Các xã vùng khó cần tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới

Đối với các xã miền núi, việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vốn đã khó, nên khi áp vào Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, việc xây dựng NTM lại càng khó khăn hơn do có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. Để đạt mục tiêu xây dựng NTM theo lộ trình đề ra, rất cần sự hỗ trợ của cấp trên, sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa của các cấp chính quyền và người dân.

Người dân xã Mò Ó, huyện Đakrông được chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã -Ảnh: T.L

Người dân xã Mò Ó, huyện Đakrông được chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã -Ảnh: T.L

Là một xã biên giới của huyện Hướng Hóa, từ năm 2010, xã Thuận đã được tỉnh chọn làm xã điểm trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đến năm 2021, xã Thuận đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, khi áp vào bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, xã Thuận rớt 4 tiêu chí.

Theo ông Lê Văn Mịch, cán bộ phụ trách chương trình xây dựng NTM xã Thuận, từ trước đến nay, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào 2 loại cây trồng chủ lực gồm sắn và chuối. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá các sản phẩm nông sản không ổn định, do ảnh hưởng của COVID-19 và nhiều khó khăn khác khiến thu nhập bình quân của người dân đến nay mới chỉ đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Đáng quan tâm là hiện nay, xã Thuận đang thuộc vùng III, nếu đạt chuẩn NTM, địa phương không còn là xã vùng III, đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ người dân xã vùng III bị cắt giảm…Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, trong năm 2023, địa phương sẽ cố gắng khắc phục các tiêu chí bị sụt giảm, sau đó tiếp tục thực hiện những tiêu chí còn lại.

Với xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, tuy nhiên, với sự nỗ lực cao của địa phương, đến năm 2020, xã Mò Ó, huyện Đakrông đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Theo lộ trình, đến cuối năm 2025, xã Mò Ó sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích NTM.

Khi áp vào bộ tiêu chí mới, xã Mò Ó bị rớt 1 tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do thông tin thêm: “Bộ tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu, một số chỉ tiêu khó hơn nên quá trình thực hiện sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương đã xây dựng lộ trình cụ thể đối với những tiêu chí chưa đạt. Trước mắt, trong năm 2023, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí gồm môi trường, y tế và trường học”.

Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, để được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu. Mức độ đạt các tiêu chí cũng được nâng cao so với giai đoạn 2016-2020. Sự thay đổi và nâng cao mức chuẩn của một số tiêu chí NTM giai đoạn 2021- 2025 là phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển và để xây dựng NTM thực sự bền vững, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, việc một số địa phương gặp khó khăn, nhất là các xã miền núi là điều không tránh khỏi. Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu có 73/101 xã đạt chuẩn NTM; 12/101 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các huyện Triệu Phong, Hải Lăng phấn đấu hoàn thiện các điều kiện cơ bản để đạt chuẩn huyện NTM; huyện Cam Lộ cơ bản đạt chuẩn huyện NTM nâng cao...

Ông Lê Văn Mịch, cán bộ phụ trách chương trình xây dựng NTM xã Thuận chia sẻ thêm: để về đích NTM vào năm 2025 theo lộ trình, xã Thuận đề xuất cấp trên tăng nguồn lực đầu tư để địa phương thực hiện các tiêu chí như quy hoạch, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, hoàn thiện cơ sở vật chất trường học… Nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động, đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy tại địa phương để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn và những vùng lân cận, đồng thời hỗ trợ kinh phí học tiếng nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động…

Đối với xã Mò Ó, 3 tiêu chí khó nhất mà địa phương phấn đấu hoàn thành để về đích NTM vào năm 2025 gồm nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập. Theo bộ tiêu chí mới, các chỉ tiêu của các tiêu chí này đề ra cũng cao hơn so với bộ tiêu chí của giai đoạn trước. Do vậy, để hoàn thành các tiêu chí, địa phương cũng cần sự hỗ trợ nguồn lực của cấp trên cũng như các chương trình, dự án.

Kết quả rà soát cho thấy, đến cuối năm 2022, tiêu chí bình quân toàn tỉnh là 14,1 tiêu chí/xã (giảm 2 tiêu chí/xã so với cuối năm 2021). Trong đó bình quân tiêu chí của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (27 xã khu vực III) mới chỉ đạt 7,9 tiêu chí/xã.

Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 69/101 xã đạt chuẩn NTM. Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh các giải pháp quyết liệt của tỉnh, các địa phương cùng người dân cần nỗ lực, từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hiệu quả trong thực hiện các tiêu chí.

Cùng với đó, trên cơ sở bộ tiêu chí mới, các địa phương cần có sự điều chỉnh kế hoạch xây dựng NTM cho phù hợp, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/cac-xa-vung-kho-can-tiep-suc-trong-xay-dung-nong-thon-moi/178119.htm
Zalo