Cách các nước 'giống' Việt Nam miễn viện phí toàn dân

Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đã tiến gần mục tiêu miễn viện phí toàn dân. Với Việt Nam, đâu là mô hình phù hợp để người bệnh không phải bỏ điều trị chỉ vì thiếu tiền?

Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới miễn viện phí cho toàn dân, xem đây là bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Dù còn nhiều thách thức, chủ trương này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ngành y tế trong việc lấy người dân làm trung tâm.

Trên thực tế, nhiều quốc gia có mức thu nhập trung bình tương tự Việt Nam đã từng bước hiện thực hóa mô hình viện phí công miễn phí hoặc rất thấp, thông qua các chương trình bảo hiểm y tế toàn dân và cải tổ hệ thống y tế công lập. Mỗi nước lựa chọn một mô hình khác nhau, phản ánh năng lực ngân sách cũng như mức độ ưu tiên dành cho sức khỏe cộng đồng.

Philippines

Philippines là một trong những quốc gia Đông Nam Á có bước tiến rõ rệt trong việc hiện thực hóa chăm sóc sức khỏe toàn dân. Năm 2019, quốc gia này chính thức ban hành Luật Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (Universal Health Care Act), đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đảm bảo người dân, không phân biệt thu nhập hay nơi cư trú đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu.

 Tất cả công dân Philippines sẽ tự động được ghi danh vào hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Ảnh: Philippines Star.

Tất cả công dân Philippines sẽ tự động được ghi danh vào hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Ảnh: Philippines Star.

Theo luật này, toàn bộ công dân Philippines sẽ được tự động ghi danh vào hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia (PhilHealth), không cần làm thủ tục đăng ký. Những người không đủ khả năng đóng phí sẽ được nhà nước hỗ trợ.

Đặc biệt, người dân khi nằm giường bệnh cơ bản (loại ward) tại bệnh viện công sẽ được miễn hoàn toàn viện phí. Với các dịch vụ không thuộc loại cơ bản, họ chỉ phải chi trả một khoản cố định đã được quy định trước.

Bên cạnh đó, chính phủ Philippines cũng triển khai hệ thống BUCAS (Bagong Urgent Care and Ambulatory Services). Đây là các cơ sở y tế chăm sóc cấp cứu nhẹ và ngoại trú dành riêng cho người thu nhập thấp. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ miễn phí, rút ngắn thời gian chờ và hạn chế quá tải cho tuyến bệnh viện.

Là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình, để có nguồn lực duy trì và mở rộng hệ thống y tế, Philippines sử dụng phần lớn ngân sách từ thuế sức khỏe, bao gồm thuế áp lên thuốc lá, rượu và đồ uống có đường.

Indonesia

Từ năm 2014, Indonesia chính thức đưa vào vận hành chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia (Jaminan Kesehatan Nasional - JKN) do cơ quan BPJS Kesehatan quản lý. Đây là một trong những hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân lớn nhất thế giới, với mục tiêu bao phủ mọi công dân. Đến năm 2024, khoảng 98% dân số Indonesia đã được bảo hiểm y tế thông qua JKN.

 Người dân Indonesia được hưởng nhiều chế độ từ chương trình bảo hiểm y tế. Ảnh: PATIRO.

Người dân Indonesia được hưởng nhiều chế độ từ chương trình bảo hiểm y tế. Ảnh: PATIRO.

Với chương trình này, người dân được miễn phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã ký hợp đồng với BPJS, bao gồm cả trung tâm y tế cơ sở (Puskesmas), bệnh viện công và một số bệnh viện tư nhân.

Danh mục dịch vụ được chi trả khá toàn diện, từ điều trị cấp cứu, nội trú, ngoại trú, phẫu thuật, chăm sóc bà mẹ - trẻ em, đến thuốc men và xét nghiệm. Mức phí đóng bảo hiểm được chia theo nhóm: người có thu nhập cao tự đóng, người nghèo hoặc không có khả năng chi trả sẽ được nhà nước tài trợ hoàn toàn.

Ngoài chi trả viện phí, chương trình JKN còn giúp giảm mạnh chi tiêu y tế từ tiền túi của người dân. Nếu như trước đây, gần một nửa chi phí y tế do người dân tự thanh toán thì nay con số này đã giảm xuống còn khoảng 27,5%. Tỷ lệ người dân rơi vào cảnh khó khăn tài chính do bệnh tật cũng giảm rõ rệt.

