Cách bổ sung sắt và kẽm cho trẻ an toàn

Thiếu sắt và kẽm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, hệ miễn dịch và sự phát triển nhận thức của trẻ. Vậy bổ sung sắt và kẽm đúng thế nào cho an toàn?

1. Lợi ích khi bổ sung sắt và kẽm cho trẻ

Sắt và kẽm là hai vi chất dinh dưỡng quan trọng, dù chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò đến sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Do đó việc bổ sung sắt và kẽm là rất quan trọng.

1.1. Vai trò của sắt

Sắt là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Sắt được ví như "người thợ xây" chính cho hệ thống vận chuyển oxy của cơ thể và rất nhiều quá trình sinh học khác.

Sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh và não bộ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Sắt tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh, giúp trẻ linh hoạt, năng động…

Trẻ thiếu sắt có thể thiếu máu, gây mệt mỏi, xanh xao, kém tập trung, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não, khiến trẻ chậm tăng trưởng, giảm khả năng tập trung, ghi nhớ…

Sắt là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ.

Sắt là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ.

1.2. Vai trò của kẽm với sức khỏe của trẻ

Kẽm là một vi chất "đa năng" tham gia vào hoạt động của gần 100 loại enzyme trong cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và miễn dịch của trẻ. Kẽm giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi các bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Kẽm giúp trẻ phát triển chiều cao và tăng cường khả năng nhận thức.

Vi chất này cũng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời ngăn ngừa các bệnh về da, tóc móng. Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ giảm nguy cơ mắc tiêu chảy và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được bổ sung đủ kẽm.

2. Bổ sung thế nào cho hiệu quả?

Kẽm và sắt có mối liên hệ mật thiết trong việc hỗ trợ lẫn nhau để cơ thể hoạt động hiệu quả. Kẽm giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, đồng thời sắt cũng cần kẽm để tham gia vào quá trình tổng hợp hồng cầu.

Mặc dù chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng có thể cung cấp cho trẻ lượng sắt và kẽm nhất định, nhưng tỷ lệ hấp thu sắt và kẽm từ thực phẩm khá thấp, nhất là ở trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy, có 60% trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi đang thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt, đặc biệt trẻ thiếu kẽm thường đi đôi với thiếu sắt.

Kẽm có nhiều trong thực phẩm.

Kẽm có nhiều trong thực phẩm.

Để tránh việc thiếu sắt và kẽm kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, cha mẹ có thể chủ động bổ sung dự phòng nhu cầu hàng ngày cho bé dưới dạng vi chất.

Liều lượng sắt khuyến cáo cần cho trẻ:

- Với trẻ sinh thiếu tháng, cần bổ sung sắt từ sớm, thường là 2mg/kg/ngày, tối đa 15mg/ngày, bắt đầu từ 1 tháng tuổi và kéo dài đến 12 tháng tuổi.

- Với trẻ 6-12 tháng khi bắt đầu ăn dặm, có thể bổ sung sắt thông qua thực phẩm giàu sắt.

- Với trẻ 1-5 tuổi: Cần chú ý bổ sung sắt vì đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh và có nguy cơ thiếu sắt cao. Liều sắt cần bổ sung mỗi ngày là dưới 10mg.

- Với trẻ lớn hơn, liều bổ sung thường từ 10-15mg/ngày, tùy thuộc vào giới tính và giai đoạn phát triển.

Liều lượng kẽm:

Trẻ 0-6 tháng: 2mg/ngày;
Trẻ 7-11 tháng: 3mg/ngày;
Trẻ 1-3 tuổi: 3mg/ngày;
Trẻ 4-8 tuổi: 5mg/ngày;
Trẻ 9-13 tuổi: 8mg/ngày;
Trẻ trên 14 tuổi: Bé gái 9mg/ngày, bé trai 11mg/ngày.

Để bổ sung kẽm và sắt an toàn cho trẻ cần thực hiện:

- Cung cấp chế độ ăn uống đa dạng: Nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm giàu sắt và kẽm như thịt đỏ, gan, hàu, trứng đậu hà lan, đậu nành, quả óc chó, hạt hướng dương, lúa mì, rau xanh… Kết hợp các loại thực phẩm này trong bữa ăn của trẻ để đảm bảo cung cấp đủ sắt và kẽm cho cơ thể.

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thu sắt và kẽm: Tránh cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh, rau chín quá lâu, trứng cùng với sữa.

- Sử dụng thực phẩm bổ sung sắt và kẽm: Cho trẻ ăn các loại bột bổ sung sắt và kẽm được bác sĩ khuyên dùng. Ngoài ra cũng có thể lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung sắt và kẽm.

Lưu ý, chỉ dùng các loại thực phẩm bổ sung sắt và kẽm khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không cho trẻ uống quá liều vì có thể gây một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, giảm miễn dịch…

- Tăng cường vitamin C: Vitamin C giúp hấp thu sắt và kẽm tốt hơn. Các bậc phụ huynh hoặc người chăm trẻ nên cho trẻ ăn nhiều loại trái cây tươi như cam, quýt, chanh, dâu tây, kiwi, xoài, táo, nho, cà chua, cải xoăn, rau bina, rau cải chíp... hoặc bổ sung vitamin C qua các loại thực phẩm chức năng.

Phòng chống suy dinh dưỡng cấp tính: Nguyên nhân và cách điều trị.

BS. Lê Thị Thu Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-bo-sung-sat-va-kem-cho-tre-an-toan-169250718130739225.htm
Zalo