Bóng ma bong bóng dotcom gây ám ảnh thị trường chứng khoán Mỹ do AI dẫn dắt

Sự sôi động của thị trường chứng khoán Mỹ do trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn dắt hiện tại khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ bong bóng dotcom hai thập kỷ trước và đặt ra câu hỏi liệu giá cổ phiếu có lại được thổi phồng bởi sự lạc quan vào một công nghệ mang tính cách mạng.

Cơn sốt AI, kết hợp với nền kinh tế Mỹ phục hồi và thu nhập cao hơn, đã đẩy chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới trong năm nay sau chuỗi tăng hơn 50% từ mức thấp vào tháng 10.2022. Chỉ số Nasdaq Composite (thiên về công nghệ) tăng hơn 70% kể từ cuối năm 2022.

S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.

S&P 500 gồm 500 có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số S&P 500 được sắp xếp và duy trì bởi Standard & Poor's, công ty cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính và chỉ số chứng khoán. Việc theo dõi và đánh giá hiệu suất của chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức khỏe tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ.

Nasdaq Composite là chỉ số chứng khoán theo dõi giá trị của hơn 3.800 cổ phiếu của các công ty được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Nasdaq (NASDAQ).

Nasdaq Composite là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất thế giới, đại diện cho ngành công nghệ cao của Mỹ. Chỉ số này bao gồm các hãng công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Nvidia, Amazon, Alphabet và Tesla, cũng như các hãng công nghệ sinh học, dược phẩm, bán lẻ và dịch vụ tài chính.

Dù các số liệu khác nhau cho thấy định giá cổ phiếu và sự phấn khích của nhà đầu tư vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm như hồi đầu thế kỷ này, nhưng những điểm tương đồng thì dễ dàng nhận ra.

Một nhóm nhỏ các cổ phiếu công nghệ như Microsoft, Apple, Nvidia, Alphanet tượng trưng cho thị trường hiện tại, làm gợi nhớ đến Four Horsemen (Bốn kỵ sĩ) cuối những năm 1990 là Cisco, Dell, Microsoft và Intel.

Cổ phiếu Nvidia (hãng chip lớn nhất thế giới tăng chóng mặt, gần 4.300% trong giai đoạn 5 năm gần đây, gợi nhớ ký ức việc cổ phiếu Cisco (nhà sản xuất thiết bị mạng nổi tiếng) tăng khoảng 4.500% trong 5 năm lên mức đỉnh cao vào 2000, theo so sánh của BTIG về hai cổ phiếu này.

BTIG (Boutique Investment Group) là công ty dịch vụ tài chính toàn cầu cung cấp dịch vụ môi giới, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản cho khách hàng tổ chức và cá nhân.

Vốn hóa thị trường cũng tăng lên, dù nhiều hãng công nghệ hàng đầu hiện tại dường như có tình hình tài chính tốt hơn nhiều so với các đối tác dotcom của họ vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Các thước đo khác, chẳng hạn như sự lạc quan của nhà đầu tư, vẫn chưa đạt đến mức cao ngất ngưởng như hồi đầu thế kỷ này.

Mối lo ngại là sự bùng nổ do AI dẫn dắt sẽ kết thúc giống như bong bóng dotcom, với sự sụp đổ hàng loạt công ty. Sau khi tăng gần gấp 4 lần chỉ trong hơn 3 năm, chỉ số Nasdaq Composite đã giảm gần 80% trong khoảng thời gian từ tháng 3.2000 (mức đỉnh) đến tháng 10.2002. Chỉ số S&P 500 đã giảm gần 50% trong giai đoạn đó.

Trong khi một số cổ phiếu internet như Amazon đã tồn tại và cuối cùng phát triển mạnh, nhiều cổ phiếu khác không bao giờ phục hồi.

"Không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra với AI", Sameer Samana, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện Đầu tư Wells Fargo, nói. Ông lưu ý đến sự không chắc chắn tương tự về những hãng chiến thắng cuối cùng trong dài hạn.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán Mỹ do AI dẫn dắt khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ bong bóng dotcom hai thập kỷ trước - Ảnh: Reuters

Sự sôi động của thị trường chứng khoán Mỹ do AI dẫn dắt khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ bong bóng dotcom hai thập kỷ trước - Ảnh: Reuters

Cũng như thời bong bóng dotcom, lĩnh vực công nghệ thông tin (SPLRCT) đã phình to chiếm 32% tổng giá trị thị trường của S&P 500, tỷ trọng lớn nhất kể từ năm 2000 khi nó tăng lên gần 35%, theo LSEG Datastream. Chỉ ba công ty gồm Microsoft, Apple và Nvidia chiếm hơn 20% chỉ số S&P 500.

LSEG Datastream là cơ sở dữ liệu toàn diện về chuỗi thời gian tài chính, được sở hữu và điều hành bởi London Stock Exchange Group (LSEG). LSEG là tập đoàn giao dịch chứng khoán toàn cầu có trụ sở chính tại London, thủ đô Anh.

Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ hiện được định giá khiêm tốn hơn so với đỉnh cao của thời bong bóng dotcom, giao dịch ở mức gấp 31 lần lợi nhuận dự phóng, so với mức cao nhất là 48 lần vào năm 2000, theo LSEG Datastream.

Sự khác biệt thể hiện rõ trong định giá của Nvidia và Cisco (nhà cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cơ sở hạ tầng internet). Cổ phiếu Cisco hiện vẫn chưa đạt lại mức đỉnh thời bong bóng dotcom.

