Bùng nổ thi văn chương - bẫy lừa và mua danh?

Chưa có thống kê nào cho biết một năm ở Việt Nam có bao nhiêu cuộc thi viết văn chương nhưng nhiều người cầm bút chuyên nghiệp nhận định: Nhiều như nấm sau mưa. Chỉ tiếc là, số lượng không tỉ lệ thuận với chất lượng, không hiếm lình xình ở sân chơi này, từ bẫy lừa tới mua danh.

Thi viết chữa lành bị lừa rỗng ví

Cơn sốt “chữa lành” chưa hạ nhiệt. Không chỉ phim ảnh, văn chương hôm nay cũng nhiệt tình khai thác đề tài chữa lành. Mới đây, một đơn vị sở hữu ứng dụng sách nói còn non trẻ đã tổ chức cuộc thi Viết chữa lành, dành cho tất cả những người yêu viết lách, đam mê kể chuyện, không giới hạn độ tuổi, nơi ở và lĩnh vực nghề nghiệp. Mỗi thí sinh được gửi không giới hạn bài viết. Giải thưởng của cuộc thi thoạt nghe khá hấp dẫn: Tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Nhưng thực tế, lượng tiền mặt cho giải nhất, giải nhì, giải ba không cao. Giải nhất (1 giải) nhận được 10 triệu đồng tiền mặt; Giải nhì (2 giải): 3 triệu đồng…

Ngoài tiền mặt, những người ẵm giải sẽ nhận được mã nghe sách qua ứng dụng của đơn vị tổ chức. 200 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi sẽ được chuyển thể thành sách nói trên ứng dụng sách nói của đơn vị tổ chức. Cách thức tham gia cuộc thi gồm 3 bước, trong đó bước 1 có phần hơi giống phương thức bán hàng trực tuyến: “Like + share công khai bài viết trên Facebook + tag 3 bạn vào comment (bình luận) để cùng tham gia”.

Giải thưởng Văn học Hà Nội 2024 thu hút sự quan tâm của độc giả yêu văn chương Ban tổ chức cảnh báo fanpage lừa đảo

Bắt đúng cơn sốt “chữa lành”, tổng giá trị giải thưởng có tính giật gân, cách thức tham gia yêu cầu thí sinh “gánh” vai trò lan tỏa thông tin cuộc thi và lôi kéo những người khác cùng “lên thuyền” nên cuộc thi viết chữa lành của ứng dụng sách nói thu hút không ít người quan tâm.

Nhưng bẫy lừa không đến từ đơn vị tổ chức mà từ những kẻ trục lợi văn chương. Theo lời kể của một nạn nhân: Chị đọc thông tin trên fanpage Cuộc thi Viết Chữa Lành – 2025. Vì muốn được tham gia nên chị đã nhắn tin cho fanpage và nhận được mẫu điền thông tin đăng ký, được cấp mã thí sinh.

Sau đó chị tham gia ứng dụng Lotus Chat thì bị một nhóm người lừa đảo tinh vi hướng dẫn chuyển tiền, với số tiền cứ tăng dần, tổng cộng chị bị lừa 746.420.000 đồng, là tất cả số tiền vợ chồng chị đã chắt chiu và mượn thêm bạn bè. Trên nhóm Viết chữa lành với hơn 13 ngàn thành viên, đơn vị tổ chức đã cảnh báo chiêu trò lừa đảo này và khẳng định: Cuộc thi hoàn toàn miễn phí.

Trong lúc các nạn nhân than khóc vì bị lừa tiền (rất nhiều người, trường hợp kể trên chỉ là người bị lừa nhiều nhất), ban tổ chức cuộc thi lên tiếng về fanpage lừa đảo: “Không có đơn vị hỗ trợ truyền thông nào rảnh tới mức không dẫn link cuộc thi để cây viết tham gia luôn, còn phải “IBOX hỗ trợ”. Mọi người tỉnh táo nhé”.

