Cách chăm sóc trẻ bị viêm họng tại nhà
Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn non yếu và hệ hô hấp chưa hoàn thiện nên sẽ dễ bị viêm họng hơn người lớn. Ngoài ra, trẻ có thể ngậm hoặc nuốt phải các vật lạ, dẫn đến việc bị mắc dị vật trong họng và đường thở, từ đó làm gia tăng nguy cơ viêm họng.
Nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em
Các nguyên nhân thường gặp gây viêm họng ở trẻ em là:
Sự tấn công của virus, vi khuẩn.
Viêm họng do kích thích: Căn nguyên từ hiện tượng khô khốc ở vùng họng, ho sặc làm tổn thương và kích thích niêm mạc họng.
Ngoài ra, môi trường sống có tác động lớn đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu. Một số yếu tố về môi trường sống có thể là yếu tố thuận lợi làm cho trẻ dễ bị viêm họng cấp như:
Thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột), ẩm ướt, mưa nhiều.
Môi trường sống của trẻ ô nhiễm nghiêm trọng do khói xe, khói thuốc lá, khói than và bụi bẩn.
Trẻ mới đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.
Trẻ ít vệ sinh răng miệng, mũi họng.
Triệu chứng của bệnh viêm họng cấp ở trẻ
Khi bị viêm họng cấp, trẻ thường có những biểu hiện như:
Trẻ bị đau họng, có thể kèm theo nuốt khó.
Trẻ bị viêm họng cấp thường kèm theo ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm.
Trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, nhiều trẻ có thể sốt tới 39 - 40 độ C.
Trẻ có thể thở khó nếu kèm theo nghẹt mũi hoặc có biến chứng viêm phổi, viêm thanh khí phế quản.
Cơ thể mệt mỏi khiến trẻ rất khó chịu dẫn tới biếng ăn, quấy khóc và khó ngủ.
Một số trẻ kèm dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như nôn ói hoặc tiêu chảy.
Nếu trẻ có biểu hiện trên kéo dài hoặc diễn tiến bệnh ngày càng nặng thì có thể trẻ đã có biến chứng. Vì thế, cha mẹ cần theo dõi cẩn thận những biểu hiện của trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời.
Để chẩn đoán bệnh thì các bác sĩ sẽ phải thăm khám lâm sàng, đôi khi cần kết hợp với xét nghiệm máu. Một số trường hợp khám lâm sàng không phân biệt được tình trạng viêm họng của trẻ là do virus hay vi khuẩn, xét nghiệm máu sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân của bệnh và có thể đưa ra phương pháp điều trị bệnh phù hợp và hiệu quả. Nếu nghi ngờ viêm họng do liên cầu nhóm A, các bác sĩ có thể phết họng của trẻ để làm xét nghiệm tìm vi trùng gây bệnh.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm họng tại nhà
Khi thấy trẻ có các triệu chứng viêm họng nêu trên, cha mẹ nên cho con nghỉ học ở nhà để theo dõi sức khỏe và tránh lây lan mầm bệnh cho các trẻ khác. Trẻ cần được theo dõi cẩn thận để phát hiện các triệu chứng bất thường về tiểu tiện, đại tiện, ăn uống, trạng thái vui chơi...
Nếu tình trạng viêm họng khiến trẻ quấy khóc, ăn ít, sốt… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần chú ý như sau:
Giữ ấm cho trẻ, vệ sinh nơi ở sách sẽ, cần mặc đủ ấm, tránh ra ngoài khi gió lạnh, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Phòng tắm nên thiết kế kín, tránh gió lùa, sau khi tắm xong thì cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch. Đêm ngủ cần giữ ấm cho trẻ bao gồm bàn tay, bàn chân, đầu, ngực, cổ…
Cho trẻ uống nhiều nước ấm: Đây là cách để giữ ấm họng, làm dịu cơn đau do viêm họng. Trẻ có thể uống nước chanh pha mật ong, nước ép trái cây, ăn hoa quả để bổ sung vitamin cho cơ thể. Riêng đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bú sữa mẹ hoàn toàn vừa là nguồn dinh dưỡng tốt vừa giúp cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ.
Cần vệ sinh răng miệng mũi họng thường xuyên, hàng ngày
Khu vực răng miệng mũi họng có thể tích tụ vi khuẩn và gây bệnh, do đặc thù môi trường ẩm ướt, trao đổi thường xuyên với không khí môi trường và thực phẩm. Do đó, cần vệ sinh cho trẻ thường xuyên bằng việc vệ sinh răng miệng sau khi ăn, đánh răng trước và sau khi thức dậy.
Có thể dùng nước muối sinh lý để súc họng, vệ sinh mũi… ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, điều này sẽ giúp trẻ vừa phòng ngừa và hỗ trợ viêm họng hiệu quả.
Tăng cường thực phẩm giàu vitamin
Sức đề kháng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm họng cho trẻ cũng như bệnh đường hô hấp và các bệnh lý toàn thân khác. Vì thế, hãy chủ động tăng sức đề kháng bằng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với 5 nhóm chất cơ bản, tăng cường các loại rau, củ quả tươi chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa tự nhiên.
Hạn chế thực phẩm lạnh vì sẽ khiến niêm mạc họng bị kích thích, dễ gây viêm họng cấp hơn. Cần hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn, thức uống quá lạnh, đồ ăn cay chua, đồ ngọt, đồ ăn có chứa nhiều mỡ như nước sốt cà chua, ớt, hạt tiêu, khoai tây chiên…
Tóm lại: Viêm họng ở trẻ là vấn đề hay gặp, nhất là khi vào mùa lạnh, bệnh thường không nguy hiểm, sẽ khỏi sau 3 - 5 ngày nếu được chăm sóc, theo dõi và điều trị tốt. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ em nên việc phòng ngừa chủ động là rất quan trọng.