Các động thái của EU khi gần đến hạn chót hoãn thuế của Tổng thống Trump

Ở thời điểm Ủy viên phụ trách thương mại và an ninh kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic lên đường đến Mỹ, toàn khối đã sẵn sàng chấp nhận mức thuế cơ bản 10% để giảm gánh nặng trước mắt.

Ủy viên phụ trách thương mại và an ninh kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh tư liệu: PAP/TTXVN

Ủy viên phụ trách thương mại và an ninh kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh tư liệu: PAP/TTXVN

Theo lịch trình làm việc tại Mỹ, ông Sefcovic dự kiến có vòng đàm phán quan trọng vào ngày 3/7 với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Ông dự kiến sẽ tóm tắt kết quả đàm phán cho các nước EU vào ngày hôm sau.

Trong vòng đàm phán có khả năng mang tính quyết định này, ông Sefcovic sẽ gửi tín hiệu rằng EU vẫn hy vọng có thể được giảm mức thuế cơ sở 10% mà Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với hầu hết các đối tác thương mại. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Politico, trong một số điều kiện nhất định, EU có thể chấp nhận mức thuế 10%.

Nguồn thạo tin của tờ Politico (Mỹ) tiết lộ rằng khung sơ bộ của một thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ đang dần thành hình. Thỏa thuận này sẽ bao gồm mức thuế cơ bản 10% của Mỹ kèm mức giảm nhẹ cho các ngành cụ thể và cam kết trước mắt từ phía Mỹ về việc nới lỏng thuế quan.

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố loạt mức thuế đối ứng áp dụng với nhiều đối tác thương mại, nhưng đã tạm hoãn thực thi đối với nhiều nước trong vòng 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho đàm phán. Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump cho biết rằng thỏa thuận với hàng chục đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ dự kiến sẽ được hoàn tất trước thời hạn ngày 9/7.

Theo các nhà ngoại giao, khi đồng hồ đếm ngược đến thời hạn chót, EU đang nỗ lực vận động để đảm bảo phía Mỹ cam kết miễn giảm thuế quan ngay từ đầu, tại thời điểm đạt thỏa thuận về nguyên tắc.

Điều này sẽ giống với thỏa thuận đã được Anh ký kết với Mỹ trong đó có điều khoản miễn thuế về xuất khẩu ô tô và thép trong khi đàm phán về thỏa thuận toàn diện vẫn tiếp diễn. Một số quốc gia thành viên bày tỏ ý kiến với Ủy ban châu Âu rằng nếu không có điều khoản giảm thuế như vậy, sẽ không có thỏa thuận nào. Nói cách khác, các quốc gia này muốn Mỹ phải nhượng bộ nếu EU chấp nhận mức thuế cơ sở 10%.

EU cũng đang hướng đến mức thuế thấp hơn cho các ngành chủ chốt, trong đó có dược phẩm, chất bán dẫn, rượu và máy bay thương mại, như Thủ tướng Đức Friedrich Merz mong muốn. Tuy nhiên, cơ hội để điều này xảy ra là khá nhỏ.

Ngoài ra, EU vẫn hy vọng có thể thương lượng để Mỹ giảm mức thuế 25% đối với ô tô và 50% đối với thép và nhôm. Khả năng nhượng bộ về thép là cao nhất. Nguồn tin của Politico nhận xét ý tưởng này sẽ tạo “vành đai bảo vệ" xung quanh EU và Mỹ đối phó với tình trạng sản xuất quá mức của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 1/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 1/7. Ảnh: THX/TTXVN

EU đang cân nhắc 4 kịch bản có thể xảy ra. Trong đó, kịch bản tệ nhất là đàm phán đổ vỡ hoàn toàn, khiến Mỹ quyết tăng mức thuế cơ bản 10% lên 50% và áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng như dược phẩm và chất bán dẫn. Kịch bản khả quan hơn là tiếp tục đàm phán trong những tháng mùa hè và trong khoảng thời gian này, các mức thuế hiện tại vẫn có hiệu lực.

Các nhà ngoại giao cho rằng khó có khả năng đàm phán đổ vỡ hoàn toàn. Một số dự đoán nếu EU và Mỹ không đạt được thỏa thuận vào ngày 8/7, đàm phán có khả năng sẽ tiếp diễn. Các nước thành viên EU đang cố gắng hết sức để thể hiện đoàn kết và ủng hộ mục tiêu của ban điều hành EU là ký kết được thỏa thuận với Tổng thống Trump.

Đức và Italy nằm trong nhóm những quốc gia ủng hộ nhiệt thành nhất cho một thỏa thuận nhanh chóng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải nhượng bộ nhiều hơn. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni trong tháng 6 nhận định mức thuế quan 10% của Mỹ "không thực sự có tác động đến chúng tôi".

Những nước khác, như Tây Ban Nha, đã đối mặt với thực tế nguy hiểm do ông Trump phản đối mạnh mẽ. Tuần trước, Tổng thống Trump cảnh cáo áp dụng mức thuế quan mới đối với Tây Ban Nha sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez từ chối tăng chi tiêu quốc phòng theo các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác. Tuy nhiên, điều này sẽ khó khả thi bởi 27 thành viên của EU hoạt động như một khối thương mại.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-dong-thai-cua-eu-khi-gan-den-han-chot-hoan-thue-cua-tong-thong-trump-20250702203956445.htm
Zalo