Các chiêu trò lừa đảo phổ biến người dân cần biết

Tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng đa dạng, tinh vi, đan xen cũ và mới khiến người dân nói chung khó nhận diện. Dưới đây là các hình thức phổ biến mà cơ quan chức năng 'điểm mặt chỉ tên'.

Đầu tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) và Công an huyện Con Cuông phối hợp với các đơn vị, địa phương triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia tại đặc khu kinh tế "Tam giác Vàng" thuộc tỉnh Bokeo (Lào) do các đối tượng người nước ngoài chủ mưu, dưới hình thức lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo. Bước đầu bắt giữ 5 đối tượng liên quan.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bị bắt giữ.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bị bắt giữ.

Các đối tượng trong ổ nhóm được đào tạo, huấn luyện sử dụng "kịch bản lừa đảo" với các nạn nhân người Việt theo 4 bước. Trước hết, các đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản mạng xã hội "nhái" của nhiều người, chia sẻ nhiều hình ảnh đời sống độc thân, giàu có. Trong đó lồng ghép nhiều hình ảnh về thu nhập có được bằng việc tham gia đầu tư qua ứng dụng "Biconomynft" (đây là ứng dụng sàn giao dịch tiền ảo giả do các đối tượng tự tạo lập, điều khiển theo ý muốn của chúng).

Đối tượng lừa đảo sẽ lựa chọn các "con mồi" phù hợp, gửi lời mời kết bạn, nhắn tin nói chuyện, tạo mối quan hệ yêu đương, hẹn hò qua mạng. Sau một thời gian nói chuyện, các đối tượng tìm cách kêu gọi, dụ dỗ các nạn nhân tham gia đầu tư tiền vào ứng dụng "Biconomynft".

Nhận diện lừa đảo trên không gian mạng.

Nhận diện lừa đảo trên không gian mạng.

Sau khi nạn nhân tin tưởng hoặc rơi vào mối quan hệ yêu đương, các đối tượng sẽ hướng dẫn cụ thể cách thức cài đặt, sử dụng ứng dụng, đăng ký tài khoản, tham gia đầu tư mua bán tiền điện tử. Nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân, thời gian đầu, các đối tượng sẽ chuyển cho nạn nhân một số tiền nhất định tương ứng với lợi nhuận có được khi giá trị đồng tiền ảo tăng cao.

Khi các nạn nhân đã tham gia đầu tư đến một số tiền nhất định, các đối tượng sẽ đóng băng tài khoản với nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Ngoài lừa tình, đầu tư tiền ảo chiêu trò giả danh cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra cũng nở rộ. Theo đó,các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra. Sau đó, khai thác thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.

Chiêu trò gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng cũng khiến nhiều nạn nhân mất số tiền lớn. Thủ đoạn thường thấy là gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ... khi có được thông tin sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân và chiếm đoạt.

Chiều trò chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tài sản người dân cần chú ý.

Chiều trò chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tài sản người dân cần chú ý.

Ngoài ra, thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng nở rộ. Các đối tượng cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền đến tài khoản ngân hàng, tiếp đó yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ, nếu không trả các đối tượng khủng bố trên điện thoại, đe dọa tố cáo, gây rối quấy nhiễu… để buộc trả tiền gốc, lãi cao cho chúng.

Khi các nạn nhân bị lừa tiền, các đối tượng lại giở trò hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa. Cácđối tượng lập tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa", bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Sau khi được người dùng liên hệ, chúng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công "tiền phí dịch vụ". Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Cảnh hoang lạnh bên trong các căn biệt thự bị bỏ hoang lâu năm tại Hoài Đức

Vũ Đồng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cac-chieu-tro-lua-dao-pho-bien-nguoi-dan-can-biet-172241213153009351.htm
Zalo