Ca sĩ Xi Myn – người trẻ đang thích thử thách mình
Như mọi ca sĩ trẻ, thích lấy một nghệ danh thật đặc biệt, Xi Myn cũng là một nghệ danh thoạt nghe tưởng cô sinh ra ở đâu đó. Nhưng cái nghệ danh ấy thực ra lại được cô giải thích: 'Nói lái theo kiểu chơi chữ của giới trẻ bây giờ, Xi Myn nghĩa là My Xinh. Nhưng Xi Myn còn là chữ viết tắt của nốt đô thăng thứ trong âm nhạc'.
MV “Anh không thích shao”, quà tự tặng sinh nhật mình
Xi Myn tên thật Trần Hoàng My. Cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là con út trong gia đình có hai anh em. Cả nhà đều hết lòng hỗ trợ Xi Myn theo nghệ thuật. Thời gian đầu Nam tiến nếu không có sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của gia đình, có lẽ cô đã không thể đi tiếp. Môi trường giải trí càng công nghiệp lại càng khắc nghiệt, Xi Myn chuyển vào TP HCM lập nghiệp và cũng phải chật vật 2 năm trời. Cô cười: “Tôi vẫn nguyên vẹn là tôi. May mắn Sài Gòn yêu thương tôi”. Bây giờ cô đã có “sô” đều, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, không cần đến sự hỗ trợ của gia đình như trước. Hơn nữa. Xi Myn còn dành dụm để ra được “đứa con tinh thần” mà cô tâm đắc: MV “Anh không thích shao”.
MV được cô tung ra đúng ngày sinh nhật, ngày 8/12, như một món quà tự tặng bản thân. Xi Myn có thể hát các ca khúc về Hà Nội, nơi cô sinh ra, nồng nàn, nội lực. Có thể ca những bản tình buồn day dứt. Nhiều người nói, nếu cô cứ đắm đuối với tình ca có khi một ngày nào đó lại được mệnh danh “Người đàn bà hát” cũng nên.
Cô sẽ trở lại với tình ca buồn ở một thời điểm nào đó trong đời song không phải bây giờ. Bởi cô còn đang thích nói “sao” thành “shao”, “si” thành “see”… như bao người trẻ tuổi luôn lắc đầu với những gì đã quen thuộc. Họ muốn phá vỡ chuẩn mực và thử thách mình. Xi Myn cũng vậy. Đó là lý do cô cho ra đời “Anh không thích shao”.
Tuy không tham gia viết nhạc, viết lời, dựng MV nhưng tất cả quy trình cho ra một sản phẩm âm nhạc cô đều tham gia (Xi Myn là kiểu nghệ sĩ đa năng, cô chơi piano sương sương, vũ đạo sương sương, lại còn có thể làm DJ nữa). Trên mạng xã hội hiện nay giới trẻ thường dùng từ “trap”. Trong đó “Trap boy”, “trap girl” chỉ những chàng, nàng coi tình yêu như một trò đùa. Nếu ai đó yêu thật lòng lại gặp phải “trap boy”, “trap girl” thì tổn thương sâu sắc không thể tránh khỏi. Anh không thích shao được viết ra từ nguồn suy tư “trap” của Xi Myn.
Học hát không rõ lời
“Anh không thích shao” được làm vỏn vẹn trong10 ngày, Xi Myn khiến ê-kip chạy theo cô mệt nhoài, mà cô cũng tự hành mình khi ép tiến độ: “Những ngày ấy hầu như tôi chỉ ngủ đôi, ba tiếng, tất bật với núi việc phải giải quyết vì sản xuất nhanh không đồng nghĩa với ẩu. Tính tôi cầu toàn”. Mẹ của Ximyn là một trong những khán giả đầu tiên thưởng thức “Anh không thích shao”, bà bình luận thật thà: “Mẹ chẳng hiểu con hát gì nhưng thích”. Khán giả thích là được rồi. Nghe “Anh không thích shao”, “thượng đế” có cảm giác là XiMyn vui. Bây giờ nghe ca sĩ trẻ hát mà khán giả nghe được họ hát gì, mới là lạ. Người ta hay chê ca sĩ trẻ hát không rõ lời, hát tiếng Việt mà nghe như hát tiếng Anh, tiếng Hàn.
Nhưng những lời phê bình của lứa khán giả chín chắn, chuẩn mực chẳng tác động bao nhiêu đến người trẻ. Họ vẫn cứ hát không rõ lời, vẫn thích biến tấu tiếng Việt theo kiểu họ thích. Nhưng Xi Myn “adua” hát không rõ lời vất vả hơn người ta. Trong khi hát tròn vành rõ chữ dường như là nhiệm vụ bất khả thi với những người cầm míc không qua đào tạo. Ngược lại, Ximyn phải nỗ lực học hát không rõ lời, hát hồn nhiên như chưa từng đi qua Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô đã có 8 năm ở cái nôi âm nhạc nổi tiếng này.
“17 tuổi tôi thi đỗ vào Nhạc viện. Hệ trung cấp, thầy Hưng, NSND Quốc Hưng, nay là Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Việt Nam đã dạy tôi. Hết hệ trung cấp tôi học lên đại học, được đi diễn với thầy Hưng, thầy Tấn (ca sĩ Trọng Tấn), cô Anh Thơ (ca sĩ Anh Thơ)… Nếu không vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biết đến bao giờ tôi mới có cơ hội được đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ tài danh như thế, dù chỉ đứng ở phía sau?” – Xi Myn tâm sự.
Mẹ Xi Myn muốn con gái sau khi cầm trong tay tấm bằng đại học sẽ đi dạy song song đi diễn. Xi Myn từng dạy piano cho nhiều bạn nhỏ, cô cũng yêu nghề giáo. Nhưng vì cô luôn cảm thấy mình mới 18 tuổi nên vẫn tha thiết thế giới sôi động. Một ngày kia, cô tạm biệt Hà Nội để vào TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, Xi Myn đầu quân cho một công ty giải trí, theo đuổi hình ảnh dễ thương, nhí nhảnh. Hơn một năm nay cô thành nghệ sĩ tự do, tự quyết định con đường của mình. Cô lột xác từ hình ảnh dễ thương, nhí nhảnh sang hình ảnh quyến rũ, trưởng thành nhưng vẫn vương những thơ ngây.
Lại nói về ê-kip “Anh không thích shao”, người viết nhạc, người sản xuất cũng là cái tên xa lạ với giới trẻ. Như Xi Myn, cả ê-kip đang trên hành trình khám phá bản thân và chinh phục thế giới âm nhạc. Không có “bệ đỡ” chỉ đi bằng đôi chân của mình nhưng họ vẫn đầy tự tin. Câu danh ngôn Xi Myn thích: “Nếu muốn ăn quả ngọt phải gieo hạt mầm tốt”. “Anh không thích shao”, tâm huyết của cô và ê-kip trẻ, có phải hạt mầm tốt không, phải nghe mới biết!