Cá chép tiễn ông Công, ông Táo 'về trời' nhuộm sắc đỏ chợ Yên Sở.
Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống tại khu vực bán cá chép đỏ trong chợ Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) cảnh tấp nập các thương lái đổ về đây mua, bán cá chép đỏ phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong ngày cúng Tết ông Công, ông Táo (23 tháng chạp).
Cá chép đỏ được coi là một trong những vật phẩm không thể thiếu trong mâm cỗ ngày 23 tháng Chạp. Do vậy việc lựa các con cá đều, khỏe để bày lên ban thờ cúng được nhiều gia đình chú trọng.
Theo các chủ cửa hàng ở đây, cá chép đỏ chủ yếu được các thương lái vận chuyển từ các tỉnh lân cận (Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên...) đến.
Theo các tiểu thương, một vài năm trở lại đây Hà Nội còn rất ít ao hồ, hơn nữa nguồn nước ô nhiễm do vậy nhiều gia đình đã chuyển sang cá giấy để bày trên mâm cỗ ngày Tết ông Công, ông Táo do vậy giá thành cá thật cũng giảm.
Việc phân loại cá theo kích cỡ rất quan trọng, bởi khi người dân mua cá luôn chọn 1 đôi hoặc 3 con cá phải đều nhau.
"Năm trước giá cá phóng sinh từ 200.000 - 250.000/kg thì năm nay chỉ dao động từ 80.000 đến 150.000/kg tùy vào kích cỡ của cá" - một tiểu thương cho biết.
Để cá khỏe, có thể bán trong vòng 1 đến 2 ngày, các tiểu thương phải liên tục tạo oxy trong những chậu cá.
Theo quan niệm từ xưa của ông cha ta, ngoài việc là một vị thần cai quản, giám sát mọi hoạt động trong gia đình của gia chủ thì Táo quân còn được xem là vị thần có thể giúp ngăn những điều không tốt vào nhà, giữ cho gia đình được bình yên. Do đó, việc thờ cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa cầu mong sự yên bình, ấm no, đủ đầy trong năm mới, sau đó là ý nghĩa thờ "thần Bếp" cai quản việc bếp núc trong gia đình.
Tuấn Anh