Các địa phương đang ở thời điểm lựa chọn chiến lược phát triển
Các vùng tăng trưởng của đất nước đang trong thời cơ hiếm có để xoay chuyển tình thế, tạo gia tốc mới trong phát triển. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (CIEM) khẳng định sau khi 34 tỉnh, thành phố chính thức đi vào vận hành.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (CIEM) . Ảnh: Chí Cường
Thưa ông, 34 tỉnh, thành phố đã chính thức đi vào vận hành với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng nghĩa các vùng động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang đứng trước những thay đổi rất lớn?
Tôi muốn nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm rằng, đây không chỉ là một sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình mang tính chiến lược - một đòi hỏi tất yếu, khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Với 34 địa phương nói riêng, cả nền kinh tế nói chung đang đứng trước thời cơ phát triển hiếm có, song cũng đầy thách thức.
Ví dụ với TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, việc hợp nhất không gian của ba địa phương, vốn là ba cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không đơn thuần là sự cộng gộp, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, nhằm hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới.
Đây là điều chúng ta đã kỳ vọng ở TP.HCM suốt nhiều năm và giờ tôi tin, Thành phố có điểm tựa để trở lại vị thế đầu tàu - đầu máy hiện đại, tốc độ cao của cả nước.
Chúng ta đều thấy TP.HCM đang giữ vị trí số 1 cả nước về quy mô kinh tế tính theo GRDP, vượt rất xa so với Hà Nội và Hải Phòng. Đó là lợi thế rất lớn của TP.HCM sau sáp nhập?
Nhưng chúng ta không quên, tăng trưởng GRDP của TP.HCM trước sáp nhập đã có xu hướng giảm. Từ mức 6,7% trong giai đoạn 2011-2015, xuống còn 5% trong giai đoạn 2016-2020. Trong 4 năm (2021-2024), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,85%, thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân cả nước là 5,66% và cách rất xa mục tiêu 7,5-8% đặt ra cho giai đoạn 2021-2025. Có nhiều nguyên nhân, như nguồn vốn đầu tư suy giảm, phân bổ sai lệch, hiệu quả đầu tư chưa cải thiện...
Tuy cần nghiên cứu sâu hơn, nhưng tôi cho rằng, TP.HCM đã nắm trong tay “chìa khóa vàng” để xoay chuyển tình thế.
Một là, sức ép phải chuyển đổi - thay đổi từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Sức ép này thôi thúc mạnh mẽ chưa từng thấy cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng (dựa trên nhân công rẻ, tài nguyên rẻ, môi trường rẻ, định hướng xuất khẩu) sang dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thậm chí, sức ép chuyển đổi này ở thế “bây giờ hoặc không bao giờ”.
Hai là, áp lực nói trên đến trong điều kiện thể chế thuận lợi chưa từng có. Quá trình cải cách thể chế đang theo hướng tháo gỡ “điểm nghẽn của các điểm nghẽn”, xóa bỏ tư duy, rào cản đối với phát triển; mở rộng không gian và quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Hơn thế, với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; cơ chế phân cấp đầy đủ, theo đúng nguyên tắc “địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm”, TP.HCM sẽ có điều kiện huy động tối đa nguồn lực, phát huy năng lực, tận dụng tiềm năng và “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”...
Có thể hình dung cơ cấu kinh tế sau khi hợp nhất giữa Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM có sự bổ sung cho nhau. Các ngành dịch vụ ở TP.HCM phát triển hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, đủ sức bù đắp phần thiếu hụt cho Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngược lại, hai địa phương này sẽ nhận chuyển dịch các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nội đô TP.HCM - vốn hình thành từ những năm đầu Đổi mới, cần thay đổi công năng... Tương tự, hệ thống cầu cảng, cảng hàng hóa ở nội đô TP.HCM cũng cần di dời, dịch chuyển, nhường chỗ cho không gian trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Như vậy, TP.HCM sẽ giải được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực, bắt tay vào thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Quan trọng là, TP.HCM sẽ quay lại làm đầu tàu tốc độ cao, bền vững và hiện đại của cả nước. Các địa phương khác cũng vậy, sẽ tìm được gia tốc mới từ mô hình tăng trưởng mới.
