Các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách thích nghi
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu tác động mạnh mẽ từ các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, các DN trên khắp thế giới phải chạy đua để thích nghi với một môi trường thương mại đầy biến động. Từ việc áp dụng 'kỹ thuật thuế quan' (tariff engineering) để lách thuế đến việc đàm phán lại hợp đồng với nhà cung cấp, giới DN toàn cầu đang đối mặt với một thực tế mới: hoặc là thích nghi, hoặc là chịu thiệt hại nặng nề.
Tái định hình chuỗi cung ứng
Nhiều công ty lớn như Conagra Brands, Nike và Fastenal đang đối mặt với chi phí tăng cao cùng các gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Conagra, tập đoàn sở hữu các thương hiệu như cà chua đóng hộp Hunt’s hay kem tươi Reddi-wip, phải tăng giá các sản phẩm đóng hộp do chi phí thép tấm nhập khẩu tăng cao vì thuế quan.
Nike dự kiến chi thêm 1 tỷ USD cho thuế nhập khẩu trong năm nay và đang lên kế hoạch tăng giá “có chọn lọc” vào mùa Thu. Trong khi đó, Fastenal phải chia nhỏ lô hàng nhập khẩu sang Canada và Mỹ để giảm chi phí, dù điều này làm tăng độ phức tạp và chi phí cho chuỗi cung ứng.
Các ngành công nghiệp như thép, nhôm và bán dẫn cũng nằm trong tầm ngắm của các mức thuế theo ngành, với thép và nhôm phải chịu mức thuế lên tới 50%. Những con số này không chỉ là thách thức tài chính mà còn buộc các công ty phải xem xét lại toàn bộ mô hình kinh doanh của mình.
Để đối phó, nhiều DN đang áp dụng một quy trình 3 bước: lập bản đồ các nhà cung cấp thượng nguồn, định lượng tác động tài chính của thuế quan và triển khai các chiến lược giảm thiểu. Chẳng hạn, việc xác định các nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp giúp các công ty hiểu rõ hơn về dòng chảy thương mại và các điểm dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng.
Việc ứng dụng Sentrisk, nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin chi tiết về chuỗi giá trị, giúp DN biến những “điểm mù” thành cơ hội hành động. Bên cạnh đó, một số công ty như Hewlett Packard đã chủ động chuyển hướng sản xuất sang các quốc gia ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan như Thái Lan, Việt Nam hay Mexico để giảm thiểu rủi ro từ các mức thuế mới.
Áp dụng "kỹ thuật thuế quan"
Trong bối cảnh áp lực thuế quan gia tăng, một chiến lược nổi bật mà các DN đang áp dụng là “tariff engineering” - một thủ thuật thiết kế hoặc điều chỉnh sản phẩm để đủ điều kiện hưởng mức thuế thấp hơn mà vẫn tuân thủ luật pháp.
Hãng hàng không Delta là một ví dụ điển hình. Để tránh mức thuế 10% áp lên máy bay sản xuất tại châu Âu, Delta đã tháo động cơ do Mỹ sản xuất từ các máy bay Airbus A321neo ở châu Âu và vận chuyển riêng chúng về Mỹ, qua đó tránh được thuế nhập khẩu đối với toàn bộ máy bay. Chiến lược này không chỉ giúp Delta tiết kiệm chi phí mà còn thể hiện sự sáng tạo trong việc đối phó với chính sách thuế quan.

Cảng Santos ở São Paulo, Brazil, cảng thương mại lớn nhất khu vực Mỹ-Latin, sẽ có nhiều thay đổi nếu mức thuế 50% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ có hiệu lực theo kế hoạch sau ngày 1/8. Ảnh: EPA
Tariff engineering không phải là một khái niệm mới. Từ thế kỷ XIX, các DN đã áp dụng phương thức này thông qua việc tận dụng các kẽ hở trong luật thuế. Năm 1881, một nhà nhập khẩu đường đã phủ molasses lên đường trắng để làm tối màu, qua đó được phân loại là đường chất lượng thấp và chịu mức thuế thấp hơn. Tòa án Tối cao Mỹ khi đó đã phán quyết rằng miễn là hàng hóa được khai báo trung thực, việc thay đổi sản phẩm để hưởng thuế thấp hơn là hợp pháp.
Ngày nay, các công ty như Columbia Sportswear hay Converse tiếp tục áp dụng chiến lược trên. Columbia đã thêm các túi khóa kéo nhỏ vào các sản phẩm áo mặc để chuyển chúng sang danh mục hàng chịu mức thuế thấp hơn, trong khi Converse sử dụng đế lông để biến giày thể thao thành “dép đi trong nhà”, qua đó giảm đáng kể chi phí thuế.
Tuy nhiên, tariff engineering không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ford đã phải trả giá đắt khi cố gắng lách thuế 25% áp lên xe tải nhập khẩu bằng cách lắp ghế tạm thời vào các xe tải Transit Connect để phân loại chúng là xe chở khách với mức thuế chỉ 2,5%, Chiêu lách thuế này bị Hải quan Mỹ phát hiện và hãng bị phạt 365 triệu USD vào năm 2024.
Ngoài việc thay đổi thiết kế sản phẩm, các công ty còn sử dụng các kho ngoại quan để tạm hoãn nộp thuế. Hàng hóa có thể được lưu trữ trong các kho này tới 5 năm mà không phải chịu thuế, nhờ đó cho phép DN chờ thời điểm thuế suất giảm hoặc điều chỉnh chiến lược nhập khẩu.
Nhu cầu sử dụng kho ngoại quan đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, đặc biệt đối với hàng hóa từ Trung Quốc, khi các công ty tìm cách giảm thiểu tác động tài chính từ thuế quan của Mỹ.
Thích nghi hay tụt hậu
Sự bất ổn từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump không chỉ ảnh hưởng đến các DN mà còn làm thay đổi cục diện thương mại toàn cầu. Những đồng minh thân cận của Mỹ như EU đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường khác, như khối Arab hay khối Mercosur ở Nam Mỹ, để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Các DN lớn, đặc biệt là những công ty có doanh thu trên 10 tỷ USD, đang dự báo những tác động tiêu cực gần như chắc chắn từ thuế quan. Theo một báo cáo của tổ chức PYMNTS Intelligence, 80% các công ty lớn cho rằng thuế quan sẽ gây ra chi phí tái cấu trúc chuỗi cung ứng, thiếu hụt sản phẩm và khó khăn trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy cơ hội trong việc hỗ trợ kinh tế địa phương và tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng. Để ứng phó, các công ty lớn đang cắt giảm chi phí hoạt động, đàm phán lại giá với nhà cung cấp và áp dụng chiến lược tồn kho “đúng lúc”. Trong khi đó, các DN nhỏ hơn lại tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng để biện minh cho việc tăng giá sản phẩm.
Dù bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, các DN không thể chỉ ngồi yên chờ đợi sự rõ ràng từ các cuộc đàm phán thương mại. Việc lập kế hoạch mang tính dài hạn, từ việc dự đoán các mức thuế mới đến việc chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất, đã trở thành yếu tố sống còn.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại vẫn tiếp diễn, một thông điệp đang hiện lên rõ ràng: thích nghi hoặc bị tụt hậu. Những công ty chủ động điều chỉnh chuỗi cung ứng, tận dụng các kẽ hở thuế quan hợp pháp và liên tục đánh giá lại chiến lược của mình sẽ có cơ hội vượt qua cơn bão thuế quan và định vị bản thân để phát triển trong một thế giới thương mại đầy bất định.