Cà Mau quyết tâm tháo gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu

Tính đến nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã 4 lần sang Việt Nam kiểm tra. Sau mỗi lần kiểm tra, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của nước ta đều đạt được kết quả tích cực hơn. Điều này thể hiện qua việc hoàn thiện khung pháp lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá của Việt Nam. Dự kiến, cuối năm nay, Đoàn thanh tra của EC sẽ tiếp tục thực hiện đợt thanh tra đối với thủy sản Việt Nam.

BĐBP tỉnh Cà Mau tăng cường tuần tra kết hợp tuyên truyền để ngư dân hoạt động trên biển chấp hành nghiêm các quy định trong đánh bắt thủy sản. Ảnh: Lê Khoa

BĐBP tỉnh Cà Mau tăng cường tuần tra kết hợp tuyên truyền để ngư dân hoạt động trên biển chấp hành nghiêm các quy định trong đánh bắt thủy sản. Ảnh: Lê Khoa

Tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu sau khi sáp nhập thành tỉnh Cà Mau có tổng số lượng tàu cá trên 5.200 chiếc, trong đó, hơn 2.000 chiếc có chiều dài trên 15m. Với quyết tâm trong công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu: các chủ tàu có tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm IUU phải thực hiện cam kết không vi phạm; không đưa tàu ra khơi khi chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định; các tàu cá nguy cơ cao được theo dõi, giám sát chặt chẽ; đảm bảo 100% hồ sơ được số hóa đạt yêu cầu để cung cấp kịp thời theo đề nghị của Đoàn thanh tra EC hoặc các cơ quan Trung ương.

Nỗ lực tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm IUU

Thượng tá Trương Bảo Xuyên, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian qua, các cấp, ngành ở Cà Mau rất quyết tâm trong việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản. Trong đó, lực lượng BĐBP và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ, kiên quyết không cho phép tàu cá không đủ điều kiện ra biển hoạt động, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, nâng cao nhận thức về quy định IUU, đặc biệt là với các chủ phương tiện có nguy cơ cao như thường xuyên mất kết nối, cố ý ngắt thiết bị giám sát hành trình. Các đội công tác địa bàn của BĐBP cũng trực tiếp đến từng nhà chủ tàu để tuyên truyền, vận động không vi phạm các khuyến nghị của EC, nhất là nghiêm cấm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, ngư dân ngày càng nhận thức rõ hơn rằng, việc gỡ "thẻ vàng" không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mang lại lợi ích trực tiếp cho chính họ.

Là một trong những cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau, xã Sông Đốc hiện có hơn 2.000 tàu cá. Theo quy định, trước khi ra khơi, mỗi chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên đều được cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng nhắc nhở việc chấp hành các quy định trong quá trình hoạt động trên biển.

Ông Lê Văn Quang, ngư dân xã Sông Đốc, chủ sở hữu 3 tàu đánh cá cho biết: "Nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên được BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền, tập huấn về các quy định pháp luật trong khai thác thủy sản. Chúng tôi nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, cam kết tuyệt đối không vi phạm các quy định IUU. Trước khi tàu xuất bến hoặc thông qua liên lạc từ bờ ra biển, BĐBP đều nhắc nhở thuyền trưởng hoạt động đúng vùng, tuyến, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật".

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kiên quyết xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm quy định về IUU, nhất là những trường hợp khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau đã phát hiện, xử phạt 33 vụ/36 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Khánh Tiến, BĐBP tỉnh Cà Mau phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trước khi ra khơi. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Đồn Biên phòng Khánh Tiến, BĐBP tỉnh Cà Mau phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trước khi ra khơi. Ảnh: Lê Khoa

Điển hình, ngày 30/6, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với một người là đồng sở hữu tàu, một thuyền trưởng và một máy trưởng tàu cá vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Các hành vi vi phạm gồm: không làm thủ tục trình báo tại trạm kiểm soát Biên phòng; giấy phép khai thác thủy sản hết hạn; cải hoán tàu không đúng thiết kế kỹ thuật đã phê duyệt; thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối; thuyền viên không mang theo giấy tờ tùy thân; không có sổ danh bạ thuyền viên; không mua bảo hiểm cho thuyền viên; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng, chứng chỉ... Tổng mức phạt hơn 500 triệu đồng.

Theo diễn biến vụ việc, ông Phan Văn Nhu (sinh năm 1986, ngụ tại xã Sông Đốc) thuê lại tàu cá CM 99658 TS của ông Nguyễn Văn Nữa (sinh năm 1965, cùng ngụ tại xã Sông Đốc) trong thời hạn 5 năm. Ngày 12/12/2024, ông Nhu giao cho Phạm Minh Tý (sinh năm 1996) làm thuyền trưởng, Trần Văn Hiếu (sinh năm 1995) làm máy trưởng, hành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng đi có 3 thuyền viên. Tàu xuất bến qua cửa biển Gành Hào, nhưng không trình báo trạm kiểm soát Biên phòng. Đến ngày 14/12/2024, Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau phát hiện tàu CM 99658 TS vượt ranh giới sang vùng biển Malaysia và yêu cầu quay lại vùng biển Việt Nam. Ngày 15/12/2024, khi phát hiện tàu hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tổ tuần tra thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã lập biên bản và dẫn giải về đất liền để điều tra. Qua công tác phối hợp xác minh giữa các lực lượng chức năng, ông Nhu, ông Tý và ông Hiếu đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật khi đưa tàu cá ra biển hoạt động.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình trên biển, kịp thời phát hiện, xác minh, điều tra các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý 100% các trường hợp vi phạm khai thác IUU; chỉ đạo các đơn vị duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm soát biên phòng, quản lý chặt chẽ tàu cá ra vào hoạt động trên biển; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền vùng biển kết hợp chống khai thác IUU, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần cùng các địa phương ven biển cả nước bước vào giai đoạn “nước rút” triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp gỡ "thẻ vàng" của EC.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ca-mau-quyet-tam-thao-go-the-vang-cua-uy-ban-chau-au-post492220.html
Zalo