Bóng đá Việt Nam vẫn đang thiếu nhân tố mới

Việc Công Phượng cập bến Bình Phước là ví dụ khá cụ thể cho việc bóng đá Việt Nam đang thực sự khát những ngôi sao mới. Việc có đến 3 HLV đã đến và đi ở cấp độ đội tuyển thì việc cơ hội cho các cầu thủ trẻ cũng không phải là dễ dàng.

Công Phượng đã về nước và ngay lập tức trở thành hàng hot trên thị trường chuyển nhượng của bóng đá Việt. Bình Phước là một “đại gia” mới nổi ở hạng Nhất. Việc một đội bóng muốn phát triển đi lên chọn một “cựu sao” như Công Phượng gần như đã trở thành mô hình chung của bóng đá Việt Nam thời gian qua.

Trước đó, Công an Hà Nội cũng đã liên tục đưa về đội hình những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam để nhanh chóng có danh hiệu. Nếu nhìn vào những lần “tăng sức mạnh” của các đội bóng thì chúng ta cũng chỉ gói gọn được vài cái tên đã quá quen thuộc. Các cầu thủ như Quang Hải, Hoàng Đức, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… là những gương mặt thường xuyên thu hút sự chú ý.

Các cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn chưa thể bứt lên để tiếp nối thế hệ "Thường Châu" năm 2018. Ảnh: Vietnamnet.vn

Các cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn chưa thể bứt lên để tiếp nối thế hệ "Thường Châu" năm 2018. Ảnh: Vietnamnet.vn

Việc có được gương mặt mới đủ sức tạo nên sự ảnh hưởng ở V-League gần như thành việc hiếm ở bóng đá Việt Nam những năm gần đây. Thế hệ "Thường Châu" năm 2018 phần nào đó đang đi qua thời đỉnh cao nhất của mình khi có những cầu thủ ít được ra sân như Công Phượng hay đã không còn đủ sức tạo nên ảnh hưởng như Xuân Trường.

Dù vậy, việc có được một thế hệ kế cận cho thế hệ "Thường Châu" nói trên gần như đã bị bỏ ngỏ. Trong hơn 3 năm qua, Đội tuyển Việt Nam đã có đến 3 HLV đi và đến từ HLV Park Hang-seo đến Troussier và bây giờ là Kim Sang-sik. Nhưng bộ khung chính của cấp độ đội tuyển hiện tại cũng chỉ là thế hệ "Thường Châu" năm 2018. Việc đội tuyển cần đổi mới nhưng thiếu “chất mới” đã được các HLV nói lên. Nhưng chất mới không phải cứ cần là có ngay, mà còn cần sự chung tay.

Thời gian qua, bóng đá Việt Nam cũng ghi nhận được một số ngôi sao mới tạo được những hiệu ứng nhất định. Văn Khang, Đình Bắc, Tuấn Tài… là một số cái tên nổi bật. Tuy nhiên, sự nổi bật chỉ được thể hiện khi các cầu thủ nói trên có cơ hội trở thành "kép chính" ở các tuyển trẻ. Còn ở V-League thì việc cầu thủ trẻ được chọn ra sân thường xuyên thường rất khó.

Mặt khác, việc định hướng và giáo dục cho một cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam cũng lộ ra nhiều hạn chế khi HLV có thể công khai liên tục chê bai và chỉ trích một cầu thủ trẻ trên các phương tiện truyền thông như vụ của Đình Bắc trước đây.

Khi Đội tuyển Việt Nam giành được chức vô địch AFF Cup vào năm 2018, nhiều người hâm mộ đã kỳ vọng chu kỳ 10 năm sẽ không lặp lại nữa. Nhưng đã 6 năm kể từ lúc đó, bóng đá Việt Nam vẫn giữ cho mình chiếc áo khá cũ kỹ thì khó có thể thoát được chu kỳ của mình.

GIAI NGHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202409/bong-da-viet-nam-van-dang-thieu-nhan-to-moi-1022296/
Zalo