Các tỷ phú tiền số Mỹ 'bội thu' khi tài trợ ông Trump
Các tỷ phú tiền số đã chi hơn 131 triệu USD ủng hộ ông Trump và nhiều ứng viên thân thiện với lĩnh vực này trong cuộc bầu cử Mỹ, nhằm thúc đẩy các chính sách quản lý tích cực hơn.
Theo CNN, ngành công nghiệp tiền số đã chi tới 131 triệu USD qua các siêu PAC (ủy ban hành động chính trị) để ủng hộ các ứng viên quốc hội thân thiện với lĩnh vực này trong kỳ bầu cử Mỹ vừa qua. Đồng thời, nhiều tỷ phú trong ngành cũng rót hàng triệu USD vào chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump - người hứa hẹn có nhiều chính sách có lợi cho thị trường tiền số.
Giờ đây, các tỷ phú tiền số quyết tâm thay đổi cách Washington điều hành lĩnh vực này. Mục tiêu chính là đảm bảo ông Trump sẽ chọn một Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) thân thiện với tiền điện tử hơn Gary Gensler - người đã khiến các CEO ngành này phẫn nộ vì các biện pháp cứng rắn dưới chính quyền ông Biden.
Ngoài ra, các nhóm hành động chính trị cũng đang vận động quốc hội thông qua khung pháp lý cần thiết để đưa tiền điện tử vào hệ thống tài chính chính thống của Mỹ.
Kịch bản "như mơ"
Trong kỳ bầu cử này, nhóm theo dõi "Stand with Crypto" ghi nhận có 274 ứng viên ủng hộ tiền điện tử được bầu vào hạ viện Myc và 20 người đắc cử vào thượng viện.
Các siêu PAC trong ngành đã đầu tư mạnh cho cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, trong đó có 2 thượng nghị sĩ Elissa Slotkin (Michigan) và Ruben Gallego (Arizona).
Kết quả này đánh dấu sự phục hồi ngoạn mục chỉ 2 năm sau khi ngành tiền số chao đảo vì cú sụp đột ngột của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Sau đó, các nghị sĩ vội vã tránh xa khoản quyên góp từ Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập FTX - hiện thụ án 25 năm tù vì tội lừa đảo khách hàng và nhà đầu tư.
Theo dữ liệu của sàn CoinMarketCap, giá Bitcoin đã tăng mạnh sau ngày bầu cử Mỹ, chính thức đạt mức kỷ lục mới trên 93.000 USD vào ngày 13/11, trước khi điều chỉnh về vùng trên 91.000 USD hiện tại.
Cách Washington quản lý sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành tiền số đang bùng nổ, với 52 triệu người Mỹ hiện sở hữu tài sản kỹ thuật số.
"Tiền điện tử là một thế lực chính trị", Kristin Smith, CEO Hiệp hội Blockchain gồm 98 thành viên, chia sẻ với CNN. "Kết quả cuộc bầu cử vừa qua đã tạo ra một quốc hội ủng hộ tiền số nhất từ trước đến nay, đồng thời là chính quyền thân thiện với lĩnh vực này nhất trong lịch sử", bà khẳng định.
Vị CEO cho biết ngành tiền số đang phối hợp với nhóm chuyển giao của ông Trump qua nhiều kênh để đảm bảo tiếng nói được lắng nghe về nhân sự và chính sách ưu tiên.
Ngoài ra, Hiệp hội Blockchain cũng đề xuất việc thành lập một "đặc phái viên Nhà Trắng" để điều phối chính sách tiền điện tử giữa các cơ quan chính phủ.
Đáng chú ý, ông Donald Trump, người từng xem Bitcoin là "một trò lừa đảo" vào năm 2021, giờ đây đã thay đổi quan điểm. Không chỉ tham gia bán NFT, ông còn hứa hẹn sẽ biến Mỹ thành "thủ phủ tiền điện tử toàn cầu".
Tổng thống Mỹ cũng cam kết thành lập một quỹ dự trữ tiền điện tử quốc gia và sa thải Chủ tịch SEC Gensler ngay khi lên nắm quyền.
Gia đình ông Trump, đặc biệt là con trai út Barron, được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi này. Thậm chí, ông Trump và các con trai đã ra mắt công ty tiền số riêng mang tên World Liberty Financial.
Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk, một đồng minh thân cận của Trump, cũng tham gia mạnh mẽ vào chiến dịch ủng hộ tiền số. CEO Tesla đã chi gần 119 triệu USD để ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump và đã được bổ nhiệm vào một cơ quan mới mang tên Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), gợi nhắc đến đồng tiền số Dogecoin mà Musk từng quảng bá.
Các tỷ phú tiền số sẵn sàng "đốt tiền"
Các siêu PAC ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng thu hút sự đóng góp từ những nhân vật hàng đầu trong ngành. Hai nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Marc Andreessen và Ben Horowitz - thuộc công ty đầu tư vào các startup tiền số - đã tài trợ 2,5 triệu USD/người cho siêu PAC Right for America.
Trong một podcast gần đây, Andreessen gọi kết quả bầu cử Mỹ như "tháo gông khỏi cổ" và cùng Horowitz chỉ trích chính quyền ông Biden vì các quy định cản trở đổi mới.
Trên thực tế, phần lớn hoạt động tác động đến cuộc bầu cử quốc hội năm nay bắt nguồn từ 3 siêu PAC do ngành tiền điện tử tài trợ: Fairshake, Defend American Jobs, và Protect Progress. Các nhóm này đã chạy hàng loạt quảng cáo để ủng hộ các ứng viên được họ ưu ái, dù đa phần nội dung quảng cáo không đề cập đến tiền số mà tập trung vào những vấn đề như tiểu sử cá nhân của ứng viên.
Ảnh hưởng chính trị của ngành này đã thể hiện rõ rệt khi họ chi khoảng 10 triệu USD để chống lại nghị sĩ đảng Dân chủ Katie Porter - một đồng minh thân cận của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người nổi tiếng với các chỉ trích nhắm vào tiền số.
Tại Ohio, siêu PAC tiền số đã chi 40 triệu USD ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Bernie Moreno, giúp ông đánh bại Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown, người ủng hộ siết chặt quy định ngành tiền số.
Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật, với sự ủng hộ lưỡng đảng, chuyển giao quyền giám sát chính của ngành tiền số từ SEC sang Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Dù dự luật chưa được thượng viện thông qua, ngành này vẫn coi đây là bước tiến trong việc định hình lại quy định.
Phản ứng trái chiều
Các doanh nghiệp, tỷ phú ngành tiền số khẳng định rằng không tìm cách né tránh quy định mà chỉ muốn có sự minh bạch hơn để hỗ trợ sự phát triển của thị trường này. "Để xây dựng, bạn cần biết rõ luật lệ đang điều chỉnh những gì mình tạo ra", Colin McLaren, Giám đốc quan hệ khách hàng của Cedar Innovation Foundation chia sẻ.
Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo rằng những đề xuất của ngành này có thể khiến các quy định bảo vệ quyền lợi người dùng trở nên lỏng lẻo.
Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy ngành tiền số sẵn sàng đốt tiền để uốn nắn các chính trị gia ủng hộ sản phẩm thiếu an toàn và thiếu giá trị kinh tế
Robert Weissman, đồng Chủ tịch tổ chức Public Citizen
Robert Weissman, đồng Chủ tịch tổ chức Public Citizen cho rằng: "Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy ngành tiền số sẵn sàng đốt tiền để uốn nắn các chính trị gia ủng hộ sản phẩm thiếu an toàn và thiếu giá trị kinh tế".
Các tổ chức như Fairshake và các siêu PAC liên kết đã huy động được 78 triệu USD cho kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026, bao gồm 30 triệu USD chưa sử dụng từ chiến dịch năm nay và các cam kết tài chính từ công ty Andreessen Horowitz cùng Coinbase.
"Chúng tôi cần đầu tư liên tục qua từng năm và đảm bảo rằng quốc hội hiểu rõ tầm quan trọng của ngành này", Kara Calvert, người đứng đầu chính sách Mỹ tại Coinbase nhấn mạnh.
Trong kỳ quốc hội sắp tới, các dự luật nhằm chuyển một phần quyền giám sát thị trường tiền số từ SEC sang CFTC dự kiến được xem xét lại, bất chấp lo ngại từ phía các nhà phê bình rằng động thái này có thể làm giảm tính chặt chẽ trong hoạt động giám sát.