Cà Mau: Sẽ mời làm việc chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nghi hoạt động không phép

Lãnh đạo UBND thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước (Cà Mau) khẳng định sẽ mời chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) Trương Vân làm việc liên quan đến giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, lấn lòng sông và đường dân sinh gây mất an toàn giao thông.

Ngày 29.6, nguồn tin của phóng viên Một Thế Giới cho biết, bãi VLXD Trương Vân nằm trên tuyến sông Cái Nước – Đầm Cùng thuộc địa bàn thị trấn Cái Nước đã có hành vi lấn đường dân sinh và lòng sông để làm điểm tập kết VLXD trái phép gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân địa phương.

Bãi VLXD không có biển hiệu kinh doanh được nối từ bờ sông Cái Nước Đầm Cùng thông ra Quốc lộ 1A

Bãi VLXD không có biển hiệu kinh doanh được nối từ bờ sông Cái Nước Đầm Cùng thông ra Quốc lộ 1A

“Vào mùa nắng, bãi VLXD hoạt động gây ra bụi bẩn gây làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân quanh khu vực. Bên cạnh đó, con đường dân sinh hiện hữu đã bị bao chiếm để chứa VLXD, xe cộ ra vào thường xuyên, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. Chẳng những vậy, nơi đây còn lấn lòng sông để thuận tiện cho ghe tàu cập bến”, nguồn tin phản ánh.

Bãi tập kết nhiều loại VLXD như cát, đá, gạch…

Bãi tập kết nhiều loại VLXD như cát, đá, gạch…

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, bãi kinh doanh VLXD trên hoạt động không có biển hiệu. Bãi được thông từ phía bờ sông Cái Nước – Đầm Cùng ra quốc lộ 1A, nơi đây tập kết nhiều VLXD như cát, đá, gạch…, xe tải dán dòng chữ Trương Vân ra vào thường xuyên. Đường dân sinh có đoạn (khoảng 3m) bị bãi cát, đá chắn ngang lối đi, chỉ còn lối đủ cho một chiếc xe máy lọt qua. Phía bên ngoài là lòng sông bị lấn chiếm để tạo thuận lợi cho ghe tàu cập bến bốc dỡ VLXD. Theo người dân địa phương, bãi VLXD này hoạt động tại vị trí trên từ nhiều năm nay.

Bãi cát đá lấn đường dân sinh khiến việc đi lại của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn

Bãi cát đá lấn đường dân sinh khiến việc đi lại của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Chí Cường, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Nước cho biết: “Về việc này trước hết tôi phải mời chủ cơ sở lên làm việc cụ thể về vị trí bến bãi đã được cấp phép mua bán vật liệu xây dựng hay chưa, tổng diện tích được cấp phép là bao nhiêu; việc lấn đường dân sinh, lấn lòng sông thuộc khu vực đất quản lý của nhà nước đã được cấp phép xây dựng bến thủy nội địa chưa, cần phải đảm bảo những gì thì chúng tôi phải rà soát lại thật thận trọng”.

Bãi lấn lòng sông để làm điểm tập kết VLXD

Bãi lấn lòng sông để làm điểm tập kết VLXD

Theo Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Nước, trước mắt ông có thể xác định được vị trí bãi vật liệu Trương Vân đang hoạt động đã làm thay đổi hiện trạng lòng sông (lấn lòng sông) là đúng. Tuy nhiên, ông cần kiểm tra lại giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp cũng như vấn đề liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất có đúng hay không. “Buôn bán vật liệu xây dựng dĩ nhiên là có bụi gây ô nhiễm môi trường. Nếu doanh nghiệp đã được cấp phép tại vị trí trên thì chúng tôi sẽ cho chủ bãi làm cam kết khắc phục theo quy định về bảo vệ môi trường, tránh làm ảnh hưởng đến người khác”, ông Cường nói.

Con đường dân sinh bị bãi cát nằm chắn ngang

Con đường dân sinh bị bãi cát nằm chắn ngang

Một luật sư đang công tác ở tỉnh Cà Mau cho biết: “Đối với giấy phép bến thủy nội địa, chủ cơ sở kinh doanh phải có đơn đề xuất xin mở bến bãi đến Sở GT-VT tỉnh đó. Điều kiện được cấp bến thủy nội địa phải đủ diện tích đất theo quy định. Sau đó, Sở GT-VT có văn bản gửi đến UBND cấp huyện (nơi xin phép mở bến bãi) xem xét, cho ý kiến thì Sở GT-VT mới cấp phép. Đối với yếu tố tác động môi trường, chủ cơ sở cần phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường như nơi chứa rác thải, sử dụng nhiên liệu, khói bụi… theo quy định. Nếu đủ điều kiện và nơi xin đăng ký mở bến bãi không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện nơi đó thì UBND cấp huyện sẽ cấp phép”.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ca-mau-se-moi-lam-viec-chu-co-so-kinh-doanh-vat-lieu-xay-dung-nghi-hoat-dong-khong-phep-218996.html
Zalo