Các nguy cơ đe dọa sự ổn định ở châu Phi

Các khu vực từ Tây Phi, Ðông Phi cho tới miền nam châu Phi đều phải đối mặt khó khăn kinh tế và mối đe dọa an ninh.

Xung đột ở Sudan khiến nhiều người phải chạy trốn sang các trại tị nạn ở Chad. (Ảnh AP)

Xung đột ở Sudan khiến nhiều người phải chạy trốn sang các trại tị nạn ở Chad. (Ảnh AP)

Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu lục, hiện đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng kinh tế, từ việc tái cơ cấu tiền tệ thất bại cho đến việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu và thả nổi tiền tệ. Quốc gia Tây Phi này rơi vào tình trạng lạm phát tăng vọt và khủng hoảng tiền tệ với những hậu quả sâu rộng.

Tháng 6/2023, việc Nigeria loại bỏ trợ cấp nhiên liệu trị giá 10 tỷ USD, cao gấp 4 lần số tiền chi cho y tế, đã kéo theo những ảnh hưởng sâu rộng. Hầu hết các khoản trợ cấp này không có mục tiêu rõ ràng và có xu hướng mang lại lợi ích cho các bộ phận dân cư giàu có.

Ngoài ra, một lượng nhiên liệu đáng kể đã bị buôn lậu ra khỏi đất nước, khuyến khích hành vi trục lợi của một số ít cá nhân và trợ cấp cho người tiêu dùng (hoặc nhà phân phối) ở các quốc gia lân cận.

Trong khi đó, một quốc gia Tây Phi khác là Ghana cũng lâm vào cảnh nợ nần, nợ công không bền vững mà theo WB, tốc độ tăng trưởng của nước này vốn đã giảm xuống còn khoảng 2,9% vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục suy yếu trong năm nay.

Chính phủ Ghana phải bắt tay vào kế hoạch tái cơ cấu nợ toàn diện, thúc đẩy chương trình củng cố tài khóa quan trọng, thực hiện các cải cách nhằm khôi phục ổn định và khả năng phục hồi kinh tế. Những nỗ lực này được IMF hỗ trợ thông qua chương trình Cơ sở tín dụng mở rộng trị giá khoảng 3 tỷ USD. WB đánh giá việc đưa mức tăng trưởng trở lại mức tiềm năng là 5% sẽ đòi hỏi sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Ðông Phi, Nam Sudan cũng phải đối mặt tình trạng suy thoái kinh tế khiến hơn 8 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong khi nguồn thu chính của quốc gia là dầu mỏ đang sụt giảm do các giếng cạn kiệt và xung đột quân sự ở nước láng giềng Sudan.

Những hậu quả hậu xung đột, ảnh hưởng từ lũ lụt nghiêm trọng liên tiếp trong bốn năm, tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 vẫn tác động nặng nề tới Nam Sudan. Tại nước láng giềng Sudan, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra bất ổn kinh tế trên toàn khu vực, khiến cuộc khủng hoảng nạn đói ngày càng trầm trọng hơn.

Giá thực phẩm ở Sudan cao hơn 73% so với năm 2023, cao hơn 350% so với mức trung bình 5 năm và thực tế càng trở nên trầm trọng hơn do đồng tiền mất giá. Những hiệu ứng lan tỏa từ Sudan xuất hiện rõ ràng ở Nam Sudan và Chad, nơi thương mại bị gián đoạn và sự di dời dân số lớn đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và làm gia tăng nạn đói.

Tại miền nam châu Phi, Zambia cũng đang vật lộn với thỏa thuận tái cơ cấu nợ với các chủ sở hữu trái phiếu quốc tế. Ðây là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi không thể thanh toán 42,5 triệu USD cho những trái phiếu quốc tế của mình vào tháng 11/2020.

Tháng 3 vừa qua, Zambia đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ về nguyên tắc với các trái chủ quốc tế, đưa nước này gần hoàn tất một quá trình phức tạp kéo dài hơn ba năm. Các quốc gia khác tại châu Phi cũng đang phải đối mặt những thách thức kinh tế là Ai Cập, Somalia và Nam Phi.

Trong khi đó, sự lây lan của khủng bố và bạo lực cực đoan ở các khu vực của châu Phi gây ra mối đe dọa đáng kể cho hòa bình, an ninh và sự ổn định của châu lục. Mối đe dọa khủng bố ở châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do buôn bán vũ khí bất hợp pháp, thất nghiệp, nghèo đói, thiếu chính sách và bất ổn chính trị. Bạo lực khủng bố đã cản trở tiến trình đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU).

Tại Hội nghị thượng đỉnh chống khủng bố ở châu Phi, diễn ra tại thủ đô Abuja của Nigeria vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tập trung tìm biện pháp đối phó mối đe dọa khủng bố. Với chủ đề "Tăng cường hợp tác khu vực và xây dựng thể chế để giải quyết mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng ở châu Phi", Hội nghị Abuja đã ra Tuyên bố nhấn mạnh mong muốn của AU. Theo đó, các nhà lãnh đạo châu Phi nêu rõ, hoạt động ngày càng tăng của các nhóm khủng bố và mức độ nguy hiểm của chúng, đặc biệt là ở các khu vực Trung Phi, Ðông Phi, Bắc Phi, Tây Phi và Sahel, đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở các khu vực này.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng lên án các mối đe dọa khủng bố đang ngày một tăng nhằm vào các mục tiêu dễ bị tổn thương, trong đó có cơ sở hạ tầng quan trọng và các địa điểm công cộng.

Các nhà lãnh đạo châu Phi tái khẳng định cam kết chung trong việc tăng cường an ninh, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức an ninh mà châu Phi đang đối mặt. Ðây là nhân tố chính gây bất ổn tình hình khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế của châu lục, khiến châu Phi khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn xung đột-đói nghèo.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cac-nguy-co-de-doa-su-on-dinh-o-chau-phi-214502.html
Zalo