Brazil nỗ lực đưa thịt bò lên bàn ăn thế giới

Brazil có hàng trăm triệu con bò, nhưng có một con đặc biệt với hình thể khác thường, 'cô bò' trắng như tuyết đó được theo dõi bởi camera an ninh, bác sĩ thú y và đội ngũ bảo vệ nghiêm ngặt.

Bò Viatina-19 là sản phẩm sau nhiều năm nỗ lực nuôi những con bò siêu thịt của Brazil. Nguồn: AP.

Bò Viatina-19 là sản phẩm sau nhiều năm nỗ lực nuôi những con bò siêu thịt của Brazil. Nguồn: AP.

Lai tạo những con bò “ưu tú”

Trị giá 4 triệu USD, Viatina-19 là con bò đắt nhất từng được bán đấu giá, theo Kỷ lục Guinness thế giới. Đây là mức giá gấp 3 lần so với giá của con bò giữ kỷ lục gần nhất. Với trọng lượng 1.100kg, “cô bò” Viatina-19 nặng gấp đôi so với một con bò trưởng thành cùng giống.

Dọc theo đường cao tốc xuyên qua khu trung tâm của Brazil, chủ sở hữu của Viatina-19 đã dựng 2 bảng quảng cáo về những điểm vô cùng đặc biệt của nó và vẫy gọi các chủ trang trại, người dân và các đoàn xe buýt chở sinh viên thú y đến xem siêu bò.

Có thể thấy, hiện thân cho tham vọng chăn nuôi gia súc của Brazil là “cô bò” Viatina-19. Đây là sản phẩm của nhiều năm nỗ lực nuôi những con bò siêu thịt. Những con bò đoạt giải được bán trong các cuộc đấu giá đặt cược cao, đến mức các chủ trang trại giàu có cùng tìm cách chia sẻ quyền sở hữu. Họ lấy trứng và tinh dịch từ những con vật vô địch, tạo phôi và cấy chúng vào những con bò thay thế mà họ hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm tuyệt vời tiếp theo.

“Chúng tôi không giết mổ gia súc ưu tú mà nhân giống chúng. Và ở cuối chặng đường, đó sẽ là nguồn thực phẩm nuôi sống cả thế giới” - một trong những người chủ của Viatina-19, bà Ney Pereira cho biết sau khi đến trang trại của mình bằng trực thăng ở bang Minas Gerais.

Sự bùng nổ hàng hóa vào những năm 2000 đã thúc đẩy nền nông nghiệp Brazil, đặc biệt khi Trung Quốc tăng cường mua đậu nành và thịt bò. Ngày nay, ảnh hưởng của nông nghiệp mở rộng tới Quốc hội Brazil và ý thức dân tộc.

Hiện Brazil và Mỹ đang đi đầu trong lĩnh vực di truyền gia súc. Ông João Henrique Moreira Viana, nhà nghiên cứu nguồn gen và công nghệ sinh học tại tập đoàn nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ Brazil cho biết, nước này thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Động lực của kinh tế Brazil

Ở Brazil, 80% số bò là loài Zebus, một phân loài có nguồn gốc ở Ấn Độ với bướu và diềm đặc biệt. Viatina-19 thuộc giống Nelore, được nuôi để lấy thịt và chiếm phần lớn nguồn cung của Brazil.

Những con bò Zebus đầu tiên đến Brazil vào nửa sau thế kỷ 19 và chúng tỏ ra cứng cáp hơn nhiều so với những con bò đến từ châu Âu. Chúng chịu đựng được với cái nóng oi bức của vùng nhiệt đới, tỏ ra có khả năng kháng ký sinh trùng và tăng cân nhanh hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, những con bò như Viatina-19 rất hiếm ở Brazil, nơi có hơn 230 triệu con bò.

Theo báo cáo được công bố vào tháng trước của Ngân hàng Thế giới (WB), trong tổng lượng khí thải nhà kính của Brazil, 86% có liên quan đến sản xuất thực phẩm, chủ yếu là thịt bò và đậu nành. Những vùng rừng nhiệt đới Amazon khổng lồ đã bị chặt phá để tạo ra đồng cỏ, giải phóng carbon được lưu trữ trong cây và bò thải ra khí mê-tan, điều này khiến khí hậu trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Ông Rodrigo Gomes, nhà nghiên cứu bò thịt tại tập đoàn nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ cho biết, một trong những cách tốt nhất để cắt giảm khí thải chăn nuôi là giảm tuổi giết mổ của bò. Những con bò ưu tú có thể tăng cân đủ nhanh để bị giết môt sớm hơn.

Những người khác cho rằng, cải tiến di truyền là những cách hữu ích nhưng lại hạn chế để giảm sự nóng lên. Ông Beto Veríssimo, nhà nông học đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận môi trường có tên Imazon, cho biết, các biện pháp đơn giản hơn, hiệu quả hơn bao gồm trồng cỏ tốt hơn để chăn thả và thường xuyên di chuyển gia súc từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Theo ông Veríssimo, năng suất ở Brazil có thể cao hơn ít nhất ba lần.

Chăn nuôi bò là một động cơ kinh tế của Brazil, quốc gia đã xuất khẩu hơn 2 triệu tấn thịt bò trong năm 2022 và 2023, nhiều nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi lại vào năm 1997. Phần lớn xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc. Đó một phần là lý do tại sao hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi tăng 3,6% từ năm 2015 đến năm 2023, so với 0,8% của dịch vụ và mức giảm trong công nghiệp là 0,6%, theo tính toán của LCA Consultants dựa trên dữ liệu chính thức.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đang nỗ lực mở các thị trường mới. Ông đã có cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản (quê hương của thịt bò Wagyu cẩm thạch cao cấp) và mời người đồng cấp của mình nếm thử thịt bò Brazil.

Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Lula đã tuyên bố Brazil hoàn toàn không còn bệnh lở mồm long móng và sẽ yêu cầu Tổ chức Thú y thế giới công nhận vào tháng 8. Phó Tổng thống Geraldo Alckmin cho biết, điều này sẽ mở ra những thị trường lớn hơn và sinh lời hơn cho thịt bò Brazil trên thế giới.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Brazil vẫn là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 1% lên 2,9 triệu tấn. Nhu cầu vững chắc từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Philippines có thể sẽ bù đắp cho nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc.

Các nhà khoa học về khí hậu đồng ý rằng, mọi người cần tiêu thụ ít thịt bò hơn bởi nó là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nông nghiệp và là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng Amazon. Nhưng ngành chăn nuôi gia súc là nguồn phát triển kinh tế chính của Brazil và chính phủ nước này đang nỗ lực chinh phục các thị trường xuất khẩu mới.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/brazil-no-luc-dua-thit-bo-len-ban-an-the-gioi-10284371.html
Zalo