Cách các nước 'khai tử' xe xăng khỏi đô thị

Với lộ trình bài bản, kiểm soát chặt chẽ và loạt chính sách hỗ trợ giao thông xanh, nhiều quốc gia đang tăng tốc trong cuộc đua loại bỏ xe xăng ra khỏi đô thị.

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng và nhu cầu chuyển đổi năng lượng trở nên cấp thiết, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh lộ trình loại bỏ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch khỏi các trung tâm đô thị.

Từ châu Âu đến châu Á, xu hướng “khai tử” xe xăng đang lan rộng, với những chính sách quyết liệt và định hướng rõ ràng.

Trung Quốc: Siết xe máy, mở đường “khai tử” xe xăng

Là thủ đô với hệ thống giao thông dày đặc và dân số đông đúc, Bắc Kinh là thành phố đầu tiên khởi động chính sách cấm xe máy xăng từ những năm 1980. Cụ thể, năm 1986, xe máy bắt đầu bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 3 của Bắc Kinh, Sohu cho hay.

Đến năm 2000, chính quyền thành phố tiếp tục loại bỏ xe mang biển số “loại B” (dành cho xe máy, đặc biệt là mô tô đăng ký theo diện cá nhân hoặc doanh nghiệp tại Bắc Kinh) và các xe biển ngoại tỉnh khỏi khu vực vành đai 4.

Không dừng lại ở đó, chính quyền Bắc Kinh còn siết chặt việc đăng ký xe mới, nâng tiêu chuẩn khí thải và quy định niên hạn sử dụng, khiến xe máy dần biến mất khỏi trung tâm thành phố. Đặc biệt từ năm 2014, xe máy ngoại tỉnh bị cấm hoàn toàn 24/7 trong khu vực vành đai 6.

 Các tuyến đường vành đai của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Biểu đồ: SCMP.

Các tuyến đường vành đai của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Biểu đồ: SCMP.

Tính đến năm 2021, đã có 185 thành phố trên toàn Trung Quốc áp dụng các hình thức cấm xe máy, trong đó khoảng 19 tỉnh cấm cả xe hai bánh lưu thông trên đường cao tốc, theo Autopian.

Trong giai đoạn này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã từng bước siết chặt việc sử dụng xe máy bằng nhiều biện pháp cứng rắn. Nổi bật là việc ngừng cấp mới giấy phép đăng ký xe máy, cấm xe máy lưu thông trên các tuyến đường chính, cũng như loại bỏ hoàn toàn phương tiện hai bánh khỏi khu vực trung tâm thương mại (CBD).

Nhiều địa phương áp dụng lệnh cấm xe máy ngoại tỉnh, buộc người dân chỉ được sử dụng phương tiện trong phạm vi địa phương, gần như "khóa chặt" khả năng di chuyển liên tỉnh bằng xe máy. Chỉ một số xe đặc biệt như xe cảnh sát, xe chuyên dụng mới được miễn trừ.

Không chỉ dừng lại ở xe máy, Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác như Thượng Hải, Thâm Quyến đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với ôtô sử dụng động cơ đốt trong.

Năm 2017, Bắc Kinh trở thành một trong những địa phương đầu tiên thiết lập vùng phát thải thấp (LEZ), giới hạn xe tải nặng không đạt chuẩn khí thải China IV lưu thông vào trung tâm thành phố.

Một trong những hình thức phổ biến là giới hạn thời gian lưu thông theo biển số chẵn - lẻ vào các khung giờ cao điểm, thường là 7h-9h sáng và 17h-20h chiều, trong khu vực nội đô (vành đai 2 đến vành đai 5).

Ngoài ra, ôtô mang biển số ngoại tỉnh muốn vào Bắc Kinh bắt buộc phải đăng ký giấy phép vào thành phố, tuy nhiên vẫn bị cấm hoàn toàn tại các trục giao thông trọng điểm như đường Trường An hay khu vực trong vành đai 2 - nơi tập trung các cơ quan trung ương và biểu tượng chính trị quốc gia.

Từ năm 2025, các xe mang biển Bắc Kinh được miễn áp dụng quy định giờ cao điểm nếu đủ điều kiện, nhưng vẫn phải tuân thủ lệnh cấm vào trung tâm thành phố. Đây là một bước điều chỉnh theo hướng “ưu tiên phương tiện xanh”, đồng thời từng bước siết chặt không gian hoạt động của xe chạy xăng.

 Nhiều tuyến phố trọng điểm tại Bắc Kinh áp dụng quy định biển số chẵn - lẻ trong khung giờ cao điểm để giảm lưu lượng xe. Ảnh: Reuters.

Nhiều tuyến phố trọng điểm tại Bắc Kinh áp dụng quy định biển số chẵn - lẻ trong khung giờ cao điểm để giảm lưu lượng xe. Ảnh: Reuters.

Không chỉ các thành phố lớn, một số tỉnh như Hải Nam đã đi trước một bước với tuyên bố cấm bán xe chạy xăng mới từ năm 2030. Đây là nỗ lực tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi phương tiện cá nhân sang xe điện và xe năng lượng mới (NEV), Straits Times cho biết.

Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch phát triển xe năng lượng mới giai đoạn 2021-2035, được Quốc vụ viện phê duyệt. Theo đó, đến năm 2025, ít nhất 20% số xe bán ra phải là xe điện hoặc hybrid; đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 40% và lượng khí thải trên mỗi xe giảm 25%.

