Các chính sách về thuế vẫn 'nóng' tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp
Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề thuế và hoàn thuế cũng như đề xuất Bộ Tài Chính các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 13/12, tại hội nghị đối thoại về chính sách thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết Bộ đã tiếp tục phối hợp với VCCI tổ chức các Hội nghị đối thoại mong muốn doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động lấy ý kiến để xây dựng chính sách thuế, hải quan.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2024 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai kịp thời có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan đã giúp cho nên kinh tế ổn định, GDP 9 tháng đầu năm đạt đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao. Nhờ đó thu ngân sách nhà nước tính đến hết ngày 12/12/2024 đã đạt 1.858 nghìn tỷ đồng (đạt 109,28 % dự toán). Những kết quả tích cực đạt được, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực cùng quyết tâm cao để hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh kinh tế trong nước phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng quy mô của các chính sách miễn giảm này khoảng 191.000 tỷ đồng.
Hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. VCCI cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tổng hợp các ý kiến và chuyển đến Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Hội nghị sẽ giúp cơ quan Thuế và Hải quan nắm bắt thông tin, tâm tư, vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục thuế, hải quan, từ đó có phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI để lắng nghe, hoàn thiện đổi mới phương pháp trao đổi, hỗ trợ, giải đáp cho người dân và doanh nghiệp thông qua các Hội nghị, chương trình đảm bảo phù hợp vơi xu hướng cũng như tiết kiệm chi phí.
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến có 450 doanh nghiệp tham dự nhưng chưa tới giờ khai mạc hội trường đã chật cứng và nhiều đại diện doanh nghiệp không còn chỗ ngồi phải đứng để theo dõi. Với sự gợi mở của lãnh đạo Bộ Tài Chính, hàng chục công ty đã nêu lên những khó khăn vướng mắc của đơn vị mình xung quanh các chính sách thuế và cả hải quan.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn thuy san Minh Phú, TP. Cà Mau cho biết, theo thông tư 219/2013/TT-BTC qui đinh về đối tương không kê khai, tính nộp thuế GTGT và theo công văn số 5423/TCT-CS ngày 28/12/2018 về chính sách thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mai nội địa là tất cả các mặt hàng tôm chế biến đông lạnh từ tươi sống đến hấp chín là không kê khai, tinh thuế GTGT. Qua các kỳ thanh tra của Cuc thuế Cà Mau đến năm 2021 và Thanh tra chuyên nghành của Tổng Cục thuế kỳ thuế 2022-2023 đã được Cuc thuế tinh Cà Mau và Tổng cục thuế chấp nhân việc ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp 10% với các mặt hàng chế biển và thuế GTGT áp đúng theo qui đinh.
Nhưng mới đây Bộ tài chính làm viêc với các công ty chế biến thủy sản Cà Mau và có công văn cho rằng tất cà các mặt hàng chế biến theo công văn 2550/BTC-TCT phải áp thuế GTGT là 10% - tức là tất cả các mặt hàng tôm động lạnh đến -18 độ C bao gồm hàng tôm tươi sống đông lạnh đến hấp chín, tẩm ướp gia đông lạnh đều phải áp thuế GTGT 10% ở khâu kinh doanh thương mại nội địa. Do đó doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài Chính và Tổng Cục Thuế xem xét và trả lời vấn đề này.
Ở khia cạnh khác đại diện công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tài Chính kiến nghị Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi giữ nguyên như quy định hiện hành. Doanh nghiệp nếu có hoạt động sản xuất, kinh doanh bị lỗ thì được lựa chọn bù trừ số lỗ này vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác trong doanh nghiệp, không ràng buộc thu nhập đó có đang được hưởng ưu đãi thuế hay không.
Về vấn đề góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại diện công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đề nghị Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có quy định cho doanh nghiệp đang hoạt động khi có đầu tư dự án mở rộng tại các khu vực, địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được lựa chọn hưởng ưu đãi dự án đầu tư mở rộng theo dự án đang hoạt động hoặc hưởng ưu đãi như dự án mới cùng ngành nghề, địa bàn nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định như quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị, đại diện Tổng Cục thuế cho biết tất cả các câu hỏi và câu trả lời cho doanh nghiệp sẽ được ghi nhận và đưa lên website của Tổng Cục Thuế để doanh nghiệp tiện theo dõi và thực hiện. Ông Cao Anh Tuấn cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời triển khai thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (bao gồm Luật Quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập cá nhân) vừa được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
“Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Tuấn nói.