Cà phê đường tàu: Không thể viện lý do 'lịch sử để lại' để hợp thức hóa sai phạm

Trong suốt nhiều tháng qua, chuyên mục Đường dây nóng thính giả của Ban VOV Giao thông quốc gia liên tục nhận được phản ánh về tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt – một vấn đề tưởng chừng ai cũng biết, nhưng không ai dẹp được.

Và rồi, cái giá phải trả là những vụ tai nạn thương tâm, những sinh mạng bị tước đoạt bởi sự chủ quan, lơ là và cả sự thờ ơ của không ít cá nhân, tập thể. Tuy nhiên vì sao lại bất lực? Vì sao ra quân rồi lại “đâu vào đấy”?

Kinh doanh bất chấp: Du khách len lỏi qua hàng rào cấm để 'trải nghiệm độc lạ'

Một buổi tối cuối tháng 6, chúng tôi có mặt tại khu vực đường sắt đi qua các phố Phùng Hưng, Trần Phú, Lê Duẩn – nơi nổi tiếng với cái tên “phố cà phê đường tàu”.

Khác hẳn với những cảnh báo thường trực từ cơ quan chức năng, khung cảnh trước mắt hiện ra như một phiên chợ đêm rộn ràng: bàn ghế bày sát đường ray, khách ngồi kín lối, người lớn thì nhân nhi cà phê và selfie với đường ray, trẻ nhỏ thì chạy chơi sát mép đường tàu…tiếng cười nói rộn ràng át cả tiếng còi tàu từ xa vọng lại.

Cafe đường tàu vẫn luôn là "điểm nóng" về thực trạng mất ATGT đường sắt

Cafe đường tàu vẫn luôn là "điểm nóng" về thực trạng mất ATGT đường sắt

Bất chấp các biển cấm, bất chấp hàng rào chắn tạm thời, từng nhóm du khách – phần lớn là người nước ngoài – vẫn hăm hở tìm đến “trải nghiệm” sự độc lạ theo những gì được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người dân đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng mất ATGT rất đáng báo động này. Một người dân chia sẻ: "Khách nước ngoài đến càng ngày càng nhiều, chúng tôi rất lo vì khôn gian hẹp, lượng khách lại rất đông. Các vị trí này, con đường này khá nguy hiểm vì khi mọi người đi qua đi lại trên đường ray, khi tàu hỏa đi ngang qua".

Sau mỗi lần ra quân, vi phạm lại tái diễn: Vì sao lực bất tòng tâm?

Theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, lực lượng chức năng – từ công an khu vực, CSGT đến ngành đường sắt – đã nhiều lần ra quân xử lý. Thế nhưng điều trớ trêu là sau khi lực lượng chức năng rời đi họ lại tái phạm. Trung tá Nguyễn Thanh Hải, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội chia sẻ:

“Mặc dù thường xuyên cử cán bộ để ứng trực và tuyên truyền, thế nhưng nhiều người dân và du khách vẫn tìm mọi cách len lỏi để vào đi vào khu vực cấm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt. Để xử lý triệt để, cần thêm sự phối hợp của các đơn vị khác như ủy ban, lực lượng Công an khu vực để xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm trật tự ATGT đường sắt".

Lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý vi phạm, nhưng rồi "đâu lại vào đó"

Lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý vi phạm, nhưng rồi "đâu lại vào đó"

Không chỉ tái phạm, một số chủ quán còn có hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội – bức xúc: "Nguy cơ lấn chiếm hàng lang an toàn đường sắt diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại khu vực cà phê đường tàu tại các phường: Hàng Bông, Điện Biên, Cửa Nam, Cửa Đông; khu vực phía nam là Khâm Thiên. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với địa phương, gửi văn bản kiến nghị xóa bỏ tồn tại này, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng cũng đã ra quân, nhưng sau khi ra quân một thời gian họ lại tiếp tục tái diễn.

Đặc biệt, tại khu vực Khâm Thiên, chúng tôi đã cùng các cơ quan chức năng tháo dỡ các tấm đan, tấm ván các hộ dân đặt trên đường sắt để bày bán cà phê, tuy nhiên ngày hôm sau đi kiểm tra lại thấy người dân bày ra rồi, lực lượng ngành đường sắt kiểm tra, thu hồi người dân lại chống đối".

