Các phương pháp điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn

Nhiễm ấu trùng sán lợn có thể gây ra các nguy cơ tai biến ở não, mắt... Tùy theo vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị khác nhau...

1. Dùng thuốc điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn

- Điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn bằng thuốc kháng ký sinh trùng: Sử dụng thuốc nhóm này nhằm tiêu diệt sán dây trưởng thành trong đường ruột cũng như ấu trùng tồn tại ở cơ quan khác. Một số thuốc thường được chỉ định gồm:

+ Niclosamide: Hoạt chất niclosamide tiêu diệt sán bằng cách tác dụng trực tiếp lên đầu sán. Sau khi chết, sán bị tống ra ngoài theo phân. Sau 2 giờ uống niclosamide, bệnh nhân có thể uống một liều thuốc nhuận tràng để tống hết đã chết ra ngoài và phòng ngừa khả năng trứng sán di chuyển lên dạ dày.

Niclosamide có nhiều ưu điểm giá thành rẻ, hiệu quả, ít gây độc nên được dùng phổ biến. Tuy nhiên, đối với ấu trùng sán lợn thì thuốc kém đáp ứng điều trị hơn so với praziquantel. Do đó, nếu nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm ấu trùng sán lợn thì trước tiên nên dùng praziquantel.

Biểu hiện nhiễm ấu trùng sán lợn dưới da.

Biểu hiện nhiễm ấu trùng sán lợn dưới da.

+ Praziquantel: Thuốc có tác dụng đối với các sán nhạy cảm ở các giai đoạn ấu trùng, chưa trưởng thành và sán đã trưởng thành. Thuốc đã được dùng để điều trị có hiệu quả bệnh ấu trùng sán lợn thần kinh, trừ bệnh ấu trùng sán lợn ở mắt.

Các tác dụng phụ của thuốc phần lớn xuất hiện do sự giải phóng các chất bên trong ký sinh trùng khi chúng chết đi và phản ứng miễn dịch của cơ thể với các chất này. Khi nhiễm ký sinh trùng càng nặng thì tác dụng phụ càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, dù tác dụng không mong muốn hay gặp nhưng thường nhẹ và nhanh hết.

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào bất thường, kéo dài hoặc diễn tiến nghiêm trọng hơn sau đây:

* Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, đau đầu, khó chịu, buồn ngủ, mệt mỏi, co giật, sốt cao, tăng áp lực nội sọ... Tác dụng phụ này gặp ở hầu hết các bệnh nhân mắc ấu trùng sán não do sự chết tế bào của ký sinh trùng. Tất cả các bệnh nhân mắc ấu trùng sán não cần được điều trị nội trú.

* Đường tiêu hóa: Khoảng 90% bệnh nhân dùng thuốc gặp phải tình trạng đau bụng, chướng bụng, buồn nôn và nôn. Đôi khi bệnh nhân có thể gặp tiêu chảy kèm theo sốt nhẹ và đi ngoài ra máu.

* Gan: Một số trường hợp có thể gặp tăng men gan không triệu chứng.

* Phản ứng của cơ thể có thể gặp như nổi mề đay, phát ban, ngứa, đau lưng đau cơ, đau khớp, sốt, đổ mồ hôi, hạ huyết áp.

Một số phản ứng cực kỳ hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng như khó thỏ, rối loạn nhịp tim nhanh, phù... cần được cấp cứu.

+ Albendazol: Thuốc được dùng để điều trị bệnh ấu trùng sán lợn do Cysticercus cellulosae ở nhu mô thần kinh và bệnh nang sán do ấu trùng sán chó Echinococcus granulosus gây ra.

Albendazol chuyển hóa mạnh ở gan nên ở bệnh nhân có bệnh lý ở gan, tốc độ thanh thải thuốc qua gan sẽ giảm, qua đó sẽ làm tăng tích lũy thuốc và tăng tác dụng không mong muốn của albendazol. Vì thế, cần thận trọng khi dùng albendazol cho những người có rối loạn chức năng gan.

Trong quá trình điều trị, cần thận trọng theo dõi chức năng gan và đếm huyết cầu. Thuốc có tác hại đối với thai nhi, do đó cần loại trừ khả năng mang thai 1 tháng trước khi bắt đầu điều trị liều cao và dài ngày. Thuốc tương tác bất lợi với thuốc tránh thai, do đó cần sử dụng biện pháp tránh thai không dùng thuốc nội tiết trong và sau khi dùng thuốc một tháng.

+ Corticoid: Thường được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn tại não để giảm viêm nhiễm, phù nề và giảm bớt triệu chứng đau đầu, nôn mửa do tăng áp lực nội sọ. Ngoài ra, corticoid cũng được phối hợp cùng thuốc kháng ký sinh trùng nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến các mô ngoài ruột.

Phẫu thuật lấy ấu trùng ra ngoài được chỉ định nếu kích thước ấu trùng sán dây quá lớn gây chèn ép mạnh vào nhu mô não.

Nấu chín thức ăn đển phòng ngừa bệnh ấu trùng sán lợn

Nấu chín thức ăn đển phòng ngừa bệnh ấu trùng sán lợn

2. Lưu ý khi điều trị bệnh ấu trùng sán lợn

- Quá trình điều trị và dùng thuốc, bệnh nhân phải tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, cách dùng.

- Nhiễm ấu trùng sán lợn ở mỗi vị trí khác nhau sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, do đó, cần hết sức thận trọng khi dùng bất cứ một thuốc diệt ấu trùng sán lợn nào, ngay cả khi bệnh nhân đã được dùng corticoid cũng có thể gây tổn thương không hồi phục khi điều trị các nang ở mắt hoặc tủy sống. Do đó, trước khi điều trị bệnh ấu trùng sán lợn ở mô thần kinh, người bệnh cần được khám để loại trừ tổn thương võng mạc.

- Nếu người bệnh bị u nang đe dọa đến tính mạng đã phát triển trong các cơ quan quan trọng như phổi hoặc gan, có thể phải phẫu thuật. Bác sĩ có thể tiêm thuốc vào u nang để tiêu diệt ấu trùng trước khi loại bỏ u nang.

- Nếu nang ấu trùng gây ra các biến chứng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cần sử dụng thuốc để quản lý các triệu chứng, như thuốc chống động kinh nếu bệnh nhân có triệu chứng động kinh.

- Tẩy giun sán: Cần dùng thuốc tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần thận trọng do thuốc tẩy giun có thể dẫn đến viêm tạm thời và gia tăng các triệu chứng của nhiễm ấu trùng thần kinh trung ương. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kèm với thuốc kháng viêm.

Trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn mà các u nang không gây ra bất cứ triệu chứng nào, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi sát các triệu chứng. Ấu trùng có thể sẽ sống hết tuổi thọ và chết sau một vài năm.

Trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn gây ra các biến chứng, việc tuân thủ điều trị là cần thiết để hạn chế diễn tiến bệnh. Tuân thủ điều trị sẽ giúp giảm các triệu chứng, bao gồm việc loại bỏ các nang ấu trùng, từ đó có thể giúp hạn chế các tổn thương không hồi phục liên quan.

Mời độc giả xem thêm:

ThS.Nguyễn Thu Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-nhiem-au-trung-san-lon-169240628164300692.htm
Zalo