Lợi nhuận dự phóng là dự báo về lợi nhuận ròng của công ty trong một khoảng thời gian tương lai, thường là một quý hoặc một năm tài chính.

Dù cả hai cổ phiếu đều từng tăng vọt, Nvidia được giao dịch ở mức gấp 40 lần ước tính thu nhập dự phóng, so với mức 131 của Cisco đạt được vào tháng 3.2000, theo LSEG Datastream.

Các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cũng lưu ý rằng đợt tăng giá cổ phiếu hiện tại được thúc đẩy nhiều hơn bởi triển vọng thu nhập vững chắc chứ không phải do định giá ngày càng tăng. Đó là dấu hiệu cho thấy các yếu tố cơ bản đóng vai trò quan trọng hơn trong lần này.

Theo phân tích của Capital Economics, lợi nhuận dự phóng trên mỗi cổ phiếu trong các lĩnh vực có những hãng dẫn đầu thị trường hiện tại (công nghệ, dịch vụ truyền thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu) đã tăng trưởng nhanh hơn so với phần còn lại của thị trường kể từ đầu năm 2023. Ngược lại, lợi nhuận dự phóng trong các lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ tương tự phần còn lại của thị trường vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, trong khi giá trị của chúng tăng vọt nhanh hơn so với các cổ phiếu khác.

Nhìn rộng hơn, tỷ số giá trên lợi nhuận của S&P 500 là 21, cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử nhưng vẫn thấp hơn mức khoảng 25 đạt được vào năm 1999 và 2000, theo LSEG Datastream.

Tỷ số giá trên lợi nhuận là một thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ định giá của cổ phiếu của một công ty. Nó cho bạn biết số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho mỗi đồng lợi nhuận của công ty.

Tỷ số giá trên lợi nhuận = Giá thị trường trên mỗi cổ phiếu / Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

"Kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất của chúng tôi là bong bóng công nghệ này sẽ không vỡ cho đến khi định giá toàn bộ thị trường đạt đến mức tương tự như năm 2000", các nhà phân tích thuộc Capital Economics cho biết trong một ghi chú.

Các nhà đầu tư thời kỳ bong bóng dotcom lạc quan hơn nhiều theo một số cách đo. Tâm lý lạc quan trong cuộc khảo sát của Hiệp hội Các nhà đầu tư Cá nhân Mỹ (được theo dõi rộng rãi) đã đạt 75% vào tháng 1.2000, chỉ vài tháng trước khi thị trường đạt đỉnh. Gần đây, nó ở mức 44,5%, so với mức trung bình lịch sử là 37,5%.

Dù bong bóng AI không phải điều chắc chắn sẽ xảy ra, nhiều nhà đầu tư vẫn cảnh giác rằng các số liệu có thể trở nên căng thẳng hơn những tháng tới nếu tăng trưởng của nước Mỹ vẫn mạnh mẽ và giá cổ phiếu công nghệ tiếp tục tăng cao.

"Có rất nhiều điểm tương đồng. Khi có một bong bóng, nguyên nhân thường bắt nguồn từ quá trình phát triển cơ bản tích cực thực sự đằng sau nó và điều đó tạo ra sự phấn khích cho nhiều người sẵn sàng trả bất cứ giá nào cho mọi thứ", Mike O'Rourke, trưởng nhóm chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới chứng khoán JonesTrading, nhận định.

Bong bóng dotcom, còn được gọi là bong bóng Y2K, là giai đoạn bùng nổ và suy giảm nhanh chóng của thị trường chứng khoán liên quan đến các hãng công nghệ cao, đặc biệt là các công ty mạng, vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Nguyên nhân chính dẫn đến bong bóng dotcom

- Sự phát triển bùng nổ của internet: Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của internet cuối những năm 1990 đã tạo ra sự hào hứng lớn cho các nhà đầu tư về tiềm năng của các hãng công nghệ.

- Sự đầu cơ quá mức: Nhiều nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu của các công ty dotcom (công ty có tên miền .com) bất chấp việc họ không có lợi nhuận hoặc có mô hình kinh doanh yếu kém.

- Sự thiếu thông tin: Thiếu thông tin đáng tin cậy về tình hình tài chính của nhiều công ty dotcom đã khiến các nhà đầu tư dễ bị lừa đảo và thao túng giá cổ phiếu.

Hậu quả của bong bóng dotcom

- Khi bong bóng dotcom vỡ vào năm 2000, thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.

- Hàng loạt công ty dotcom không thể duy trì hoạt động và buộc phải phá sản.

- Bong bóng dotcom góp phần gây ra suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.

Bài học rút ra từ bong bóng dotcom

- Đầu tư cẩn thận: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào bất kỳ công ty nào, đặc biệt là các hãng công nghệ cao.

- Tránh đầu cơ: Không nên đầu tư chỉ dựa trên sự lan truyền hoặc xu hướng thị trường.

- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Nên đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro.

Bong bóng dotcom là sự kiện lịch sử quan trọng trong ngành công nghệ và thị trường tài chính. Sự kiện này cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn của việc đầu tư quá mức vào các công nghệ mới cũng như tầm quan trọng của việc đầu tư cẩn thận và có trách nhiệm.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bong-ma-bong-bong-dotcom-gay-am-anh-thi-truong-chung-khoan-my-do-ai-dan-dat-219093.html
Zalo