Lúc này, một fanpage có tên Cuộc thi Viết văn Chữa lành 2025 vẫn ngang nhiên hoạt động. Fanpage này tự ý sửa giá trị giải thưởng ở mỗi giải cho tăng phần hấp dẫn: Giải nhất 100 triệu đồng tiền mặt; Giải nhì 50 triệu đồng tiền mặt; Giải ba 25 triệu đồng tiền mặt. Lại còn tặng kèm 200 vé máy bay khứ hồi đến Paris vào tháng 12/2025!

Sau màn quảng cáo chấn động, fanpage mời gọi: gửi tin nhắn riêng ngay hôm nay để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết. Chỉ cần chạm vào hình ảnh đính kèm bài viết lập tức bạn đã chuyển sang chế độ nhắn tin riêng cho cuộc thi.

Trong vai người muốn tham gia cuộc thi viết văn chữa lành, phóng viên gửi tin nhắn đến fanpage liền nhận được phiếu đăng ký cuộc thi Viết chữa lành cùng với mã thí sinh: EASE203, hệt hành trình bị lừa của nạn nhân mất 746.420.000 đồng.

Đợi một hồi, không thấy phóng viên điền vào phiếu đăng ký, admin (quản trị viên) hỏi han: “Không biết chị đã điền thông tin tham dự cuộc thi xong chưa ạ?”. Nhiều người thắc mắc: Có phải fanpage Cuộc thi Viết Chữa Lành - 2025” và fanpage Cuộc thi Viết Văn Chữa lành 2025 là một, chỉ khác cái tên?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Không hiểu sao người ta lại dễ dàng tin để mất tiền? Bởi không có một cuộc thi văn chương nào lại bắt người tham gia phải đăng ký, xác nhận các kiểu, rồi còn phải nộp tiền. Hiện nay, chúng ta đang sống trong bẫy công nghệ thông tin. Bao nhiêu chuyện lừa đảo trên mạng ở các lĩnh vực khác nhau. Con người càng lệ thuộc vào tối tân hiện đại lại càng khờ dại”.

Chưa có thuốc chữa bệnh háo danh

Vì sao các cuộc thi văn chương mọc lên như nấm sau mưa và không ít cuộc dính lùm xùm? “Đánh vào “bệnh” háo danh của nhiều người thôi. Nói thật thì phũ phàng”, nhà văn Đặng Lưu San nhìn nhận. Nhà thơ Trần Nhương cho rằng, một số người dễ dính bẫy lừa qua các cuộc thi văn chương cũng một phần vì “căn bệnh” này.

Nhà thơ Đặng Huy Giang: Có nhiều cuộc thi văn chương ở ta "rất vớ vẩn"

Nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định, ở ta có nhiều cuộc thi văn chương “rất vớ vẩn”. Những kẻ bất tài có thể mua giải hoặc chỉ cần được nhận giải, không cần tiền giải thưởng: “Cuộc thi do Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm tổ chức cũng từng vướng chuyện buồn. Một người tham dự năn nỉ một thành viên ban tổ chức: Anh trao giải cho em đi, tiền giải thưởng em không lấy. Chúng tôi, những thành viên ban tổ chức, đã phản ứng: Tạp chí tổ chức một cuộc thi nghiêm chỉnh không phải để trao giải thưởng “láo”.

Tôi biết có cuộc thi văn chương cấp thành phố hẳn hoi, giải thưởng trị giá 10 triệu đồng nhưng ban tổ chức chỉ trao 3 triệu đồng cho người được giải, vì người ấy không cần tiền, thậm chí có người ẵm giải còn chẳng nhận đồng tiền thưởng nào. Thứ họ cần là danh. Lại có những cuộc thi chưa chấm đã báo kết quả giải thưởng cho thí sinh rồi”. Một số người cầm bút chuyên nghiệp đồng tình: Văn chương hôm nay cũng thành… một thứ để làm ăn?!

