Cà phê tăng giá kỷ lục, nông dân Đắk Lắk đối diện với nỗi lo mất mùa

Mặc dù giá cà phê tăng kỷ lục trong thời gian qua nhưng nhiều nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk – thủ phủ cà phê của Việt Nam vẫn bộn bề nỗi lo 'được giá mất mùa' và lượng xuất khẩu sụt giảm.

Nỗi lo "được giá mất mùa"

Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 40% diện tích cả nước. Cà phê không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh mà còn đóng góp một tỉ trọng lớn vào tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Tuy nhiên, niên vụ 2023-2024 đã chứng sự sụt giảm đáng kể về diện tích, sản lượng cà phê. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, diện tích cà phê niên vụ 2023-2024 của tỉnh đạt 212.106 ha, giảm 809 ha so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích cho sản phẩm 200.441 ha, giảm 400 ha so với niên trước, năng suất bình quân đạt 26,72 tạ/ha. Tổng sản lượng cà phê của tỉnh đạt 535.672 tấn, giảm 23.057 tấn so với niên vụ trước.

Cà phê tại Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch.

Cà phê tại Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch.

Chị Phạm Thị Hà (trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm 2024, thời tiết nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển và sản lượng của cây cà phê.

"Gia đình tôi có 1ha cà phê trồng xen canh với một số loại cây ăn quả. Những năm trước, nhờ nguồn nước tưới dồi dào, giúp cây phát triển xanh tốt quanh năm nên sản lượng cà phê nhân của gia đình tôi đạt khoảng 1,2 tấn mỗi năm. Thế nhưng, năm nay, sản lượng cà phê giảm một nửa, chỉ thu được khoảng 5-6 tạ/ha. Do đó, dù giá cà phê liên tục tăng cao nhưng thu nhập của nhiều hộ dân vẫn giảm" – chị Hà nói.

Cùng chung nỗi lo, ông Phạm Minh Tĩnh (trú tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng cho hay, năm 2024 ngoài nắng hạn, nhiều diện tích cà phê bị rầy, rệp sáp tấn công. Tình trạng này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cà phê.

Giá cà phê tăng cao, nhiều nông dân vẫn lo giảm thu nhập.

Giá cà phê tăng cao, nhiều nông dân vẫn lo giảm thu nhập.

Báo cáo của Chi cục thủy lợi (thuộc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tác động của biến đổi khí hậu, mùa khô năm 2023-2024 thời tiết trên địa bàn tỉnh phổ biến ít mưa, nắng nóng kéo dài.

Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, vụ Đông xuân 2023- 2024 trên địa bàn tỉnh diện tích cây cà phê bị thiệt hại là 18.762,9 ha. Trong đó, thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 1.044 ha; thiệt hại nặng (từ 30-70%) là 12.662,6 ha; thiệt hại một phần (dưới 30%) là 5.056,3 ha.

Hạn hán trong năm 2024 khiến nhiều diện tích cà phê bị thiệt hại.

Hạn hán trong năm 2024 khiến nhiều diện tích cà phê bị thiệt hại.

Cà phê xuất khẩu giảm hơn 54.000 tấn

Đáng nói, niên vụ cà phê 2023-2024, giá cà phê đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, có thời điểm giá cà phê nhân đạt trên 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên tình hình kinh doanh, xuất khẩu cà phê tỉnh Đắk Lắk Niên lại gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH và Thương mại Vương Thành Công (trụ sở tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, giá cà phê tăng liên tục trong thời gian qua khiến sức mua giảm hơn so với trước. Bên cạnh đó, chi phí xuất khẩu tăng cao cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Xuất phát từ những khó khăn nói trên, số lượng cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH và Thương mại Vương Thành Công trong năm 2024 giảm 30-40% so với năm 2023.

Diện tích cà phê niên vụ 2023-2024 của tỉnh Đắk Lắk đạt 212.106 ha, giảm 809 ha so với niên vụ trước.

Diện tích cà phê niên vụ 2023-2024 của tỉnh Đắk Lắk đạt 212.106 ha, giảm 809 ha so với niên vụ trước.

Sở Công Thương cho biết, niên vụ 2023-2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, giảm 54.095 tấn so với niên vụ 2022-2023 (giảm 17%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 22,5%), chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước.

So với niên vụ 2022-2023, cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk giảm về lượng nhưng tăng về kim ngạch do giá cà phê liên tục tăng nóng trong niên vụ vừa qua. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân đạt 783,895 triệu USD, tăng 24,5% so với niên vụ 2022-2023 (629,83 triệu USD). Xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 131,9 triệu USD, chiếm tỉ lệ 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không ngừng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng cà phê sau chế biến.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không ngừng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng cà phê sau chế biến.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong niên vụ cà phê 2023-2024, do xung đột quân sự tại các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp diễn và nổ ra dẫn đến các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về chi phí vận chuyển, chi phí logistics.

Bên cạnh đó, cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô), tỉ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hàng năm tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Hàng năm, xuất khẩu cà phê trực tiếp của tỉnh vẫn chiếm tỉ lệ chưa cao so với sản lượng do thiếu các doanh nghiệp, đầu mối xuất khẩu lớn, chưa có doanh nghiệp đầu tư mở rộng hoạt động xuất khẩu quy mô lớn mà vẫn là các doanh nghiệp hoạt động nhỏ và vừa, mặc dù được định hướng tuy nhiên việc phát triển vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức.

Các cơ sở sản xuất nhỏ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, trang thiết bị chế biến và đầu ra cho sản phẩm. Một số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh nhưng vận chuyển cà phê về tập đoàn hoặc các tổng công ty ở các tỉnh, thành phố có cảng biển để xuất khẩu và làm tờ khai hải quan.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay, cà phê là ngành hàng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh nông nghiệp và có nhiều đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong niên vụ 2023-2024, Đắk Lắk đã mở rộng, phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, việc giá cà phê tăng rõ ràng mặt tích cực làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên. Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác.

Để phát triển ngành hàng cà phê phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là ổn định diện tích hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng. Đồng thời, quản lý tốt ngành hàng, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thành phố cà phê của thế giới.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ca-phe-tang-gia-ky-luc-nong-dan-dak-lak-doi-dien-voi-noi-lo-mat-mua-204241130170430605.htm
Zalo