Các chuyên gia dự báo gì về cuộc họp OPEC+ sắp tới?

Trong báo cáo gửi đến AFP cuối ngày thứ Sáu, nhóm phân tích của Ngân hàng Standard Chartered - do ông Paul Horsnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa, đứng đầu - đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý về cuộc họp sắp tới của OPEC+. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào Chủ nhật, với sự tham gia của 8 quốc gia từng thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 4 và tháng 11/2023.

Cuộc họp sắp tới của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào Chủ nhật, với sự tham gia của 8 quốc gia từng thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 4 và tháng 11/2023. Ảnh AFP

Cuộc họp sắp tới của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào Chủ nhật, với sự tham gia của 8 quốc gia từng thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 4 và tháng 11/2023. Ảnh AFP

“Chúng tôi dự báo các Bộ trưởng sẽ tiếp tục lộ trình từng bước đảo ngược phần cắt giảm từ tháng 11/2023, bằng cách nâng hạn ngạch thêm 411.000 thùng/ngày. Đây sẽ là tháng thứ tư liên tiếp tăng sản lượng”, báo cáo cho biết.

Nhóm chuyên gia cũng kỳ vọng cuộc họp vào tháng 8 sẽ tiếp tục xu hướng này, với một đợt tăng tương tự, qua đó hoàn tất việc đảo ngược toàn bộ đợt cắt giảm tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng/ngày đã được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo phân tích của Standard Chartered, thị trường hiện tại có thể dễ dàng hấp thụ lượng dầu bổ sung từ OPEC+ trong ngắn hạn. Họ dự báo trong quý III năm nay, lượng tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 900.000 thùng/ngày, trong khi ở quý II sẽ tăng nhẹ khoảng 200.000 thùng/ngày.

“Việc thị trường bị thắt chặt trong quý III chủ yếu do nhu cầu tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày so với quý trước, trong khi sản lượng từ các nước ngoài OPEC+ gần như không thay đổi, và mức tăng sản lượng của OPEC+ cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng hạn ngạch danh nghĩa”, báo cáo giải thích.

Dù hạn ngạch trung bình trong quý III dự kiến sẽ cao hơn quý II khoảng 1 triệu thùng/ngày (chưa tính đến phần bù cho các nước từng khai thác vượt mức), nhóm phân tích chỉ kỳ vọng sản lượng thực tế của OPEC+ sẽ tăng khoảng 400.000 thùng/ngày.

Standard Chartered đánh giá chiến lược đảo ngược nhanh các đợt cắt giảm từ tháng 11 năm ngoái là một bước đi hiệu quả.

“Cách làm này đã giúp đơn giản hóa bức tranh thị trường, mà trước đó nhiều nhà giao dịch cho là quá phức tạp. Nó cũng phản ánh rõ hơn tình trạng cung - cầu thực tế đang chặt chẽ hơn so với những đánh giá phổ biến trước đây. Bên cạnh đó, năng lực khai thác dự phòng hiện cũng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng”, báo cáo nêu rõ.

Chiến lược này còn tạo sức ép lên các nước thành viên OPEC+ chưa thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng - và theo nhóm phân tích, một số quốc gia đã có phản ứng tích cực.

Tuy vậy, báo cáo cũng cảnh báo rằng vẫn còn những rủi ro phía trước, dù đến nay những khó khăn này chưa gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tổng thể của chiến lược.

“Việc một số nước không tuân thủ hạn ngạch có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn, khi nhu cầu tiêu thụ theo mùa bắt đầu suy giảm vào cuối quý IV năm nay và đầu quý I năm sau”, nhóm phân tích nhận định.

Dựa trên tình hình cung - cầu hiện tại, các chuyên gia cho rằng OPEC+ nhiều khả năng sẽ không cần phải đưa ra thêm quyết định cắt giảm sản lượng trong quý I/2026.

“Mức tăng tồn kho dự kiến trong quý I/2026 không lớn hơn so với xu hướng thông thường, trong khi tồn kho hiện tại vẫn đang ở mức thấp”, theo báo cáo.