Sri Lanka

Một mô hình khác gây chú ý là Sri Lanka, nơi y tế công đã hoàn toàn miễn phí trong nhiều thập kỷ. Đây là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người nằm ở mức trung bình thấp tương đương Việt Nam.

Bất kỳ ai dù giàu hay nghèo, cư trú tại thành thị hay nông thôn, đều có thể đến bệnh viện hoặc trạm y tế công lập để khám và điều trị mà không phải thanh toán bất cứ khoản chi phí nào tại thời điểm sử dụng dịch vụ. Mức độ bao phủ này áp dụng cho cả các ca nội trú, ngoại trú, phẫu thuật và chăm sóc sản khoa với mục tiêu đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Chính sách viện phí miễn phí này được Nhà nước tài trợ hoàn toàn từ ngân sách công. Nhờ đó, Sri Lanka đã đạt được nhiều chỉ số y tế ấn tượng so với mặt bằng chung khu vực như tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh thấp, tuổi thọ cao và khả năng kiểm soát tốt nhiều bệnh truyền nhiễm.

Gần đây, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, Sri Lanka bắt đầu tái cấu trúc hệ thống y tế, tổ chức lại mạng lưới chăm sóc theo khu vực, tăng cường y tế tuyến cơ sở, phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Dù chưa có mô hình “trung tâm một cửa” như một số nước khác, những cải cách này hướng đến mục tiêu duy trì y tế miễn phí nhưng chất lượng hơn, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh mới.

Bài toàn miễn viện phí toàn dân của Việt Nam

Chủ trương miễn viện phí cho toàn dân được nhiều chuyên gia đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc thực hiện chính sách này tại Việt Nam sẽ không hề đơn giản, bởi liên quan trực tiếp tới bài toán tài chính, cơ sở vật chất và nhu cầu khác biệt giữa các khu vực.

Ngân hàng Thế giới cho rằng để tiến tới bao phủ y tế toàn dân, Việt Nam cần tăng chi tiêu y tế từ mức 2,7% GDP hiện nay lên tiệm cận các quốc gia có hệ thống y tế phát triển. Hiện ngân sách y tế công đạt hơn 175.000 tỷ đồng mỗi năm, riêng quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng 112.000 tỷ. Nếu miễn viện phí toàn dân, ngân sách sẽ phải tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

 Theo các chuyên gia, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi hướng đến miễn viện phí toàn dân. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi hướng đến miễn viện phí toàn dân. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trước khi thực hiện miễn viện phí toàn dân, giải pháp khả thi trước mắt là miễn phí cấp thẻ BHYT cho người dân, đặc biệt ưu tiên nhóm yếu thế để giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Song song đó, ngành y tế cũng đang xây dựng các giải pháp phát triển dịch vụ y tế, hướng tới mục tiêu miễn viện phí toàn dân vào năm 2030.

“Hiện nay, BHYT đã giúp người dân bớt lo lắng về chi phí điều trị. Nếu ai cũng có thẻ BHYT, việc tiếp cận dịch vụ y tế sẽ trở nên dễ dàng hơn mà không phải lo nhiều về viện phí,” ông Thuấn nói.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (TP.HCM), cũng cho rằng hướng đi khả thi nhất với Việt Nam hiện nay là đẩy mạnh bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, vì BHYT đã giúp giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh.

"Nếu tất cả người dân đều có thẻ bảo hiểm, sẽ đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải quá lo lắng về chi phí", bác sĩ Hùng nhận định.

Còn theo PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để thực hiện được miễn viện phí toàn dân thì đầu tư y tế cơ sở, làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu là việc trước tiên phải làm. Theo ông, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, không tổ chức cấp quận, huyện là cơ hội để tập trung nguồn lực và tổ chức lại tuyến y tế cơ sở gắn với dân, gần dân nhất. Bên cạnh đó, cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế lớn, chuyên sâu, đặc biệt chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), đến nay, cả nước có trên 94% dân số tham gia BHYT và 95% số giường bệnh BHYT là ở các bệnh viện công. Cơ quan BHXH cũng đã ký hợp đồng tổ chức hệ thống khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế.

“Tổng Bí thư đã đề cập đến lộ trình, từ nay đến năm 2030, chúng ta thực hiện miễn viện phí. Trên thực tế, chúng ta đang đi đúng hướng, đúng lộ trình, đó là tiến tới BHYT toàn dân. BHYT là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội", ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.

Nguyễn Thuận - Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-cac-nuoc-giong-viet-nam-mien-vien-phi-toan-dan-post1568859.html
Zalo