Các bộ, ngành cùng vào cuộc ngăn tình trạng 'lương chưa tăng, giá đã tăng'

Việc tăng lương cơ sở khiến dư luận lo ngại sẽ tác động tới giá cả thị trường. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cùng vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường, hạn chế tình trạng 'lương chưa tăng giá đã tăng'.

Theo sát diễn biến thị trường, điều hành nhịp nhàng giá cả

Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.

Hàng hóa dồi dào và được bình ổn tại các siêu thị góp phần kiểm soát lạm phát.

Hàng hóa dồi dào và được bình ổn tại các siêu thị góp phần kiểm soát lạm phát.

Theo đó, đã đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Đồng thời, chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ Tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Ngoài ra, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2024 mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm, giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo. Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau Tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.

Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, chỉ số CPI tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Lạm phát trong tầm kiểm soát, CPI tháng 6 tăng 0,17% so với tháng 5. Theo đó, CPI bình quân quý II tăng 4,39% so với quý II/2023 và CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023.

Giám sát chặt các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá

Trong thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí mới đây, Bộ Tài chính cho biết, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương và quán triệt thực hiện Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới. Qua đó, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.

Còn dư địa để điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Còn dư địa để điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Trong đó, giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Đồng thời, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.

Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Tại cuộc hội thảo dự báo tình hình giá cả từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh nghiệm trong điều hành thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá là một lợi thế. “Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng", ông Ngô Trí Long cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cảnh báo về những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực sẽ tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, nên sẽ tác động tới lạm phát./.

TS. Nguyễn Đức Độ- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, áp lực lạm phát năm nay sẽ không lớn. Theo đó, giá dầu dự báo không nhiều biến động mà tương đối ổn định cuối năm, dao động xung quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.

Với những lo ngại về tăng lương, theo TS. Nguyễn Đức Độ, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-bo-nganh-cung-vao-cuoc-ngan-tinh-trang-luong-chua-tang-gia-da-tang-154398.html
Zalo