Bước ngoặt thể chế vì khát vọng Việt Nam hùng cường

Chưa bao giờ yêu cầu 'trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt' lại được đặt ra quyết liệt như hiện nay, khi cả hệ thống chính trị đang cùng nhau chuyển mình để vận hành một mô hình chính quyền mới - nơi bộ máy được tinh gọn tối đa, quyền hạn được phân định rõ ràng và hiệu quả phục vụ người dân được đặt lên hàng đầu. Đây không đơn thuần là một cuộc sắp xếp hành chính, mà là bước hiện thực hóa sâu sắc tư duy đổi mới mà Đảng ta đã kiên trì từ Đại hội VI đến nay.

Chính thức vận hành chính quyền hai cấp

Ngày 30/6/2025 đã đi vào lịch sử như một dấu mốc đặc biệt trong hành trình đổi mới thể chế của đất nước. Trên khắp các địa phương, Lễ công bố nghị quyết và quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã được tổ chức trang trọng, đồng loạt và thống nhất. Sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Lương Cường tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Cần Thơ, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Đảng, Nhà nước có mặt ở các địa phương… cho thấy không khí “chuyển mình” trên cả nước đang thực sự sôi động và lan tỏa mạnh mẽ.

Theo các nghị quyết và quyết định được công bố, hàng loạt tỉnh, thành phố mới đã chính thức ra mắt trên cơ sở hợp nhất như TP. Hồ Chí Minh (mới) từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hải Phòng từ Hải Phòng và Hải Dương; Thành phố Đà Nẵng từ Đà Nẵng và Quảng Nam... Mô hình chính quyền địa phương hai cấp - cấp tỉnh và cấp xã - từ hôm nay (1/7/2025) chính thức đi vào vận hành thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Dù phía trước vẫn còn không ít thách thức về tổ chức thực thi, điều phối hoạt động và tâm lý xã hội, những thách thức trên thực tế đặt ra ở từng địa phương, địa bàn… nhưng với quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận sâu rộng, có thể kỳ vọng rằng mô hình chính quyền mới sẽ sớm vận hành ổn định, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Mô hình chính quyền hai cấp nằm trong quá trình cải cách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia. Việc tinh giản bộ máy không chỉ giúp loại bỏ các tầng, nấc trung gian không cần thiết, mà còn tổ chức lại không gian phát triển theo hướng hợp lý hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán nguồn lực. Khi chính quyền cấp tỉnh và cấp xã được phân quyền và phân cấp một cách rõ ràng, sát thực tiễn, năng lực điều hành được yêu cầu phải tự thân nâng cao, trách nhiệm được gắn chặt, khả năng tiếp cận và giải quyết các nhu cầu của người dân sẽ được cải thiện căn bản.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ngày 30/6

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ngày 30/6

Đoàn kết, tự tin bước vào giai đoạn mới

Như phát biểu tại lễ công bố ngày 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, mô hình chính quyền hai cấp không chỉ nhằm sắp xếp lại bộ máy nhà nước, mà còn là một phần trong chiến lược tổng thể để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Việc cải cách hành chính lần này có ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ tổ chức bộ máy thông thường, mà góp phần định hình lại mô hình quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch, hiệu quả, sẵn sàng đồng hành cùng các mục tiêu phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, để những mục tiêu lớn ấy có thể thành hiện thực, yếu tố quyết định lại nằm ở sự đoàn kết nội bộ trong từng cấp chính quyền, từng địa phương, từng cơ quan và tổ chức. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, việc thiếu đoàn kết, nếu xảy ra, có thể làm nảy sinh nhiều thách thức và nguy cơ. Trong quá trình tổ chức lại bộ máy, không ít cán bộ sẽ phải điều chuyển, có người mất vị trí hoặc thay đổi chức vụ, có người chưa hài lòng với phân công mới… Nếu thiếu sự công minh và tinh thần vì đại cục, dễ phát sinh tâm lý tiêu cực, “bằng mặt không bằng lòng”, thậm chí cản trở việc hợp nhất hiệu quả.

