Cả nước xảy ra hơn 10 nghìn vụ thiên tai, sự cố từ đầu năm 2024

Đó là thông tin được đưa ra tại Phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, vào chiều 24/7.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các đơn vị, địa phương tuyệt đối không để gián đoạn công tác phòng, chống thiên tai trong bất kỳ tình huống nào.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các đơn vị, địa phương tuyệt đối không để gián đoạn công tác phòng, chống thiên tai trong bất kỳ tình huống nào.

Phiên họp tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 3.321 xã, phường, đặc khu trên toàn quốc. Tại điểm cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, thiên tai tại Việt Nam diễn biến hết sức khốc liệt và cực đoan. Cả nước đã xảy ra hơn 10 nghìn vụ tai nạn, sự cố và thiên tai, bao gồm: 13 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 240 đợt mưa lớn gây ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 278 trận dông lốc, sét, mưa đá; cùng 409 vụ sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn. Thiên tai đã khiến 1.389 người thiệt mạng, 398 người mất tích, gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2023. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thêm 114 người chết và mất tích, trong đó vụ chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long là sự cố nghiêm trọng nhất.

Tại Cà Mau, tình trạng sạt lở tuyến đường giao thông tại một số địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa đời sống và việc đi lại của người dân. (Ảnh minh họa, chụp tại xã An Trạch)

Tại Cà Mau, tình trạng sạt lở tuyến đường giao thông tại một số địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa đời sống và việc đi lại của người dân. (Ảnh minh họa, chụp tại xã An Trạch)

Để ứng phó sự cố, thảm họa thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay, các bộ ngành, địa phương đã điều động 1.105.639 lượt người/58.754 lượt phương tiện tham gia ứng phó, xử lý 9.159 vụ, cứu được 7.079 người và 735 phương tiện. Huy động 5.530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024; 1.052 tấn gạo, 629 tấn hạt giống các loại, 90.000 lít hóa chất khử trùng; huy động nguồn lực từ các nhà hão tâm 2.675 tỷ hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai.

Ngoài ra, sau bão Yagi các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ trên 25 triệu USD cho Việt Nam, trong đó 16,7 triệu USD thông qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trực tiếp tiếp nhận 222 tấn hàng cứu trợ (giá trị 2,3 triệu USD) từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và được vận chuyển ngay đến các địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tất cả các địa phương sẽ thực hiện ứng trực 24/24 tại các điểm nóng nguy cơ xảy ra thiên tai.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tất cả các địa phương sẽ thực hiện ứng trực 24/24 tại các điểm nóng nguy cơ xảy ra thiên tai.

Tại Phiên họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết, từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng 8-11 cơn bãoáp thấp nhiệt đới, trong đó, có từ 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đáng lo ngại, hiện tượng lũ chồng lũ có khả năng xảy ra, cùng với đó là nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi, vốn đang là những điểm nóng về thiên tai.

Trước tình hình trên, Bộ đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó, trong đó tập trung rà soát, đánh giá các khu vực xung yếu; khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức ứng trực 24/24 tại những điểm có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, nhằm đảm bảo phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trong mọi tình huống.

Riêng Bộ Công an cũng sẵn sàng huy động hơn 100 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ phục vụ cho công tác phòng, chống khắc phục thiên tai. Những tháng cuối năm đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự cho cán bộ chiến sĩ công an các cấp, nhất là cấp cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác cứu hộ, cứu nạn cho Nhân dân khi có thiên tai xảy ra.

Bộ Công an sẵn sàng huy động hơn 100 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ phục vụ cho công tác phòng, chống khắc phục thiên tai.

Bộ Công an sẵn sàng huy động hơn 100 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ phục vụ cho công tác phòng, chống khắc phục thiên tai.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 tại Vịnh Hạ Long; đồng thời, bày tỏ sự chia sẻ, động viên Nhân dân tại các khu vực bị chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất ở tỉnh Nghệ An sau hoàn lưu bão số 3.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sớm vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: những tháng cuối năm thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, với nhiều cơn bão được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến đất liền. Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra hiện trạng các khu vực xung yếu trước mùa mưa bão; thực hiện tốt Luật Phòng thủ dân sự đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả trong chỉ đạo, tuyệt đối không để gián đoạn công tác phòng, chống thiên tai trong bất kỳ tình huống nào.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, các đơn vị, địa phương phải khẩn trương, đẩy nhanh hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai, trong đó, bám sát nguyên tắc “3 phải”, là:“Phải phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; phải bình tĩnh, sáng suốt và phải kịp thời phù hợp và hiệu quả, an toàn”.

Hồng Nghi – Minh Luân

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ca-nuoc-xay-ra-hon-10-nghin-vu-thien-tai-su-co-tu-dau-nam-2024-a121009.html
Zalo