Đặc biệt, từ năm 2035, tất cả xe ôtô mới bán ra tại Trung Quốc sẽ phải là xe năng lượng mới (NEV), chính thức chấm dứt sự tồn tại của xe thuần xăng hoặc diesel trên thị trường nội địa, theo Daily China.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, Trung Quốc triển khai loạt chính sách ưu đãi như: miễn thuế, trợ giá mua xe điện, đầu tư trạm sạc, sản xuất pin và cơ sở hạ tầng tái tạo. Các địa phương cũng được khuyến khích thử nghiệm vùng cấm xe xăng nếu đủ điều kiện, tiến tới nhân rộng toàn quốc.

Anh: Hành trình xanh hóa từ London đến toàn quốc

Thủ đô London là nơi đi tiên phong ở Anh trong việc triển khai các chính sách giảm phát thải từ phương tiện giao thông. Năm 2017, chính quyền thành phố bắt đầu áp dụng loại phí “T-Charge” đối với các xe cũ không đạt chuẩn khí thải Euro 4 khi lưu thông vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm. Đây được xem là bước khởi đầu cho quá trình siết chặt xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Chỉ 2 năm sau, vào tháng 4/2019, chính sách này được thay thế bằng Khu vực Phát thải Siêu thấp (ULEZ) tại khu vực trung tâm.

 ULEZ được khởi động tại London và đã cải thiện chất lượng không khí ở thành phố này trên mọi phương diện. Ảnh: PA.

ULEZ được khởi động tại London và đã cải thiện chất lượng không khí ở thành phố này trên mọi phương diện. Ảnh: PA.

Từ tháng 10/2021, ULEZ được mở rộng ra phạm vi các đường vành đai North Circular và South Circular, bao phủ gần 4 triệu dân. Đến tháng 8/2023, ULEZ chính thức bao trùm toàn bộ Greater London - biến đây trở thành khu vực kiểm soát phát thải lớn nhất nước Anh, ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người, Guardian cho biết.

Theo quy định, những xe không đạt chuẩn khí thải Euro (xăng dưới Euro 4, diesel dưới Euro 6) khi đi vào ULEZ phải nộp phí 12,5 bảng/ngày. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn người dân đã chủ động chuyển đổi phương tiện, với 97% xe tại London hiện nay đạt chuẩn khí thải và không phải trả phí.

Sẽ mất 193 năm để London đưa mức ô nhiễm về giới hạn hợp pháp. Nhưng với những chính sách gần đây, London đang tiến sát mục tiêu đó chỉ trong một năm.

Thị trưởng London Sadiq Khan

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý London, nồng độ NO2 tại các tuyến đường lớn đã giảm 27% so với thời điểm trước khi mở rộng ULEZ. Không khí được cải thiện tại 99% các điểm quan trắc. Đặc biệt, tại các khu dân cư thu nhập thấp, số người tiếp xúc với mức ô nhiễm vượt chuẩn giảm đến 82%.

Trong khi London vẫn sử dụng biện pháp “thu phí để giảm xe”, năm 2020, thành phố Oxford lại đi xa hơn khi trực tiếp thí điểm cấm xe chạy xăng và diesel bao gồm cả xe taxi và xe cá nhân trong 6 tuyến phố trung tâm.

Từ tháng 2/2022, thành phố này trở thành nơi đầu tiên ở Anh triển khai Vùng Không Phát Thải (ZEZ), cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong từ 7h-19h tối mỗi ngày tại 9 tuyến phố trung tâm.

Không dừng lại ở thử nghiệm, Oxford đã xây dựng lộ trình mở rộng vùng ZEZ tới phần lớn khu vực nội đô vào năm 2035. Các phương tiện không đạt chuẩn khí thải sẽ phải trả phí 2-10 bảng Anh/ngày, trong khi xe điện được miễn hoàn toàn.

Đặc biệt, từ năm 2026, Oxford sẽ áp dụng thêm “lọc giao thông” (traffic filter), chỉ cho phép xe có giấy phép đặc biệt lưu thông trong vùng cấm.

 Một biển báo cảnh báo người lái xe về vùng ZEZ ở Oxford (Anh). Ảnh: Alamy Stock Photo.

Một biển báo cảnh báo người lái xe về vùng ZEZ ở Oxford (Anh). Ảnh: Alamy Stock Photo.

Không chỉ Oxford và London, nhiều thành phố lớn nhỏ khác tại Anh cũng nhanh chóng nhập cuộc với các vùng không khí sạch (Clean Air Zone). Tại Scotland, các thành phố như Glasgow, Edinburgh, Dundee và Aberdeen đều đã triển khai vùng cấm xe không đạt chuẩn.

Trên quy mô toàn quốc, chính phủ Anh đã thông qua lộ trình cấm bán toàn bộ xe mới chạy xăng và diesel từ năm 2030.

Từ năm 2035, tất cả các xe ôtô và xe van mới bán ra tại Anh phải là xe không phát thải, bao gồm xe điện hoàn toàn hoặc sử dụng hydro.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, Anh đã đưa ra quy định “ZEV Mandate”, buộc các nhà sản xuất ôtô phải đảm bảo 80% doanh số là xe không phát thải vào năm 2030 và 100% vào 2035. Hàng loạt chính sách khác như đầu tư trạm sạc điện, hỗ trợ tài chính cho người mua xe điện, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất xanh… cũng đang được triển khai đồng bộ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-cac-nuoc-khai-tu-xe-xang-khoi-do-thi-post1568880.html
Zalo