Các nhà đầu tư cần phải để mắt đến Ukraine

Cuộc xung đột Ukraine được coi là rủi ro địa chính trị lớn nhất năm 2024 với chi phí tái thiết dự kiến gần 500 tỷ USD đang tạo sóng trên thị trường toàn cầu.

Cuộc chiến tại Ukraine được đánh giá là rủi ro địa chính trị lớn nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu trong năm tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như vẫn lúng túng trong việc định hình chiến lược để đối phó với những kịch bản có thể xảy ra.

 Hình minh họa mối liên kết giữa thị trường và Ukraine. Ảnh: GMK

Hình minh họa mối liên kết giữa thị trường và Ukraine. Ảnh: GMK

Rủi ro với các nhà đầu tư không chỉ đến từ việc thị trường sụt giảm mà còn từ việc bỏ lỡ các cơ hội lớn. Một sự phục hồi mạnh mẽ của một thị trường nào đó, nếu không kịp thời nắm bắt, có thể gây tổn thất không kém việc phải chịu thua lỗ. Vì vậy, thời điểm này là lúc các nhà quản lý tài sản cần bắt đầu suy nghĩ về cách ứng phó nếu hòa bình bất ngờ được thiết lập tại Ukraine.

Dù viễn cảnh hòa bình vẫn còn xa vời, một số yếu tố cho thấy cần có sự chuẩn bị trước. Gần đây, các hoạt động ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại Syria.

Đồng thời, Tổng thống Donald Trump, trong các tuyên bố gần đây, đã nhiều lần bày tỏ mong muốn cắt giảm hỗ trợ dành cho Ukraine khi ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới. Nếu những tuyên bố này được thực hiện, điều đó có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, hoặc ít nhất là các cuộc thảo luận ban đầu, vào năm tới.

Cũng cần lưu ý rằng tình hình địa chính trị có thể thay đổi rất nhanh. Hai tuần vừa qua là minh chứng rõ ràng: từ tình trạng thiết quân luật tại Hàn Quốc đến các biến động lớn tại Syria. Đây đều là những diễn biến mà ngay cả các chuyên gia hàng đầu về chính trị thế giới cũng khó lường trước.

Mối liên hệ giữa địa chính trị và thị trường tài chính thường mang tính chất thực dụng. Chẳng hạn, các nhà quản lý quỹ có thể quan tâm về mặt cá nhân đến những sự kiện tại Gaza từ cuối năm 2023, nhưng đây không phải là yếu tố gây tác động lớn đến thị trường toàn cầu. Giá dầu năm nay có lúc tăng đột biến, nhưng phần lớn nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý quan sát từ bên ngoài mà không quá lo ngại về ảnh hưởng lên danh mục đầu tư của mình.

Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine là câu chuyện khác. Một giải pháp hòa bình không chỉ giúp gỡ bỏ bóng đen đang bao trùm lên cổ phiếu châu Âu, mà còn có thể tạo động lực lớn cho thị trường nhờ kỳ vọng vào một làn sóng chi tiêu tái thiết quy mô lớn. Điều này càng trở nên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh tâm lý của các nhà đầu tư về châu Âu hiện đang rất tiêu cực.

Chủ đề về sự vượt trội của kinh tế Mỹ đang thống trị các câu chuyện đầu tư, khiến các thị trường khác khó có cơ hội nổi bật. Nếu hòa bình được thiết lập hoặc xuất hiện tín hiệu rõ ràng về khả năng này, nhiều nhà quản lý quỹ có thể phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư, gây biến động lớn trên thị trường.

Ông Michael Kelly, Giám đốc đa tài sản tại PineBridge Investments, nhận định rằng ngay cả khi không tính đến yếu tố Tổng thống Donald Trump, việc đặt cược lớn vào cổ phiếu Mỹ so với các khu vực khác, bao gồm cả châu Âu, vẫn là chiến lược hợp lý. Mỹ hiện đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ, đồng thời dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo.

Tuy vậy, nếu hòa bình được thiết lập tại Ukraine, châu Âu có thể bứt phá mạnh mẽ, khiến các nhà đầu tư Mỹ phải đối mặt với một tình thế khó khăn.

Một yếu tố phức tạp khác là định nghĩa về “hòa bình” hoặc “thỏa thuận” có thể khác nhau đối với từng nhóm lợi ích. Một lệnh ngừng bắn, dù tích cực, vẫn chưa thể mở ra ngay lập tức con đường tái thiết.

Nhưng lệnh ngừng bắn xảy ra, các công ty xây dựng và kỹ thuật tại châu Âu có thể hưởng lợi lớn. Theo Liên Hợp Quốc, chi phí tái thiết Ukraine trong vòng một thập kỷ tới có thể lên tới gần 500 tỷ USD - con số đủ để tạo cú hích đáng kể cho kinh tế châu Âu.

Dẫu vậy, một số nhà đầu tư vẫn chọn cách đứng ngoài làn sóng này, chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường trước khi ra quyết định. “Có thể sẽ là năm tới, hoặc cũng có thể là năm 2026. Vậy bạn sẵn sàng đặt cược bao nhiêu?” bà Lori Heinel, Giám đốc đầu tư tại State Street Global Advisors, đặt câu hỏi.

Điều rõ ràng là cơ hội từ tái thiết Ukraine là một yếu tố tiềm năng lớn, nhưng hiện vẫn bị đánh giá thấp trong các chiến lược đầu tư vào thị trường châu Âu.

Dũng Phan (Theo Financial Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nha-dau-tu-can-phai-de-mat-den-ukraine-post325166.html
Zalo