Cách nấu đậu xanh giải độc cơ thể trong mùa nóng
Đậu xanh là thực phẩm tuyệt vời trong mùa nóng nhờ khả năng giải độc và làm mát cơ thể hiệu quả. Tham khảo cách tận dụng tối đa công dụng của đậu xanh.
Nội dung
1. Công dụng giải độc cơ thể của đậu xanh
2. Cách làm một số món đậu xanh đơn giản giúp giải độc cơ thể trong mùa nóng
3. Lưu ý tận dụng tối đa công dụng của đậu xanh
1. Công dụng giải độc cơ thể của đậu xanh
Đậu xanh (đỗ xanh) là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, giàu protein thực vật, carbohydrate phức hợp, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.
Theo dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong một cốc ( khoảng 200 g) đậu xanh luộc để ráo nước cung cấp khoảng:
Lượng calo: 212
Chất béo: 0,8 g
Natri: 4,04 mg
Carbohydrate: 38,8 g
Chất xơ: 15,4 g
Đường: 4, 04 g
Chất đạm: 14,2 g
Kali: 537 mg
Đồng: 0,32 mg
Thiamin (B1): 0,33 mg
Carbohydrate trong đậu xanh chủ yếu là carbohydrate phức hợp, cung cấp năng lượng bền vững cho cơ thể. Hàm lượng chất xơ cao giúp hỗ trợ chức năng tiêu hóa, ổn định đường huyết và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Đậu xanh giàu protein, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Không chỉ có giá trị dinh dưỡng, đậu xanh còn có công dụng làm mát và giải độc cơ thể. Vỏ đậu xanh chứa nhiều hoạt chất flavonoid, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và hỗ trợ chức năng giải độc của gan.
Với hàm lượng chất xơ dồi dào, đậu xanh thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón. Một hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru là chìa khóa giúp cơ thể loại bỏ độc tố hiệu quả hơn.
Đậu xanh còn là một vị thuốc được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền phương Đông do có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc và làm dịu các triệu chứng khó chịu do nóng trong người như mụn nhọt, rôm sảy. Khả năng làm mát và điều hòa thân nhiệt của đậu xanh rất hữu ích trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các trường hợp say nắng, sốc nhiệt.
Lương y Chu Văn Tiến
Ngoài tác dụng làm thực phẩm, đậu xanh còn là một vị thuốc hữu ích giúp phòng và chữa trị nhiều bệnh hiệu quả. Theo Đông y, hạt đậu xanh có vị ngọt hơi tanh, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nắng, tiêu tích nhiệt, giải độc do thuốc…
2. Cách làm một số món đậu xanh đơn giản giúp giải độc cơ thể trong mùa nóng
Nước đậu xanh rang
Cách làm: Rửa sạch khoảng 60 g đậu xanh nguyên vỏ. Rang đậu trên chảo với lửa nhỏ cho đến khi có mùi thơm nhẹ. Cho đậu đã rang vào nồi, thêm khoảng 1,5 - 2 lít nước, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa cho đậu mềm. Chắt lấy nước để uống giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ thải độc gan.
Sữa đậu xanh
Sữa đậu xanh lá nếp là một thức uống bổ dưỡng và giải nhiệt tốt trong những ngày nắng nóng. Sự kết hợp giữa vị béo bùi của đậu xanh và mùi thơm dịu của lá nếp tạo nên một hương vị rất hấp dẫn.
Cách làm: Ngâm đậu xanh nguyên vỏ cho nở mềm rồi hấp chín. Sau đó, xay nhuyễn đậu với nước và lá nếp (tùy chọn). Lọc bỏ bã, đun sôi nhẹ phần sữa đã lọc với đường cho tan hoàn toàn, để nguội uống liền hoặc cho vào bình thủy tinh trữ trong tủ lạnh.
Chè đậu xanh
Đây là món chè truyền thống vừa bổ dưỡng vừa giải nhiệt.
Cách nấu chè đậu xanh: Ngâm đậu xanh nguyên vỏ cho nở mềm rồi nấu nhừ với lượng nước vừa đủ. Thêm đường phèn (lá dứa/nước cốt dừa tùy thích) vào, đun nhỏ lửa cho đường tan và chè sánh lại. Múc ra chén và thưởng thức khi nóng hoặc lạnh.
Bạn có thể nấu chè đậu xanh nguyên vỏ cùng đường phèn, phổ tai hoặc thêm hạt sen, nha đam để tăng cường hiệu quả làm mát và bổ dưỡng.
Cháo đậu xanh
Cháo đậu xanh là món ăn dễ tiêu hóa phù hợp cho những ngày nắng nóng mệt mỏi.
Cách nấu: Ngâm đậu xanh nguyên vỏ và gạo tẻ khoảng 30 phút. Cho cả hai vào nồi với lượng nước vừa đủ. Nấu trên lửa nhỏ cho đến khi đậu và gạo nhừ bung, nêm nếm gia vị vừa ăn. Ăn cháo khi còn ấm, tránh để quá nguội.
Ngoài kết hợp nấu đậu xanh với gạo, có thể kết hợp nấu đậu xanh với sắn dây để tăng tác dụng thanh nhiệt và giải độc.

Nên ưu tiên sử dụng đậu xanh nguyên vỏ.
3. Lưu ý tận dụng tối đa công dụng của đậu xanh
Chọn đậu xanh chất lượng
Để chọn đậu xanh ngon nên ưu tiên những hạt có màu xanh lục tươi sáng, đều màu và căng mọng. Tránh chọn những hạt có màu sắc nhợt nhạt, bị biến đổi hoặc có dấu hiệu chuyển sang màu lạ như vàng ố, nâu sẫm. Đậu mới có mùi thơm tự nhiên, không ẩm mốc hay hôi, không bị sâu mọt hay vỡ nát.
Ưu tiên sử dụng đậu xanh nguyên vỏ
Để phát huy hết tiềm năng giải độc của đậu xanh, nên ưu tiên sử dụng đậu xanh nguyên vỏ do vỏ đậu xanh giàu chất xơ và các hợp chất có hoạt tính sinh học phong phú có đặc tính chống oxy hóa. Theo y học cổ truyền, chính vỏ đậu xanh là phần có tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể hiệu quả.
Không nên ăn quá nhiều
Đậu xanh dù tốt nhưng cũng không nên ăn hoặc uống quá nhiều đậu xanh mỗi ngày. Mỗi tuần nên ăn 2-3 lần là đủ.
Thận trọng với người bị lạnh bụng, tiêu chảy
Do đậu xanh có tính mát nên những người dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy, người đang bị cảm lạnh, chân tay lạnh, thiếu máu… nên thận trọng khi dùng đậu xanh.