Các cuộc đàm phán thuế quan sẽ thế nào sau ngày 9-7

Ngày 9-7-2025 đang trở thành điểm nóng của thương mại toàn cầu khi Mỹ chuẩn bị tái áp dụng các mức thuế quan cao đối với hàng loạt quốc gia. Sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán đang khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều yếu tố bất định.

Thời hạn 9-7-2025 và những tín hiệu trái ngược từ Chính phủ Mỹ

Trong cuộc phỏng vấn phát ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế đối với hầu hết các nước sau ngày 9-7. “Tôi không nghĩ mình sẽ cần phải làm vậy” - ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News.

Ông cho biết phía Mỹ sẽ gửi thư thông báo tới các đối tác thương mại “khá sớm” trước hạn chót. Trong thư, ông Trump dự kiến sẽ thông báo mức thuế từ 20-50% tùy từng quốc gia, đặc biệt là với các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, thép, nhôm, chip, dược phẩm và máy bay dân dụng.

Đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump còn đột ngột tuyên bố trên mạng xã hội rằng ông sẽ chấm dứt đàm phán thương mại với Canada vì thuế dịch vụ số của nước này và đe dọa sẽ áp dụng mức thuế quan mới trong vòng một tuần với đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ.

Những tín hiệu khác nhau cũng được gửi đi từ giới chức Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với Bloomberg Television rằng sẽ có “một số thỏa thuận hàng đầu” với các nền kinh tế lớn trước thời hạn tháng 7, trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, nếu Mỹ có thể ký kết được khoảng 10-12 thỏa thuận quan trọng trong số 18 đối tác chính, việc hoàn tất các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến đầu tháng 9. Điều này sẽ cho phép các nước thể hiện thiện chí trong đàm phán có thêm thời gian thương lượng, và không phải chịu mức thuế cao ngay lập tức.

Các cuộc đàm phán vẫn còn dang dở

Tiến độ đàm phán giữa Mỹ và các đối tác thương mại vẫn diễn ra chậm chạp. Hiện, Mỹ mới chỉ đạt được hai thỏa thuận lớn, bao gồm thỏa thuận với Anh và một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Đối với hơn 200 quốc gia khác, việc đàm phán vẫn đang được tiến hành, với nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ.

Đối với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, việc đạt được một thỏa thuận toàn diện là vô cùng phức tạp và cần nhiều thời gian. Cả hai bên đều bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận trước ngày 9-7, nhưng trên thực tế, các cuộc đàm phán vẫn còn nhiều bất đồng. Một số nước thành viên EU, như Pháp, kiên quyết phản đối thỏa thuận bất bình đẳng, trong khi nhiều nước khác muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận để tránh leo thang thuế quan lên tới 50%, dẫn đến các thiệt hại kinh tế.

Với Nhật Bản, điểm nóng đàm phán là mức thuế 25% mà Mỹ áp dụng đối với ngành ô tô, vốn đóng góp tới 10% GDP của Nhật Bản. Tokyo coi đây là mức thuế không thể chấp nhận được, trong khi Washington vẫn kiên quyết giữ vững lập trường vì cho rằng đây là lĩnh vực chủ chốt gây ra thâm hụt thương mại với Nhật Bản.

Mỹ cũng đang đẩy nhanh đàm phán với Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Ấn Độ được đánh giá là đối tác có khả năng sớm đạt được thỏa thuận, sau khi các đoàn đàm phán đã gặp gỡ tại Washington hồi tuần trước. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều khúc mắc, nhất là về hạn ngạch thép, nhôm và nông sản.

Trong khi đó, thỏa thuận với Trung Quốc, dù đã được ký kết, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, như việc Trung Quốc xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ. Thỏa thuận với Anh cũng còn tồn tại nhiều điểm chưa rõ ràng, nhất là về hạn ngạch thép, nhôm.

