Các tuyến phố sẽ cấm xe máy chạy xăng lưu thông ở khu vực nội đô Hà Nội
Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Những tuyến phố sẽ cấm xe máy chạy xăng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang từng bước triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy chạy xăng, trước mắt là trong khu vực Vành đai 1 vào giữa năm 2026.
Theo đó, từ ngày 1/7/2026, cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong Vành đai 1, bao gồm các tuyến phố trung tâm như Phố Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái - Minh Khai - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Khâm Thiên - Lê Duẩn - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Đặng Tất - Hàng Đậu - Phan Đình Phùng - Quán Thánh - Thanh Niên - Yên Phụ - Cửa Bắc - Hàng Đậu - Trần Nhật Duật.

Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy chạy xăng vào khu vực nội đô.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài việc cấm xe máy chạy xăng, xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2 cũng sẽ bị hạn chế.
Đến năm 2030, vùng cấm các phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện đến đường Vành đai 3, bao gồm các tuyến phố chính: Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm - Pháp Vân - Lĩnh Nam - Vĩnh Tuy - Minh Khai - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Giải Phóng - Trường Chinh - Láng - Võ Chí Công - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long.
Trước đó, theo Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn Hoàn Kiếm, Ba Đình (trước đây), dự kiến được công bố trong quý III/2025.
Cần chính sách hỗ trợ người dân
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá đây là một quyết tâm cần thiết của Chính phủ nhằm giảm ô nhiễm. Với chỉ thị này, toàn bộ khu vực bên trong vành đai 1 có thể được coi là vùng phát thải thấp.
Thời gian từ nay đến 1/7/2026 không còn nhiều. Do đó, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân.
"Tôi nghĩ sẽ có tới hàng triệu xe máy phải chuyển đổi. Với số lượng lớn như vậy, chính quyền thành phố phải tính đến việc hỗ trợ người dân như thế nào?", ông Tùng đặt vấn đề. Ông nhấn mạnh, bên cạnh các chương trình đổi xe của doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân.
Chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn.
Song song đó, việc phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt điện là giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm và khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị hạ tầng phục vụ xe điện. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, 100% xe buýt của TP sẽ chuyển sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
Sở Xây dựng Hà Nội được giao chủ trì rà soát quỹ đất để phát triển hệ thống trạm/trụ sạc điện, bố trí tại các bến xe, bãi đỗ, khu dân cư, trạm dừng nghỉ công cộng… Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho toàn bộ hệ thống này.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang soạn thảo cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt xanh, hạ tầng sạc điện, trạm dừng đỗ thân thiện môi trường. Dự thảo nghị quyết này dự kiến trình HĐND TP Hà Nội trong tháng 4/2025.
Hiện tại, Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy, 1,1 triệu ô tô và 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên. Trong đó, Vành đai 1 là khu vực trung tâm, số lượng xe máy lưu thông hàng ngày trong khu vực này là rất cao, lên đến hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu lượt xe ra vào, hoạt động thường xuyên.
Như vậy việc cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1 sẽ là cột mốc quan trọng nhất, đánh dấu việc cấm hoàn toàn mô tô, xe máy chạy xăng trong khu vực trung tâm nhất của Hà Nội. Điều này sẽ tác động đến một lượng lớn phương tiện và người dân tại khu vực này.