Có thể kể đến Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng mà Quốc hội vừa thông qua, thưa ông?
Với các thế mạnh sẵn có, cộng thêm ưu thế từ nghị quyết này và có thêm Hải Dương, Hải Phòng có năng lực cạnh tranh vượt trội so với phần lớn các địa phương. Đây là hai địa phương có thứ hạng cao trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, Hải Phòng thứ nhất và Hải Dương thứ tư.
Hơn thế, Hải Phòng là một trong 5 địa phương được giao mục tiêu tăng trưởng cao nhất cả nước trong năm 2025 (12,5%), đồng thời tự đặt ra mức phấn đấu cho giai đoạn 2026-2030 là 15-16%.
Đây là mục tiêu rất cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của chính quyền, nhưng rất có cơ sở khi phân tích lợi thế “độc quyền” của thành phố này. Đó là cảng Hải Phòng với “hậu phương công nghiệp” rộng lớn và tiềm năng là cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mở rộng ra toàn bộ miền Bắc. Trong xu thế phát triển kinh tế mở, sự đồng bộ của hệ thống giao thông kết nối, không gian hậu phương này có thể kéo tới Tây Nam Trung Quốc, trực tiếp là Quảng Tây và Vân Nam. Một trung tâm logistics lớn với hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không đang dần hình thành.
Tất nhiên, thách thức không nhỏ, nhất là khi tỷ lệ đô thị hóa của Hải Phòng còn thấp so với nhiều địa phương khác. Đây là lúc Hải Phòng cần định vị một diện mạo mới, không chỉ là nơi đầu tư và phát triển năng động, mà còn là nơi đáng sống, với các khu đô thị đa dạng, trường quốc tế, bệnh viện chất lượng cao để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng trong và ngoài nước đến làm việc và sinh sống lâu dài…
Hay như Đà Nẵng mới, sẽ vẫn là nơi đáng sống, nhưng đang có không gian và cơ hội phát triển, khác biệt nhiều so với trước.
Đà Nẵng cũng có cơ chế, chính sách đặc thù...?
Cơ chế này cộng với không gian mới cho phép Thành phố bố trí lại và cơ cấu các khu chức năng theo hướng kết nối, hợp tác, bổ trợ lẫn nhau. Ví dụ như phát triển theo hành lang kinh tế Đà Nẵng - Tam Kỳ, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả tài nguyên hiện có, xây dựng một cấu trúc phát triển mới cho tương lai.
Khi đó, Đà Nẵng có nhiều lợi thế riêng có, như có 2 cảng biển nước sâu, 2 sân bay, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghệ cao, Khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế; có 2 di sản thế giới (phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn), có sâm Ngọc Linh và bờ biển dài hơn 200 km… Tất nhiên, thách thức không nhỏ khi nhu cầu phát triển đòi hỏi Đà Nẵng cần huy động nguồn lực, nhất là vốn đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách quốc gia và địa phương còn hạn chế.
Một vài ví dụ để thấy các địa phương đều đang ở thời điểm lựa chọn chiến lược phát triển, kể cả nơi không sáp nhập, cần nhận diện rất rõ cơ hội, thách thức…
Một bệ đỡ quan trọng phải nhắc đến, đó là việc thực hiện rốt ráo “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị, thưa ông?
Những điều kiện thuận lợi này là chưa từng có, là tiền đề để chính quyền địa phương và doanh nghiệp tự tin huy động tối đa nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển.
Nhưng yếu tố quyết định vẫn là thực thi. Điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức thực hiện và cả tinh thần dấn thân của đội ngũ lãnh đạo và công chức các cấp.
Đặc biệt, vai trò người đứng đầu rất quan trọng, nhất là khi nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, nhưng phải hành động quyết liệt, khoa học, đảm bảo thông suốt.