Cách để biến 'ông cụ non khó tính' thành đứa trẻ vui vẻ

Âm nhạc giúp con người dễ dàng bộc lộ cảm xúc. Nếu con bạn là đứa trẻ khó gần, cha mẹ có thể khuyến khích bé nghe nhạc hay học chơi đàn. Âm nhạc sẽ là sợi dây gắn kết gia đình.

 Âm nhạc sẽ giúp con bạn thấy vui vẻ và yêu đời hơn. Ảnh minh họa: Freepik.

Âm nhạc sẽ giúp con bạn thấy vui vẻ và yêu đời hơn. Ảnh minh họa: Freepik.

Trước những khó khăn, áp lực, người lạc quan thì cho rằng “khổ tận cam lai”, cố gắng rồi mọi thứ sẽ qua, người tiêu cực sẽ thấy “sao mình kém may mắn vậy” rồi than thân trách phận. Mọi người đều cần thấm nhuần tư tưởng khó khăn vất vả là lẽ thường, con đường khó khăn giống như ta đang đi lên dốc, chỉ khi ta đi xuống thì mọi thứ mới giảm bớt áp lực.

Nếu ta không quá kỳ vọng vào mọi thứ thì ta sẽ không có cảm giác khó chịu hay bất lực. Vậy nên, nếu kỳ vọng nhiều thì cần cố gắng nhiều, cần nỗ lực vươn lên. Cha mẹ mà không có sẵn tư tưởng vượt khó, coi khó khăn là bước đệm để trưởng thành thì làm sao con trẻ hiểu được “áp lực tạo kim cương”.

Còn không thì cứ sống một đời sống nhẹ nhàng không bon chen, không áp lực, cứ chọn làm một người bình thường với cuộc sống an yên. Chúng ta có quyền lựa chọn cách sống của mình nhưng dù chọn cách sống thế nào thì cũng cần hướng đến sự tích cực, yêu đời.

Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt với tính cách độc đáo khác nhau. Do đó, mỗi đứa trẻ sẽ cần được giáo dục theo một cách khác nhau. Việc giáo dục một đứa trẻ không hề đơn giản, bên cạnh kiến thức thì chúng ta cũng cần dạy trẻ cách nghĩ, cách làm và rất nhiều các kỹ năng khác nữa.

Tôi là người sống tích cực. Tôi luôn muốn lan tỏa lối sống này đến con tôi cũng như mọi người xung quanh. Thói quen của tôi khi gặp vướng mắc sẽ luôn nghĩ đến điều tệ nhất thì sẽ là như thế nào, để rồi nhận thấy vướng mắc như thế vẫn còn đỡ hơn rồi.

Bên cạnh đó, như tôi đề cập ở trên, còn một lý do khiến tôi suy nghĩ tích cực nữa là tôi vẫn luôn cho rằng “việc gì xảy ra là nó nên xảy ra”. Chuyện nào đó xảy đến để cho chúng ta có thêm kinh nghiệm sống, thêm bài học để đời. Rõ ràng là nếu chúng ta tích cực thì nhìn đâu cũng thấy niềm vui. Tôi có tư duy tích cực nhưng tôi có một đứa con có xuất phát điểm lại không hề tích cực.

Bạn lớn nhà tôi rất khó tính, tính cách thì già dặn và không mấy khi có cảm giác vui vẻ trong khi bạn bé thì lúc nào cũng hào hứng với mọi thứ xung quanh, thậm chí từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Tôi luôn cố gắng tìm cách tác động dần dần để Bi có suy nghĩ tích cực và phải biết bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ với mọi thứ xung quanh. Con không thích đọc sách truyện, không thích nhảy nhót ca hát trong khi tôi lại cho rằng đó là những hoạt động rất thú vị và có ích.

Mỗi ngày tôi lại phân tích và kích thích con từng chút từng chút một, con đã thích đọc truyện tranh rồi đọc sang truyện chữ; con đã tham gia lớp nhảy và đứng nhảy cùng bạn bè; con đã nghe nhạc rồi rất yêu thích nó…

Và điều đặc biệt nhất là trong một lần đi mua sách, tôi đã nhờ con chọn sách thì con chọn cuốn Positive thinking (Tư duy tích cực) và nói: “Mẹ lấy cuốn này đi vì mẹ vốn thích tư duy tích cực mà”.

Khi ấy, tôi biết là những nỗ lực của mình đã có kết quả. Tôi đã phải tác động từ từ để con biết nghe nhạc vì tôi hiểu âm nhạc sẽ làm cho con người ta hưng phấn hơn, vui vẻ yêu đời hơn, đa cảm và dễ bộc lộ xúc của hơn. Tôi thấy rất vui khi con có chuyển biến tích cực, hiểu cả gu âm nhạc của bố mẹ, luôn muốn giới thiệu bài hát mới phù hợp với mẹ.

Cứ nhìn con ngân nga theo lời hát, lắc lư theo điệu nhạc là tôi thấy mình đã rất đúng đắn khi dành thời gian gần gũi và kích thích con, và tôi đã thành công trong việc tác động để con trở thành người có tư duy tích cực.

Bùi Thị Thanh Nga/ Thái Hà Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-de-bien-ong-cu-non-kho-tinh-thanh-dua-tre-vui-ve-post1570032.html
Zalo