Ca tử vong do mắc bạch hầu ở Cao Bằng chưa rõ nguồn lây, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Ngày 26-11, liên quan tới bệnh nhi G.M.H. (11 tuổi, ở xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) mắc bạch hầu và tử vong, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc chủ động tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu. Đồng thời cử đoàn công tác lên Cao Bằng để hỗ trợ địa phương giám sát và điều tra tình hình dịch tễ.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Đồng thời giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, thực hiện khử trùng, xử lý môi trường ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Cao Bằng tập trung rà soát các trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn; tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, ưu tiên trước hết tại ổ dịch, các khu vực lân cận và tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị; hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; yêu cầu cán bộ y tế thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc với người bệnh.

Trong khi đó, làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, Cao Bằng cho biết, hộ gia đình có ca bệnh tử vong ở xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm, nằm biệt lập trên một quả đồi cách xa các hộ gia đình khác.

Gia đình gồm 8 người sinh sống, hiện tại chưa ai có dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần bước đầu được xác định 19 người (trong đó tại trường học 11 người, tại gia đình bệnh nhân là 8 người).

Hiện nay, chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn. Việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh còn gặp nhiều khó khăn do các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đều ở các xóm vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ.

Lực lượng y tế chức năng của địa phương đã tiến hành xác minh và lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao do tiếp xúc gần, phối hợp triển khai phun khử khuẩn trong và xung quanh nhà, điểm trường mầm non và tiểu học bằng Cloramin B nơi bệnh nhân sinh sống, học tập và điều trị; trực tiếp giám sát tại thực địa, thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; cử đội đáp ứng nhanh xuống hỗ trợ Trạm Y tế xã Thạch Lâm thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi ngờ, hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng.

Đoàn giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ của Bộ Y tế đã chỉ đạo lấy thêm 8 mẫu bệnh phẩm là người tiếp xúc gần những người trong gia đình bệnh nhân. Tính đến sáng 26-11, cơ quan chức năng đã lấy tổng số 16 mẫu bệnh phẩm đưa về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ca-tu-vong-do-mac-bach-hau-o-cao-bang-chua-ro-nguon-lay-bo-y-te-chi-dao-khan-post770068.html
Zalo