, bắt đầu nhắm đến thị trường lao động quốc tế để vừa hưởng môi trường linh động vừa nhận lương bằng ngoại tệ.
“Nhận lương USD và tiêu tiền Việt là lợi ích lớn nhất đối với nhân sự”, Hà nhận định.
Về phía doanh nghiệp, Hồng Hà nhận thấy mức lương mà các công ty tại Mỹ chi trả cho người lao động Việt Nam vẫn thấp hơn nhân sự bản địa. Vì vậy, việc tuyển dụng tại một số thị trường châu Á giúp các doanh nghiệp này cắt giảm chi phí vận hành trong bối cảnh kinh doanh khó khăn.
Khi nhu cầu chiêu mộ nhân sự tại Việt Nam của các doanh nghiệp Mỹ, Australia hay Hàn Quốc gia tăng, nhiều vị trí chuyên viên, cộng tác viên tuyển dụng bắt đầu xuất hiện, hay còn gọi là “thợ săn đầu người” (headhunter). Thậm chí, một số nhân sự tại Việt Nam của các công ty trên cũng trở thành “nhà tuyển dụng bất đắc dĩ”, đăng tuyển giúp doanh nghiệp.
Họ cho rằng thu nhập hấp dẫn, thời gian và không gian làm việc linh hoạt là ưu điểm của xu hướng này. Song, các vấn đề như không có lương tháng 13, thiếu bảo hiểm hay phải tự xử lý thuế thu nhập cá nhân trở thành rào cản đối với người lao động làm việc online.

Làm việc từ xa cho doanh nghiệp nước ngoài trở thành xu hướng đối với nhân sự Việt sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Các ‘chuyên gia săn đầu người’ cho công ty nước ngoài
Theo kinh nghiệm 2 năm tuyển dụng cho doanh nghiệp nước ngoài, Hồng Hà cho biết tiếng Anh vẫn là tiêu chí quan trọng. Ngoài ra, các công ty tại Mỹ không đặt nặng vấn đề tuổi tác, ít khi hỏi về tình trạng hôn nhân trong các buổi phỏng vấn. Đây là đặc điểm khác biệt lớn so với thị trường lao động trong nước.
Vấn đề có gia đình, con nhỏ, mang thai chuẩn bị sinh con hoặc lớn tuổi vốn là nỗi lo lớn của nhân sự khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong nước.
“Nhiều nhân sự sinh năm 1990 đã bị chê già tại thị trường trong nước. Điều này hoàn toàn không xảy ra với các doanh nghiệp Mỹ”, Hà nói.
Tuy nhiên, chuyên viên nhân sự này cũng gặp một số khó khăn khi là người trung gian, kết nối giữa công ty nước ngoài và người lao động Việt Nam. Do không thể gặp mặt trực tiếp, nhiều nhân sự Việt Nam lo ngại vấn đề lừa đảo, đề cao cảnh giác hơn khi tìm việc ở thị trường quốc tế, khiến số lượng hồ sơ thu về sau mỗi lần đăng tuyển của Hồng Hà chưa được như kỳ vọng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Mỹ cũng không thể chi trả lương tháng 13, bảo hiểm, đồng thời yêu cầu nhân sự Việt Nam tự xử lý thuế thu nhập cá nhân, khiến nhiều ứng viên cảm thấy lo lắng.

