Các thuốc có thể giúp giảm đau đầu gối
Đau đầu gối là một vấn đề rất thường gặp do nhiều nguyên nhân. Việc dùng thuốc giảm đau sẽ làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đau đầu gối là tình trạng tổn thương hoặc viêm nhiễm ở khớp gối, gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu ở/hoặc xung quanh khớp gối. Người bệnh cảm thấy đau gần bề mặt da phía trên hoặc phía sau đầu gối, đau sâu bên trong đầu gối, đau ở nhiều vùng trên đầu gối hoặc chân…
Có nhiều nguyên nhân có thể gây đau đầu gối, bao gồm: Viêm khớp, chấn thương đột ngột, chấn thương do vận động quá mức, nhiễm trùng ở vùng đầu gối, béo phì… Để giảm đau đầu gối có thể lựa chọn một số loại thuốc giảm đau dưới đây:
1. Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) trị đau đầu gối
Có hai loại thuốc giảm đau đường uống OTC chính: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), acetaminophen (tylenol).
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn bao gồm ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve). Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Ngược lại, acetaminophen (tylenol) chỉ giảm đau nhưng không giảm viêm. Các thuốc này giúp giảm đau đầu gối nhanh chóng, đặc biệt là đau do do vận động quá mức.
Lưu ý, nên sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian chỉ định. Không lạm dụng hoặc tăng liều thuốc vì có thể gây một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Thận trọng dùng các thuốc này cho người có tiền sử bệnh gan, thận.

Đau đầu gối là cảm giác đau hoặc khó chịu ở hoặc xung quanh khớp gối.
2. Thuốc kê đơn
Thuốc kê đơn được dùng trong các trường hợp các loại thuốc OTC không đủ để kiểm soát cơn đau hoặc trong trường hợp người bệnh không thể dùng thuốc.
Các thuốc kê đơn trị đau đầu gối bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được kê đơn để điều trị đau đầu gối liên quan đến viêm khớp bao gồm: Celecoxib (celebrex) và diclofenac (voltaren). Các thuốc này giúp giảm viêm và giảm đau nhanh chóng. Thận trọng khi dùng cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày, phẫu thuật cắt dạ dày hoặc tăng huyết áp.
- Tiêm corticosteroid (steroid) có thể giúp điều trị đau đầu gối. Tùy từng trường hợp có thể được kê đơn các thuốc: Triamcinolone acetonide, methylprednisolone acetate, betamethasone... Tuy nhiên, tiêm khớp gối có thể gây một số tác dụng phụ như nhiễm trùng khớp, thoái hóa sụn... nếu dùng thuốc không hợp lý hoặc tiêm không đúng kỹ thuật. Để tránh gặp các tác dụng phụ này, người bệnh không được tiêm thuốc quá trường xuyên, việc tiêm cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa...
3. Điều trị tại chỗ cho chứng đau đầu gối
Có một số loại kem, gel và miếng dán giúp giảm đau đầu gối:
- Thuốc NSAID dạng gel, kem dùng ngoài da bao gồm diclofenac (voltaren), ibuprofen và ketoprofen. Phương pháp này hiệu quả trong các trường hợp đau do viêm khớp, viêm gân bánh chè, một chấn thương do sử dụng quá mức ảnh hưởng đến gân gần bề mặt da.
- Gel hoặc miếng dán lidocaine: Lidocaine là thuốc gây tê có thể được bôi lên bề mặt da dưới dạng gel hoặc miếng dán để làm giảm đau đầu gối. Lidocain giúp ngăn chặn tín hiệu đau từ dây thần kinh, giảm cảm giác đau tại chỗ.
- Kem hoặc miếng dán capsaicin: Kem và miếng dán capsaicin chứa một thành phần có nguồn gốc từ ớt, giúp ngăn chặn tín hiệu đau đến dây thần kinh.

Có thể tiêm corticoid tại chỗ để giảm đau đầu gối.
4. Một số phương pháp khác
Ngoài việc dùng thuốc, để điều trị giảm đau đầu gối thường đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp khác nhau:
- Vật lý trị liệu rất hiệu quả trong việc tăng cường sức mạnh và khả năng vận động, đặc biệt là khi gặp phải chấn thương do vận động quá mức có thể xảy ra do cơ thể bạn mất cân bằng cơ.
- Thực phẩm bổ sung có thể hữu ích cho một số người bị đau đầu gối: Thực phẩm bổ sung chiết xuất nghệ (curcumin), bổ sung kết hợp glucosamine và chondroitin, omega-3…
- Châm cứu cũng giúp cải thiện tình trạng đau đầu gối và chức năng.
- Giảm cân và dinh dưỡng: Ở những người thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm đau đầu gối do viêm xương khớp. Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng cũng có thể giúp giảm đau đầu gối.
5. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau
Khi sử dụng thuốc giảm đau trị đau đầu gối, cần lưu ý:
- Tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ hoặc dược sĩ. Không tự ý tăng liều hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài hơn khuyến cáo, vì điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc khác đang dùng để tránh tương tác thuốc bất lợi.
- Trong quá trình sử dụng thuốc, hãy theo dõi và báo cáo ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào như buồn nôn, đau bụng, hoặc phản ứng dị ứng.
- Không nên chỉ dựa vào thuốc giảm đau mà bỏ qua việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của đau đầu gối. Nên kết hợp sử dụng thuốc với các phương pháp điều trị khác như vật lý trị liệu, nghỉ ngơi, thay đổi lối sống để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nếu có dấu hiệu đau dữ dội, sưng đột ngột, hoặc không thể đứng thẳng đầu gối, cần đưa ngay người bệnh đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Hệ lụy khi lạm dụng thuốc giảm đau.