Nhà thơ Đặng Huy Giang tiếp tục vén màn: “Nhiều người làm thơ hay nhận được công văn của những tổ chức, câu lạc bộ mời gửi thơ để in sách. Nhưng họ không in miễn phí, mà đề nghị người muốn có thơ in trong sách phải nộp tiền. Ngay một số cuộc thi thơ mang danh quốc tế cũng núp dưới chiêu bài này. Đơn vị tổ chức thu lệ phí, người tham gia mất tiền nhưng được danh”.

Văn hóa đọc đi xuống không đồng nghĩa với việc người yêu thích viết văn giảm đi. Một nhà văn nói: “Tham gia các cuộc thi viết văn để biết khả năng của mình đến đâu không có gì sai, thậm chí nên cổ vũ, vì viết văn là phương pháp giải tỏa, chữa lành tốt. Nhưng người tham gia nên tỉnh táo lựa chọn những cuộc thi có uy tín. Trong quá khứ, những cuộc thi văn chương uy tín của Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã từng tìm ra những tác giả sau này thành danh. Thí dụ, Y Ban với Thư gửi mẹ Âu Cơ giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Các cuộc thi của Báo Văn Nghệ phát hiện ra nhiều tài năng như Nguyễn Duy, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Việt Chiến… Cuộc thi Tác phẩm Tuổi Xanh do Báo Tiền Phong tổ chức cũng tìm ra rất nhiều tác giả về sau thành danh…”.

Nhiều cuộc thi viết không lan tỏa và thu hút như đơn vị tổ chức tự quảng cáo. Một tác giả từng được mời làm giám khảo một cuộc thi thơ kể: “Lượng người tham gia rất ít. Bây giờ nhiều cuộc thi thơ cho phép người tham gia không hạn chế số lượng tác phẩm. Chúng tôi nhận được vài trăm bài thơ nhưng thực tế chỉ có vài chục người tham gia thôi. Chất lượng thơ khá tệ, là dạng thơ phong trào”.

Nhà văn Đặng Lưu San không tin những cuộc thi viết văn bùng nổ sẽ giúp văn học nước nhà mạnh hơn. Theo bà: “Văn học phải là cái nhìn và sự hiểu biết sâu sắc về xã hội, thời cuộc, con người của một giai đoạn lịch sử. Cũng có thể trong các cuộc thi tìm ra vài người viết tốt nhưng đó chỉ là điểm sáng, chứ không phải nhờ vào các cuộc thi mà nền văn học nước nhà được nâng cao. Thậm chí còn phát sinh tiêu cực như mua giải chẳng hạn”.

Nhà văn Đặng Lưu San: Tôi không tin những cuộc thi viết văn bùng nổ sẽ giúp văn học nước nhà mạnh hơn

Nhà thơ Đặng Huy Giang tiết lộ: “Nhiều người làm thơ hay nhận được công văn của những tổ chức, câu lạc bộ mời gửi thơ để in sách. Nhưng họ không in miễn phí, mà đề nghị người muốn có thơ in trong sách phải nộp tiền. Ngay một số cuộc thi thơ mang danh quốc tế cũng núp dưới chiêu bài này. Đơn vị tổ chức thu lệ phí, người tham gia mất tiền nhưng được danh”.

Một nhà nghiên cứu phê bình văn học từng dính bẫy lừa sách giả khi mua sách online, bình luận: “Lợi dụng sức hút từ một cuộc thi văn chương để gài bẫy lừa là một trong những thứ nguy hiểm của thời mạng xã hội phát triển.

Thời buổi này cái gì cũng có thể bị lợi dụng bằng những phương tiện hiện đại hơn xưa rất nhiều, văn chương đang nằm trong vòng xoáy đó”.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bung-no-thi-van-chuong-bay-lua-va-mua-danh-post1759676.tpo
Zalo