Tuy nhiên, nếu các Bộ trưởng OPEC+ cho rằng cần điều chỉnh nguồn cung, khả năng cao là họ sẽ yêu cầu những quốc gia từng khai thác vượt hạn ngạch phải cắt giảm trước và bù lại phần đã vượt. Việc cắt giảm rộng hơn trên toàn nhóm sẽ chỉ được cân nhắc nếu thật sự cần thiết.

OPEC+: Báo cáo nửa đầu năm tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích của Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Dù vẫn còn một số trở ngại phía trước, bức tranh tổng thể của OPEC+ trong nửa đầu năm 2025 là khá tích cực”.

Theo nhóm này, đầu năm nay, OPEC+ từng phải đối mặt với nhiều dự báo bi quan từ Phố Wall, trong đó cho rằng thị trường dầu mỏ năm 2025 sẽ dư cung nghiêm trọng - ngay cả khi OPEC+ không tăng thêm sản lượng.

“Tuy nhiên, sau 6 tháng, các đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 11/2023 đã gần như được dỡ bỏ hoàn toàn, tồn kho dầu vẫn ở mức rất thấp, thị trường giao ngay vẫn trong trạng thái 'backwardation', và lo ngại dư cung đã dần được thay thế bởi thực tế cung - cầu đang cân bằng hơn nhiều so với dự báo trước đó”, báo cáo cho biết.

OPEC hiện vẫn chưa bình luận về nội dung báo cáo.

Thông báo mới nhất từ OPEC

Trong một thông cáo đăng ngày 31/5 trên website chính thức, OPEC cho biết 8 quốc gia thành viên và đối tác - gồm Ả Rập Xê Út, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman - sẽ nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Thông cáo cũng cho biết nhóm 8 nước trên đã họp trực tuyến cùng ngày để xem xét tình hình và triển vọng của thị trường dầu mỏ toàn cầu.

“Với triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố cơ bản của thị trường đang ở mức tích cực - thể hiện qua lượng tồn kho thấp - và theo đúng lộ trình đã thống nhất vào ngày 5/12/2024, việc dỡ bỏ dần và linh hoạt đợt cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày từ ngày 1/4/2025 sẽ tiếp tục, với việc tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 7, so với mức tháng 6”, OPEC cho biết.

Đợt tăng lần này tương đương cộng dồn 3 tháng, và có thể được điều chỉnh - tạm dừng, hoặc đảo ngược - tùy theo diễn biến của thị trường, nhằm duy trì sự ổn định.

“Việc này cũng giúp các nước sớm hoàn thành nghĩa vụ bù đắp phần sản lượng từng vượt hạn ngạch”, nhóm này nói thêm.

8 nước trong nhóm tiếp tục cam kết tuân thủ đầy đủ Tuyên bố Hợp tác, bao gồm cả các điều chỉnh tự nguyện đã thống nhất trong cuộc họp lần thứ 53 của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) diễn ra ngày 3/4/2024.

Đồng thời, các quốc gia này cũng xác nhận sẽ bù lại toàn bộ phần sản lượng đã vượt hạn ngạch kể từ tháng 1/2024.

Nhóm 8 nước sẽ họp hàng tháng để theo dõi diễn biến thị trường, mức độ tuân thủ và tiến độ bù đắp sản lượng. Cuộc họp tiếp theo dự kiến tổ chức vào ngày 6/7/2025, để quyết định mức sản lượng cho tháng 8.

Sản lượng dự kiến trong tháng 7/2025 (theo thông cáo của OPEC): Ả Rập Xê-út: 9,534 triệu thùng/ngày; Nga: 9,240 triệu thùng/ngày; Iraq: 4,122 triệu thùng/ngày; UAE: 3,169 triệu thùng/ngày; Kuwait: 2,488 triệu thùng/ngày; Kazakhstan: 1,514 triệu thùng/ngày; Algeria: 936.000 thùng/ngày; Oman: 782.000 thùng/ngày.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-chuyen-gia-du-bao-gi-ve-cuoc-hop-opec-sap-toi-729741.html
Zalo