Bùng phát dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang xảy ra ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ bùng phát mạnh. Hiện, ngành chức năng đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Chính quyền địa phương và người dân tổ chức tiêu hủy đàn lợn - Ảnh: T.H

Chính quyền địa phương và người dân tổ chức tiêu hủy đàn lợn - Ảnh: T.H

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Ngày 15/5/2025, DTLCP phát sinh tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Kim Phú. Mặc dù chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục phát sinh và lây lan ra nhiều địa phương khác.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 13/7/2025, toàn tỉnh có 43 thôn/11 xã (Kim Phú, Tân Thành, Đồng Lê, Tân Gianh, Quảng Trạch, Phong Nha, Tuyên Lâm, Tuyên Sơn, Trung Thuần, Hòa Trạch và Cồn Tiên) xảy ra DTLCP. Tổng số lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy là 1.801 con, tổng trọng lượng tiêu hủy gần 103 tấn. Hiện DTLCP ở xã Kim Phú đã qua 21 ngày, 10 ổ dịch còn lại chưa qua 21 ngày.

Xã Quảng Trạch là địa phương có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Địa phương này có 10/13 thôn đã có bệnh DTLCP với 110 hộ dân có lợn chết. Chính quyền địa phương đã tiêu hủy hơn 883 con lợn, với tổng trọng lượng gần 49 tấn, nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn có nguy cơ trắng tay vì DTLCP.

Chị Nguyễn Thị Vinh, thôn Hướng Phương có trang trại nuôi lợn với quy mô hơn 200 con. Khu trang trại cách biệt với khu dân cư nên nhiều năm nay, chị luôn yên tâm với công tác phòng, chống dịch bệnh của gia đình. Thế nhưng, cách đây 5 ngày, lợn bị bệnh và chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Chị Vinh cho biết: Khi nghe tin DTLCP xuất hiện trên địa bàn, vợ chồng chị không dám đi ra ngoài, khu chuồng trại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Dù đã rắc vôi, phun thuốc khử trùng cẩn thận nhưng không biết lây lan từ đâu mà mới 5 ngày, dịch bệnh đã làm chết 56 con lợn với trọng lượng gần 25 tấn. Nhìn lợn chết hàng loạt mà bất lực, hiện trong chuồng còn 15 con lợn nái, 50 con lợn thương phẩm và gần 100 con lợn giống nhưng có nguy cơ mất trắng.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch Trần Quốc Tuấn cho biết, ngay sau khi xác định lợn chết do DTLCP, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, cơ quan chức năng phối hợp với trưởng thôn, cung cấp các loại thuốc tiêu độc, khử trùng và hỗ trợ, hướng dẫn người dân tổ chức chôn lấp lợn chết tại khu vực chăn nuôi. Đối với các đàn lớn, chính quyền xã thuê xe và nhân lực vận chuyển đến các vị trí xa khu dân cư để tiêu hủy theo quy định.

Không chỉ xã Quảng Trạch, tại nhiều địa phương, DTLCP đang bùng phát mạnh, như: Xã Phong Nha có 67 hộ/10 thôn với 447 con lợn bị chết và tiêu hủy, trọng lượng gần 30 tấn; xã Tân Thành có 13 hộ/6 thôn với 64 con, trọng lượng gần 6 tấn; xã Trung Thuần có 24 hộ/3 thôn với 200 con, trọng lượng hơn 6 tấn; xã Tuyên Lâm có 26 hộ/1 thôn, 2 bản với 73 con chết, trọng lượng 5,5 tấn...

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, để phòng chống DTLCP, người dân cần thực hiện triệt để "5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Tăng cường các giải pháp

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Dương Viết Phương Tuấn cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch bệnh bùng phát mạnh và lây lan nhanh là do thời tiết diễn biến bất lợi, nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa giông tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi chưa kiểm soát chặt chẽ con giống, phương tiện ra vào cơ sở; tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn còn thấp; người chăn nuôi chưa chủ động khai báo khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh DTLCP... Chính vì vậy nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Chính quyền địa phương và người dân tổ chức tiêu hủy đàn lợn - Ảnh: T.H

Chính quyền địa phương và người dân tổ chức tiêu hủy đàn lợn - Ảnh: T.H

Để hạn chế lây lan dịch bệnh, chi cục đã phối hợp và hướng dẫn chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Theo đó, khi có tin báo, đơn vị đã lấy và gửi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân bệnh; hướng dẫn địa phương tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn bị chết do bệnh; tiến hành rà soát tổng đàn lợn; triển khai tiêu độc khử trùng môi trường; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn tại các lò mổ và các điểm buôn bán thịt lợn.

Ngoài ra, chi cục đã cấp hơn 1.420 lít VIA-IODINE cho các địa phương triển khai tiêu độc khử trùng vùng dịch và vùng nguy cơ; phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, bao vây dập dịch không để lây lan diện rộng.

Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát, UBND tỉnh đã có công điện số 01/CĐ-UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn. Theo đó, để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP nhằm khống chế xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP theo đúng quy định của Luật Thú y, các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đối với UBND các xã, phường, đặc khu cần thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn, kịp thời tham mưu xây dựng phương án ứng phó khi dịch bệnh có nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh trên địa bàn cấp xã; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn; chủ động công bố dịch, công bố hết dịch đúng thẩm quyền; tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bung-phat-dich-ta-lon-chau-phi-195837.htm
Zalo