Nguyễn Quỳnh cho biết nhân sự cần hỏi kỹ về quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân với doanh nghiệp nước ngoài.
Tương tự Hồng Hà, Nguyễn Quỳnh (30 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng đảm nhiệm vị trí cộng tác viên tuyển dụng freelance cho một agency chuyên “săn” nhân sự làm việc từ xa cho các công ty Hàn Quốc khi xu hướng này nở rộ tại thị trường Việt Nam.
Theo Quỳnh, việc làm remote giúp tiết kiệm chi phí xăng xe, đi lại, giảm mệt mỏi về trang phục, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Tại agency của Quỳnh, các vị trí tuyển dụng xoay quanh lĩnh vực marketing, chăm sóc khách hàng, thiết kế… Mức lương phổ biến cho nhân sự remote Việt Nam thường khởi điểm từ 12 triệu đồng/tháng.
“Thu nhập này chưa thật sự hấp dẫn so với mặt bằng thị trường, nhưng bù lại các công ty sẵn sàng nhận ứng viên mới, chấp nhận đào tạo để có thể trả lương thấp hơn, với yêu cầu về kinh nghiệm và chuyên môn không quá cao”, Quỳnh chia sẻ.
Tuy vậy, hành trình tuyển dụng nhân sự remote cho doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp nhiều thử thách. Với nhóm sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm làm việc quốc tế cũng là rào cản lớn.
Nhiều ứng viên chưa hiểu rõ về hình thức remote và các chuẩn mực cơ bản như việc phải sử dụng CV tiếng Anh khi ứng tuyển vào vị trí có JD, website bằng tiếng Anh. Điều này khiến họ dễ bị loại từ vòng hồ sơ.
Từ trải nghiệm thực tế, Quỳnh đúc kết nhiều lưu ý quan trọng cho ứng viên Việt Nam khi tìm kiếm và ký hợp đồng làm remote quốc tế.
Theo cô, ứng viên nên chủ động hỏi kỹ về những điểm còn băn khoăn hoặc cần xác nhận rõ trước khi nhận việc. Với người mới, ưu tiên lựa chọn công việc remote có agency Việt Nam trả lương sẽ an toàn hơn, giúp giảm nguy cơ lừa đảo.
Ngược lại, khi làm việc trực tiếp với công ty nước ngoài không có chi nhánh tại Việt Nam, nếu không có agency làm trung gian, quyền lợi của người lao động sẽ khó được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, Nguyễn Quỳnh cho biết nhân sự cần tự đánh giá tính cách cá nhân vì làm remote đòi hỏi sự kỷ luật và tự giác cao. Những người năng động, thích giao tiếp dễ cảm thấy cô đơn hoặc nhàm chán nếu làm việc một mình trong thời gian dài.
Đặc biệt, ứng viên nữ cần lưu ý đến vấn đề bảo hiểm thai sản và bảo hiểm y tế. Nếu công ty không đóng, người lao động nên chủ động đóng ngoài hoặc đàm phán lương cao hơn để tự lo các khoản này.

Ứng viên cần lưu ý đến tính cách cá nhân, tự đánh giá mức độ phù hợp với công việc từ xa của bản thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
‘Thợ săn đầu người bất đắc dĩ’
Quốc Anh (29 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đảm nhận vị trí quản lý đội nhóm hoạt họa 2D (2D animation) remote trong lĩnh vực game mobile cho một công ty tại Australia.
Dù không phải nhân sự chuyên trách, thời gian gần đây anh lại trở thành “thợ săn đầu người bất đắc dĩ” khi đứng ra phụ trách tuyển dụng cho công ty, bởi anh là người Việt, am hiểu thị trường lao động trong nước và dễ dàng kết nối cộng đồng nhân sự trẻ qua các kênh mạng xã hội.
Nhờ vậy, chỉ trong vòng 1 tuần sau khi đăng bài tuyển dụng trên các hội nhóm remote trên Facebook, anh nhận về hơn 30 hồ sơ ứng tuyển, phần lớn là người trẻ trong độ tuổi 23-27.
Theo Quốc Anh, xu hướng chọn làm việc remote cho công ty nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, đang ngày càng phổ biến với lao động trẻ Việt Nam. Lý do đầu tiên là mức thu nhập “nhỉnh” hơn, thường cao gấp đôi các công ty trong nước.
Đối với ngành game mobile nói chung và animation nói riêng, Quốc Anh nhận định công ty nước ngoài vẫn đặt yêu cầu cao nhất vào chuyên môn. Ngoại ngữ là một lợi thế lớn, nhưng không còn là rào cản như trước nhờ các công cụ dịch thuật phát triển, đặc biệt khi nhiều vị trí chỉ giao tiếp qua chat, hiếm khi họp trực tuyến.
Quá trình tuyển dụng, theo Quốc Anh, cũng khác biệt so với các công ty trong nước. Ngoài đánh giá ứng viên qua CV và portfolio, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thường yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra thực tế (dựng chuyển động cho một nhân vật có sẵn, thiết kế một nhân vật theo concept,...) để đánh giá khả năng xử lý deadline và chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Đôi khi, nhà tuyển dụng sẽ trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh qua email hoặc chat để đánh giá kỹ năng đọc hiểu, phản xạ chuyên môn cũng như tác phong làm việc từ xa.
“Internet xóa mờ ranh giới địa lý trong sân chơi remote toàn cầu. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với người trẻ Việt Nam”, Quốc Anh chia sẻ.
“Portfolio với những sản phẩm chất lượng là yếu tố quyết định. Hãy đăng tải sản phẩm lên các nền tảng việc làm, hội nhóm quốc tế để mở rộng cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng nước ngoài”, anh bổ sung.