Lấn chiếm hành lang đường sắt – sự thờ ơ đổi bằng sinh mạng

Nguy hiểm lớn nhất nằm ở chỗ khu vực cà phê đường tàu không chỉ là không gian kinh doanh trái phép, mà còn là hành lang an toàn kỹ thuật – khu vực tối quan trọng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng và phòng ngừa tai nạn. Khi hành lang này bị xâm chiếm, bất cứ sơ suất nào cũng có thể đánh đổi bằng sinh mạng.

Bất chấp tình trạng mất an toàn, nhiều người dân, du khách vẫn tìm tới cafe đường tàu

Bất chấp tình trạng mất an toàn, nhiều người dân, du khách vẫn tìm tới cafe đường tàu

Hà Nội không phải là nơi duy nhất. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang diễn ra trên hầu hết các tuyến đường sắt quốc gia. Theo thống kê từ ngành chức năng, toàn quốc có hàng nghìn vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt – trong đó nhiều điểm nằm ngay nội đô các thành phố lớn… Không ít hộ dân còn xây dựng công trình trái phép sát mép ray, thậm chí mở cả lối đi dân sinh, hàng quán chỉ cách đường tàu chưa đến 1 mét.

Ông Trần Cao Thắng – Trưởng ban An ninh, An toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – thẳng thắn chỉ rõ: "Khi phát hiện các vụ vi phạm hành lang ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, chúng tôi giao nhiệm vu cho các đơn vị đường sắt phải báo cáo ngay các cho các cơ quan chức năng tại địa phương, thanh tra Cục Đường sắt, Cục CSGT phối hợp lập biên bản, yêu cầu xóa bỏ, dỡ hoặc đình chỉ. Có những vụ việc được giải quyết ngay, có những vụ việc chưa được giải quyết triệt để, các vi phạm vẫn thường xuyên tái diễn.

Hiện chúng tôi tiếp tục có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng, địa phương tuy nhiên các hành vi phạm về hành lang ATGT đường sắt vẫn phức tạp và còn tồn tại nhiều, nguy cơ lớn xảy ra TNGT đường sắt."

Không thể viện lý do 'lịch sử để lại' để hợp thức hóa sai phạm

Hà Nội không phải là nơi duy nhất. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang diễn ra trên hầu hết các tuyến đường sắt quốc gia.

Hà Nội không phải là nơi duy nhất. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang diễn ra trên hầu hết các tuyến đường sắt quốc gia.

Dù đã có Luật Đường sắt, kế hoạch 528 của Cục CSGT về kiểm tra xử lý lối đi tự mở và các điểm vi phạm, song nhiều địa phương vẫn thiếu sự vào cuộc thực chất, công tác quản lý bị buông lỏng. Ngành đường sắt đã gửi nhiều văn bản kiến nghị, yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện cắm mốc chỉ giới, giải tỏa vi phạm, nhưng thực tế triển khai còn rất chậm. Nhiều địa phương chưa coi đây là nhiệm vụ cấp bách, chưa dành ưu tiên bố trí kinh phí, nhân lực cho công tác này. Ngành đường sắt kiến nghị Bộ Xây dựng sớm bố trí kinh phí để cắm mốc chỉ giới bảo vệ; các tỉnh/thành chủ trì kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm. Không thể đổ lỗi mãi cho “lịch sử để lại”. Không thể lấy lý do “đời sống dân sinh” để hợp thức hóa các sai phạm.

Bên ly cà phê thơm lừng và một cú máy cận cảnh tàu lướt qua sát mặt – Hình ảnh này có thể trở thành khoảnh khắc triệu view trên mạng xã hội. Nhưng phía sau đó là nỗi lo lắng của người lái tàu mỗi lần đi qua khu vực đông người. Là nguy cơ bàn ghế bị cuốn vào ray gây trật bánh. Là sự bất lực của lực lượng chức năng. Chỉ một bước hụt chân, một cú va quẹt nhẹ cũng có thể trở thành bi kịch – 1 bi kịch đã được cảnh báo quá nhiều lần.

Hoàng Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ca-phe-duong-tau-khong-the-vien-ly-do-lich-su-de-lai-de-hop-thuc-hoa-sai-pham-post1211978.vov
Zalo