Kinh tế toàn cầu thận trọng trước các kịch bản thuế quan

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thuế quan diễn ra chậm chạp và nhiều bất ổn, thị trường tài chính toàn cầu đã phần nào thích nghi với tình hình mới. Chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới vào cuối tuần trước, phản ánh sự lạc quan của giới đầu tư về khả năng phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, bên dưới bề mặt ổn định đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Giới doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ việc giá cả tăng cao do thuế quan. Nhiều công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm nguồn cung thay thế và chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản xấu nhất.

Các quốc gia đối tác của Mỹ cũng đang tích cực chuẩn bị các biện pháp ứng phó nếu không đạt được thỏa thuận, nhằm bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp trong nước.

Với EU, việc chuẩn bị các biện pháp trả đũa đã được triển khai từ sớm, với danh sách hàng hóa Mỹ bị áp thuế lên tới 21 tỉ euro, tập trung vào các mặt hàng nông sản, gia cầm, xe máy và các sản phẩm công nghiệp nhạy cảm. Ngoài ra, EU cũng đã chuẩn bị sẵn một danh sách hàng hóa trị giá 95 tỉ euro khác để phòng trường hợp Mỹ áp thuế cao hơn.

Một nền kinh tế lớn khác là Canada hôm 29-6 đã rút lại thuế dịch vụ kỹ thuật số, với kỳ vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện cùng có lợi với Mỹ. Đây được coi là sự nhượng bộ đáng kể của Ottawa sau tuyên bố ngừng đàm phán thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, các nền kinh tế như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang theo dõi sát sao diễn biến đàm phán và chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Bên cạnh các nỗ lực đàm phán, nhiều nước đã tăng cường tìm kiếm các đối tác thương mại mới để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn.

Triển vọng sau ngày 9-7 còn nhiều bất định

Triển vọng đàm phán sau ngày 9-7 hiện vẫn chưa rõ ràng. Trong kịch bản xấu nhất, nếu không đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ chính thức áp dụng mức thuế quan cao đối với hàng loạt quốc gia. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu và đè nặng lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, một số nền kinh tế thể hiện thiện chí trong đàm phán có thể được Mỹ gia hạn thời gian, qua đó giữ nguyên mức thuế quan 10% như hiện nay. Điều này sẽ giúp tăng cơ hội tránh leo thang căng thẳng thương mại, dù chưa phải là một sự đảm bảo lâu dài.

“Tôi cho rằng Nhà Trắng có thể sẽ gia hạn thời gian cho một số quốc gia nếu họ cho thấy sự thiện chí trong đàm phán”, chuyên gia nghiên cứu Clark Packard tại Viện Cato chuyên về thương mại, nhận định. “Tôi nghĩ một số thỏa thuận sẽ được ký kết, trong khi một số khác sẽ không thành công. Tôi nghĩ một số quốc gia sẽ trả đũa”.

Căn cứ vào tiến trình đàm phán trước đó giữa Mỹ với Anh và Trung Quốc, giới phân tích phỏng đoán, các thỏa thuận đạt được trong ngắn hạn sẽ không phải là những thỏa thuận hoàn thiện, có thể giải quyết các vấn đề cốt lõi. Thay vào đó, đây sẽ là những thỏa thuận mang tính tạm thời, giúp giải quyết một số vấn đề nhất định và vẫn còn nhiều chi tiết cụ thể sẽ tiếp tục được đàm phán sau đó.

Ông Tim Meyer, Giáo sư tại trường Luật Đại học Duke chuyên về thương mại quốc tế, cho biết: “Tôi mong đợi Nhà Trắng sẽ công bố một số khuôn khổ mà họ sẽ gọi là các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, các thỏa thuận mới sẽ không giống với cách hiểu thông thường của thuật ngữ này”.

Nhìn chung, triển vọng sau ngày 9-7 vẫn còn nhiều bất ổn. Nhiều khả năng, thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới với mức thuế quan cao hơn, nhiều rủi ro leo thang thương mại và sự bất ổn về mặt pháp lý.

Theo Bloomberg, Finance Yahoo, CNN Business, CNBC, Reuters, Al Jazeera, Axios

Ngân Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-cuoc-dam-phan-thue-quan-se-the-nao-sau-ngay-9-7/
Zalo