Bước tiến quan trọng của Indonesia trong quá trình gia nhập OECD

Indonesia đạt những cột mốc quan trọng trong quá trình gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với mục tiêu trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập tổ chức này.

Nhân dịp Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2025, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã đệ trình Bản Ghi nhớ Khởi đầu của Indonesia lên Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình gia nhập OECD.

Bản Ghi nhớ Khởi đầu là bản tự đánh giá sơ bộ về mức độ phù hợp giữa pháp luật, chính sách và thực tiễn của Indonesia với các tiêu chuẩn và thông lệ của OECD. Đây là bước khởi đầu cho giai đoạn kỹ thuật toàn diện trong tiến trình gia nhập OECD.

Indonesia cũng đã đệ trình yêu cầu chính thức tham gia Công ước Chống hối lộ của OECD – một trong những tiêu chuẩn trọng điểm của tổ chức này, tạo nền tảng pháp lý cho các quốc gia trong cuộc chiến chống hối lộ ở nước ngoài. Việc tham gia và thực thi hiệu quả Công ước Chống hối lộ của OECD là một phần không thể tách rời trong quá trình gia nhập OECD.

"Indonesia là một quốc gia có vai trò quan trọng trên trường quốc tế và thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Bằng việc thực hiện những bước đi quan trọng ngày hôm nay, Indonesia đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về cam kết của mình trong việc tuân thủ và góp phần định hình các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất toàn cầu," Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu.

"Việc gia nhập OECD là một quá trình chuyển đổi tích cực, hỗ trợ tham vọng của Indonesia trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045. Đối với OECD, Indonesia mang đến những ý kiến quan trọng, góp phần tăng cường hơn nữa ảnh hưởng toàn cầu của tổ chức", ông Mathias Cormann chia sẻ.

Theo lộ trình gia nhập của Indonesia được 38 quốc gia thành viên OECD thông qua cách đây một năm, một cuộc đối thoại kỹ thuật chuyên sâu sẽ được tổ chức với sự tham gia của 25 ủy ban chuyên môn, bao gồm nhiều lĩnh vực chính sách như phòng chống tham nhũng và tăng cường liêm chính, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường hiệu quả, cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, cuộc khảo sát nội bộ cho thấy tư cách thành viên của Indonesia trong OECD có thể tăng thêm 0,37% lượng đầu tư từ các thành viên và hỗ trợ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 0,94%.

Việc tăng đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Ông Airlangga cho rằng bằng cách mở ra những cơ hội mới trong thương mại, đầu tư và hợp tác, quá trình gia nhập OECD của Indonesia sẽ mang lại lợi ích củng cố lẫn nhau cho OECD và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc gia nhập OECD sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Indonesia vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu này cần có sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan.

Tư cách thành viên OECD cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế để hiện thực hóa tầm nhìn Indonesia Vàng 2045.

Indonesia là Đối tác Chính của OECD từ năm 2007 và vào năm 2014, Indonesia đã đảm nhận vai trò đồng chủ tịch đầu tiên trong Chương trình khu vực Đông Nam Á của OECD.

Trước đó, ngày 20/2/2024, Hội đồng OECD đã đưa ra quyết định mở các cuộc thảo luận về việc gia nhập với Indonesia, giúp Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập tổ chức này.

Thách thức và cơ hội khi gia nhập OECD

Theo trang thông tin của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), không chỉ có Indonesia, OECD cũng đang bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Thái Lan, một động thái lịch sử có thể mở đường cho các quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập khối 38 quốc gia này.

Việc Indonesia và Thái Lan nộp đơn xin gia nhập OECD không chỉ là động thái chiến lược của chính các quốc gia này mà còn là sự thay đổi đáng kể trong động lực quản trị toàn cầu theo hướng toàn diện và phù hợp hơn.

Indonesia là Đối tác chủ chốt của OECD từ năm 2007, cùng với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Các quốc gia này tham gia vào công việc hàng ngày và các cuộc thảo luận chính sách của OECD. Trong khi đó, Thái Lan đã có mối quan hệ hợp tác với OECD trong hơn 2 thập kỷ.

Tuy nhiên, việc gia nhập OECD không hề dễ dàng. Indonesia và Thái Lan sẽ cần thực hiện những cải cách lớn trong nhiều lĩnh vực, từ chính sách khí hậu và chuyển đổi số đến các nỗ lực phòng chống tham nhũng.

Mặc dù vậy, những cải cách cần thiết để gia nhập OECD có thể tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới tính theo sức mua tương đương và là quốc gia Đông Nam Á duy nhất trong nhóm G20. Trong khi đó, Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ 2 tại Đông Nam Á và, cùng với Indonesia, là thành viên sáng lập của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, chỉ có hai quốc gia châu Á khác, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, là thành viên của OECD.

Hơn nữa, trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể. Các nước ngoài OECD như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại và hợp tác quốc tế, làm tăng nhu cầu đa dạng hóa thành viên của OECD.

Các chuyên gia lưu ý rằng việc Indonesia và Thái Lan gia nhập OECD sẽ giúp tổ chức này duy trì vị thế trong một thế giới mà sức mạnh kinh tế đang chuyển dịch về phía châu Á. Điều này cũng sẽ giúp OECD đại diện tốt hơn cho nền kinh tế toàn cầu, mang lại cho tổ chức này tính chính danh cao hơn khi thiết lập các tiêu chuẩn và chính sách quốc tế.

OECD là một diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cùng nhau bàn bạc giải quyết các vấn đề kinh tế của bản thân họ và của thế giới. OECD đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cao về kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao./.

Phòng Quốc tế-Đối ngoại

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/buoc-tien-quan-trong-cua-indonesia-trong-qua-trinh-gia-nhap-oecd-102250714150306799.htm
Zalo