Không chỉ trong nội bộ cán bộ, tâm lý “cục bộ địa phương” cũng là một rào cản đáng kể bởi mỗi cá nhân đều có tình cảm đặc biệt và niềm tự hào với quê hương, bản quán hay nơi mình đã từng gắn bó. Khi sáp nhập địa phương, những băn khoăn về tên gọi mới, vị trí trụ sở, hay việc phân bổ nhân sự dễ tạo nên tâm lý so sánh thiệt hơn. Thêm vào đó, khác biệt về văn hóa, tập quán và trình độ phát triển giữa các đơn vị hành chính cũng đặt ra thách thức lớn. Việc sáp nhập giữa tỉnh miền núi với tỉnh đồng bằng, hay giữa địa phương “giàu” với tỉnh “nghèo” đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải thực sự công tâm và có tầm nhìn, nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực và hài hòa lợi ích phát triển. Thiếu công bằng trong phân bổ nguồn lực rất dễ dẫn tới bất bình đẳng vùng miền, làm rạn nứt khối đoàn kết chung.

Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn sẵn sàng lợi dụng những khó khăn này để xuyên tạc, gây chia rẽ, phá hoại sự đồng thuận xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu sắp xếp bộ máy và ổn định, phát triển đất nước. Đó chính là những nguy cơ hiện hữu, không thể chủ quan coi nhẹ.

Bởi vậy, đoàn kết - như Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh - không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động, là cốt lõi của thành công trong cải cách thể chế. Phải đề cao tinh thần nêu gương, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên. Phải minh bạch, công khai trong mọi quyết định nhân sự, phân bổ nguồn lực, để xây dựng lòng tin trong nội bộ và sự đồng thuận trong dân. Mỗi chính sách cần lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, như một nền tảng đạo lý và chính trị để giữ vững sự thống nhất trong toàn hệ thống.

“Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ tập thể cùng truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính và vận hành chính quyền địa phương hai cấp nhất định sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Sức mạnh của đoàn kết một lần nữa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại, biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.

trích từ bài viết: “Sức mạnh của đoàn kết” của Tổng Bí thư Tô Lâm

Cùng với việc gìn giữ khối đoàn kết, Trung ương cũng chủ động tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho mô hình mới. Chính phủ đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để đảm bảo khung pháp lý phù hợp, theo đó đã có hơn 1.000 nội dung được phân cấp. Trong đó, hơn 600 nhiệm vụ trước đây do cấp huyện đảm nhận đã được chuyển về cấp tỉnh (khoảng hơn 90 nhiệm vụ) và cấp xã (hơn 500 nhiệm vụ), giúp tăng cường hiệu quả quản lý ở cả hai cấp.

Việc phân quyền mạnh mẽ không chỉ trao quyền mà còn đòi hỏi năng lực thực thi tương xứng. Chính quyền cấp xã hiện nay sẽ giữ vai trò trực tiếp giải quyết các vấn đề dân sinh, nên cần có đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, hệ thống số hóa hiện đại và cơ chế giám sát hiệu quả. Đây là những điều kiện tiên quyết để mô hình mới hoạt động thông suốt và thực sự “gần dân, vì dân”.

Không thể phủ nhận rằng cải cách tổ chức bộ máy ở quy mô lớn như hiện nay sẽ gặp không ít thử thách trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, nếu toàn hệ thống chính trị đoàn kết, đồng lòng, thông suốt về tư tưởng và hành động, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Giải pháp then chốt vẫn là phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, đề cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đồng thời tăng cường truyền thông, đối thoại, và minh bạch trong mọi quyết sách. Mô hình chính quyền mới phải phục vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn, đặt cải thiện đời sống người dân và đây sẽ là thước đo cho mọi cải cách thể chế. Bài học từ lịch sử cũng như từ thực tiễn cải cách cho thấy: khi lòng dân đồng thuận, khi trên dưới cùng một ý chí, thì không có thử thách nào là không thể vượt qua. Điều đó tiếp thêm niềm tin rằng, mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là một cấu trúc mới về hành chính, mà còn là một cột mốc cho sự phát triển mới - nơi nhà nước phục vụ, xã hội phát triển, người dân được đặt vào trung tâm của mọi chính sách. Đây là một trong những nền tảng cơ sở rất quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/buoc-ngoat-the-che-vi-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-166621.html
Zalo